Thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư để tích lũy tài sản, đồng thời cũng là một kênh huy động vốn.

Thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư để tích lũy tài sản, đồng thời cũng là một kênh huy động vốn.

Cần hạn chế "tập kích" thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) đã chia sẻ về cách các nền kinh tế tận dụng tốt thị trường chứng khoán để làm lợi cho người dân và cả ngân sách.

Với một nền kinh tế phát triển như Việt Nam, không ít nhà đầu tư mua và gia tăng sở hữu cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã gặt hái thành công khi giá trị tài sản tăng tốt. Ông nhìn thấy câu chuyện này ở các nền kinh tế khác diễn ra như thế nào?

Câu chuyện này ở mọi nền kinh tế đều tương tự nhau. Thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư để tích lũy tài sản, đồng thời cũng là một kênh huy động vốn.

Công ty làm ăn hiệu quả thì khi cần huy động vốn, họ có thể huy động qua thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư cảm thấy công ty làm ăn tốt thì đầu tư vào đó. Đây chính là vai trò cơ bản của kênh phân bổ vốn một cách hiệu quả qua thị trường chứng khoán của nền kinh tế.

Khi các nhà đầu tư tập trung vào những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và doanh nghiệp huy động được vốn với chi phí hợp lý, thì về lâu dài sẽ làm gia tăng giá trị doanh nghiệp và mang lại thịnh vượng cho nền kinh tế, cũng như giúp nhà đầu tư tăng được giá trị tài sản, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng lên và lãi suất tiết kiệm thấp.

Nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán với chiến thuật nắm giữ dài hạn kết hợp lướt sóng để tối ưu hiệu quả đầu tư. Từ kinh nghiệm và quan sát của ông ở Việt Nam cũng như các thị trường chứng khoán khác, nhà đầu tư cần lưu ý gì khi quyết định bỏ một phần tiết kiệm sang kênh chứng khoán?

Có hai điều mà nhà đầu tư cần chú ý khi quyết định bỏ một phần tiền tiết kiệm sang kênh chứng khoán. Thứ nhất là hiểu rõ bản thân. Nhà đầu tư cần hiểu rõ khả năng gánh chịu rủi ro cũng như thời gian có thể dành ra để nghiên cứu thị trường nhằm lựa chọn cách đầu tư cổ phiếu phù hợp.

Nếu như không có nhiều thời gian và ít kinh nghiệm, thì những quỹ đầu tư hiện tại có uy tín của Việt Nam là một lựa chọn phù hợp, thay vì nghe người khác khuyên mua vào, bán ra mà không nắm rõ doanh nghiệp.

Nếu như không thể chấp nhận thua lỗ quá lớn thì không nên mua những cổ phiếu có độ biến động cao và không nên có tâm lý sợ lỡ chuyến tàu làm giàu (FOMO).

Thứ hai là có kỳ vọng hợp lý về lợi nhuận. Nhiều nhà đầu tư thua lỗ là vì kỳ vọng quá cao nên “đặt cược” vào những cổ phiếu rủi ro vượt quá khả năng chịu đựng lỗ, thậm chí vay thêm (giao dịch ký quỹ - margin) để đầu tư.

Các nghiên cứu về tài chính hành vi cho thấy, quá tự tin về bản thân và kỳ vọng sai về lợi nhuận là những sai lầm thường thấy và dễ dẫn đến nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá khả năng chịu đựng. Chứng khoán là một kênh đầu tư có rủi ro, hiểu rõ bản thân phù hợp với phong cách đầu tư nào sẽ giúp nhà đầu tư có lựa chọn phân bổ vốn phù hợp.

Công bố của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, từ đầu năm đến nay, thuế chứng khoán đóng góp lớn cho ngân sách. Ông có cho rằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển, thu hút đông đảo người dân tham gia nhằm tăng thu cho ngân sách?

Từ kinh nghiệm của các nước có thị trường chứng khoán phát triển, một trong những yếu tố giúp thị trường cổ phiếu phát triển mạnh là nhà đầu tư được sử dụng tài khoản tiết kiệm hưu trí để đầu tư cổ phiếu và không trả hoặc trả thuế thấp tới một mức giới hạn nhất định.

Chẳng hạn, ở Anh, mỗi người được đầu tư cổ phiếu 20 nghìn bảng Anh miễn thuế (không có thuế lãi vốn và cổ tức) qua tài khoản tiết kiệm (ISA).

