Cần lấy trái phiếu chính phủ làm “đầu kéo” thị trường trái phiếu

Cần lấy trái phiếu chính phủ làm “đầu kéo” thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Cùng với việc cần có chiến lược tổng thể phát triển thị trường trái phiếu (TTTP), đã đến lúc cần sớm xác định rõ cơ quan điều phối chung, nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động phát triển thị trường, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các kế hoạch mà chiến lược đề ra.

Ưu tiên phát triển thị trường TPCP

Trong chiến lược điều hành, nên ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) để làm “đầu kéo” phát triển TTTP. Theo đó, trên thị trường sơ cấp, cần đẩy nhanh thực hiện dự án các NĐT trái phiếu cấp một, tạo tính định hướng cho sự phát triển chung của thị trường. Cũng cần chuẩn hóa việc cung cấp thông tin về kế hoạch huy động vốn định kỳ, lịch phát hành, nhằm giúp NĐT chủ động trong kế hoạch đầu tư, kinh doanh.

Trên thị trường thứ cấp, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã và đang là đầu mối triển khai dự án Nhà tạo lập thị trường cho thị trường TPCP thứ cấp, bước đầu đem lại hiệu quả, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, để dự án thực sự thành công, thì cần có cơ chế khuyến khích đối với các NĐT đủ điều kiện, sẵn sàng trở thành nhà tạo lập thị trường. Bộ Tài chính nên ưu tiên lựa chọn các NĐT trái phiếu cấp một cho thị trường sơ cấp, từ hệ thống các tổ chức hoạt động tích cực và có hiệu quả trên thị trường thứ cấp.

Cơ quan quản lý cũng cần triển khai nhóm giải pháp phát triển hàng hóa, tái cấu trúc thị trường theo hướng chuẩn hóa hàng hóa giao dịch, xây dựng các kỳ hạn chuẩn 1, 2, 3, 5, 10 và 15 năm làm căn cứ xây dựng đường cong lãi suất chuẩn tham chiếu và định hướng cho thị trường.

Số lượng mã TPCP đang lưu hành trên thị trường hơn 100 mã là quá lớn, hạn chế thanh khoản của thị trường và tăng chi phí quản lý. Do đó, nên phát hành trái phiếu theo lô lớn, nghiên cứu xây dựng các kế hoạch phát hành mới, phát hành bổ sung các kỳ hạn chuẩn định kỳ, giảm số lượng mã trái phiếu lưu hành. Cơ quan quản lý cũng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động repo trái phiếu, giúp đẩy mạnh hoạt động giao dịch này trên thị trường; nghiên cứu và triển khai nghiệp vụ bán khống, hoặc được bán trước khi trái phiếu về tài khoản.

Cần sử dụng chính sách thuế linh hoạt, tăng mức độ hấp dẫn đối với NĐT, trong đó có nhóm NĐT nước ngoài. Hiện nay, TTTP ở nước ta chưa có chiều sâu, nền khách hàng mỏng. Đặc biệt, sự tham gia của khối NĐT nước ngoài có sự biến động mạnh. Do vậy, Bộ Tài chính nên cân nhắc, trong thời gian trước mắt có thể giảm, hoặc chưa tính thuế trên lãi thu được từ đầu tư kinh doanh trái phiếu, để thu hút hơn sự tham gia của khối NĐT nước ngoài. Khi thị trường phát triển có chiều sâu, thì sẽ điều chỉnh mức thuế cho phù hợp.

Để thúc đẩy TTTP phát triển, cũng cần triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ đồng bộ và hiện đại. Nên sớm đồng bộ hóa việc lưu ký trái phiếu tại Trung tâm Lưu ký và tại Sở giao dịch NHNN, tạo điều kiện cho các giao dịch mua/bán TPCP, cũng như các giao dịch trên thị trường mở với NHNN diễn ra thuận tiện, liên tục, không mất thời gian cho việc chuyển lưu ký.

Khi thị trường TPCP phát triển sôi động sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho sự phát triển của trái phiếu DN và các loại trái phiếu khác. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho trái phiếu DN phát triển, cần sớm thành lập cơ quan định mức tín nhiệm chủ thể phát hành và định mức tín nhiệm cho mỗi trái phiếu được phát hành; đồng thời Bộ Tài chính cần phối hợp với NHNN sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN.

 

Hỗ trợ VBMA 

Để thúc đẩy TTTP phát triển hiệu quả hơn trong giai đoạn tới, VBMA đề xuất Bộ Tài chính, NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan quản lý hỗ trợ triển khai dự án Nhà tạo lập thị trường và tham gia xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường. Đồng thời, có thể giao cho VBMA đảm nhiệm vai trò là trung tâm thông tin trái phiếu DN. Theo đó, VBMA đứng ra làm đầu mối thu thập, xử lý, đăng tải thông tin liên quan tới các hoạt động/giao dịch trên thị trường sơ cấp, thứ cấp, cũng như thông tin từ các thành viên thị trường.

Đề nghị các cơ quan quản lý xem xét cho phép VBMA thực hiện xây dựng các chương trình đào tạo chuẩn, thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo về một số nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng NĐT tham gia thị trường. Giao VBMA làm đầu mối nghiên cứu xây dựng quy ước thông lệ thị trường, bộ sổ tay tác nghiệp, bộ quy tắc ứng xử, hợp đồng khung điều chỉnh hoạt động repo trái phiếu… Giao VBMA phối hợp với cơ quan quản lý trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, tổ chức nghiên cứu và đối thoại chính sách, đồng thời là đầu mối triển khai các chương trình đối thoại giữa thành viên thị trường và các cơ quan quản lý.