Bà Hồ Thị Huyền

Bà Hồ Thị Huyền

Cần ít nhất một nhịp giảm nữa mới có sóng hồi

(ĐTCK) Đó là nhận định của bà Hồ Thị Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCK VN-Direct (VND) khi trao đổi với ĐTCK về diễn biến của TTCK trong những phiên vừa qua.

TTCK trong nhiều phiên gần đây biến động khá mạnh, điển hình như phiên 15/4, VN-Index giảm hơn 14 điểm dù không có thông tin gì quá tiêu cực. Theo bà, đâu là nguyên nhân và NĐT đang ở “ngưỡng” tâm lý nào?

Hào quang của nhịp tăng từ tháng 12 năm ngoái đến giữa tháng 2 năm nay quá đẹp đẽ và hấp dẫn, nên tâm lý nắm giữ cổ phiếu, dù ít dù nhiều vẫn còn. Những người giữ cổ phiếu vẫn hy vọng thị trường lên, một phần những người đã chốt lời thì chờ đợi thời điểm để mua vào. Khi tất cả đều chờ đợi mà không được đáp lại bằng một thông tin vĩ mô hoặc một biểu hiện dòng tiền trở lại, hỗ trợ cho niềm tin của mình thì dễ gây ra tâm lý mệt mỏi và thất vọng, dẫn đến việc chỉ cần một lực bán ra là sẽ kéo theo hiệu ứng bán ra toàn thị trường. Điều đó giải thích tại sao dù không có thông tin quá tiêu cực mà thị trường vẫn xuất hiện những phiên giảm mạnh như phiên 15/4, hay như phiên giao dịch ngày 18/4 trước ngày nghỉ lễ giỗ Tổ, VN-Index giảm 10,78 điểm, đóng cửa ở mức 473,21 điểm.

Nhìn ở góc độ cụ thể hơn với các nhóm cổ phiếu. Nếu như cách đây khoảng 2 - 3 tuần, dù thị trường đi xuống, vẫn còn một số blue-chip đi ngược xu hướng chung và NĐT dựa vào đó để hy vọng thì đến giai đoạn hiện tại, tất cả các mã này đều giảm mạnh, gây ra tâm lý hoang mang cho NĐT, góp phần khiến cho sự giảm điểm chung của thị trường càng thêm trầm trọng.

Thường thì TTCK khó có thể bật trở lại khi tâm lý NĐT vẫn rất thận trọng xen lẫn hoang mang. Bà dự báo thế nào về TTCK trong ngắn hạn?

TTCK vốn bất ngờ, có khi tất cả thận trọng thì thị trường lại lên (cười). Nói vậy thôi chứ hiện tại, tôi nhận thấy dòng tiền rút ra từ giữa tháng 2 vẫn chưa quay trở lại. Một khi chưa có sự tiếp sức của nguồn tiền mới thì thị trường khó có thể lên mạnh, có lên cũng chỉ là những nhịp hồi. Về ngắn hạn, tôi cho rằng thị trường cần ít nhất một nhịp giảm nữa mới có thể nói đến một cơ hội sóng hồi cho NĐT.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ được công bố sẽ triển khai rộng rãi, đặc biệt là thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở có thể sẽ được ban hành trong tháng 4 này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ dành 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp. Điều này có tạo động lực cho TTCK, theo bà?

Nghị quyết 02 đã được nhắc đến từ đầu tháng 1 và có thể chính việc này đã nuôi kỳ vọng cho NĐT khiến cho thị trường tăng khá mạnh trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2. Thực tế, đến bây giờ các cơ quan quản lý chưa có động thái gì mới, ngoài việc đánh tiếng về việc đưa ra gói 30.000 tỷ hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở. Theo tôi, thị trường có thể phản ứng tích cực với thông tin này, nhưng khó có thể là động lực chính để đi lên mạnh mẽ. Hay nói cách khác, giải cứu bất động sản là câu chuyện được nói đến trong sóng đầu năm, đến sóng tiếp theo chúng ta cần một câu chuyện khác, một cái cớ khác. Việc bơm ra 30.000 tỷ đồng, nếu có, cũng chỉ giải quyết được một phần vấn đề của bất động sản. Nếu tín hiệu tích cực phát ra từ phía DN sản xuất thì sẽ tốt hơn cho nền kinh tế.

 

Vậy theo bà, đâu là cơ hội đối với NĐT trong quý II này và nhóm cổ phiếu ngành nào có sức bật nhanh hơn khi thị trường hồi phục?

Gần đây, các cổ phiếu cơ bản tốt dường như được chú ý nhiều hơn. Khi số đông đang sở hữu hoặc ngắm nghía nhóm mã cổ phiếu này và dòng tiền ngoại vẫn xoay vòng trong các mã đó thì nhiều khả năng, đây vẫn là những mã dẫn dắt thị trường. Tôi cho rằng, đây là nhóm DN đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của khủng hoảng nên sẽ có nhiều lợi thế khi nền kinh tế hồi phục. Lựa chọn các cổ phiếu này với mục đích kiếm lợi nhuận ngắn hạn tại các nhịp sóng nhỏ của thị trường hay cho một mục tiêu dài hạn hơn đều hợp lý.

Nói như vậy không phải là không có cơ hội với nhóm cổ phiếu đầu cơ. Phần lớn NĐT trên TTCK trong 3 năm qua đều chịu mất mát khi thị trường liên tục giảm, vì thế tâm lý lướt sóng, mua nhanh thắng nhanh là chủ đạo và tâm lý này sẽ nuôi dưỡng các cổ phiếu đầu cơ. Tất cả các sóng trước của thị trường đều cho thấy, chỉ khi dòng tiền đầu cơ bùng lên thì thị trường mới thực sự hưng phấn và thể hiện “sự điên rồ” của nó. Tôi cho rằng, nếu sóng này còn tiếp tục, khi thị trường tăng trưởng ở một độ nhất định, dòng tiền đầu cơ sẽ chảy vào rất mạnh mẽ theo quy luật nước chảy chỗ trũng (mispricing). Trong số các mã đầu cơ, nhóm bất động sản - dù phản ứng khá tiêu cực trong 2 tháng qua - cũng có cơ bật mạnh bởi kỳ vọng của thị trường về giải cứu bất động sản vẫn còn, hơn nữa các cổ phiếu này đã giảm quá mạnh và  sự mispricing đó sẽ tạo ra cảm giác giá rẻ, hấp dẫn.