Đây là cách khuyến khích người dân tiết kiệm tiền qua kênh cổ phiếu và nhiều người đã dùng tiền trong tài khoản ISA để mua chứng chỉ quỹ đầu tư, hoặc tự quản lý danh mục đầu tư.

Tưởng chừng chính sách này dẫn tới thất thu thuế, nhưng thực tế thì nó khuyến khích người dân có thói quen tích lũy đầu tư vào những công ty lành mạnh trên thị trường cổ phiếu, tạo ra sự phát triển cho kênh dẫn vốn thay thế bên cạnh hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, nhà đầu tư có nhiều tiền quen với việc đầu tư cổ phiếu sẽ đầu tư thêm nhiều tiền nữa ngoài phần được miễn thuế, do đó, nhà nước vẫn sẽ thu được thuế.

Mặt khác, công ty chứng khoán ăn nên làm ra cùng với ngành quản lý quỹ cũng sẽ đóng góp cho ngân sách. Công ty niêm yết huy động được vốn lớn mạnh cũng sẽ đóng góp cho ngân sách.

Đi kèm với chính sách đó sẽ tự nhiên hình thành ngành tư vấn tài chính được chuyên nghiệp hóa, giảm bớt việc người dân bị “dụ” mua cổ phiếu, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp mà không hiểu gì về nó.

Lúc này cũng dễ hình thành một hệ thống chứng chỉ chuyên môn để người dân phân biệt giữa các “thầy dùi” tư vấn đầu tư qua mạng xã hội với người chuyên nghiệp có chứng chỉ chuyên môn rõ ràng.

Nhưng ở đây cũng đòi hỏi cơ quan quản lý phải cấp các chứng chỉ chuyên nghiệp một cách bài bản và tính đến đủ các tình huống và nhu cầu xã hội, tránh việc người có nhiều kinh nghiệm lại phải đi thi qua 5 - 7 bận để được cấp một chứng chỉ dưới khả năng chuyên môn đã có.

Cần có một chính sách phát triển thị trường toàn diện hơn với một cơ quan quản lý có đại diện đầy đủ của những chuyên gia, nhà tạo lập thị trường và cơ quan quản lý.

Lấy ví dụ điển hình, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hiện nay do Tổng thống bổ nhiệm là Gary Gensler vốn là một người từng làm việc ở ngân hàng đầu tư, là giảng viên đại học và nhân viên Bộ Tài chính. Một tổ chức giám quản thị trường mà chỉ bao gồm các công chức của một vài bộ, ngành sẽ khó tránh khỏi những thiếu sót và thiếu nhạy cảm với thị trường.

Tuần qua, nhiều nhà đầu tư phản ứng trước phát biểu của một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi công bố các con số về dư nợ margin và cảnh báo thị trường đang nóng, trong bối cảnh hệ thống giao dịch xập xệ và lỗi thường xuyên đã gây tâm lý tiêu cực tới nhà đầu tư. Ở các thị trường khác, hành động của cơ quan quản lý lĩnh vực này, đặc biệt là các quan chức cấp cao thường diễn ra như thế nào? Họ thường làm gì để thị trường vận hành ổn định, không bị giật cục?

Việc công bố các số liệu báo cáo về dư nợ margin và tình hình thị trường cũng như thể hiện quan điểm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về thị trường là bình thường. Các cơ quan quản lý thị trường nước ngoài cũng thường có những báo cáo về ổn định thị trường tài chính như của SEC hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong đó công bố các tiêu chí về độ ổn định, rủi ro thị trường… để làm bằng chứng và nền tảng cho quyết định của mình.

Vì vậy, nhà đầu tư không nên phản ứng thái quá, mà cần dựa vào các thông tin này để đoán định hành động tiếp theo của cơ quan quản lý. Điều mà thị trường và cơ quan quản lý cần là sự chuyên nghiệp. Cơ quan quản lý cần ra những báo cáo chuyên nghiệp để tiếp nhận phản biện, đồng thời làm cơ sở cho các quyết định của mình, thể hiện sự minh bạch trong quản lý là các quyết định của cơ quan quản lý có cơ sở, không tùy tiện, cảm tính.

Thị trường cũng cần tiếp nhận các thông tin này một cách ít cảm tính, mà cần dựa vào đó để tính toán việc cơ cấu danh mục cho phù hợp.

Tuy nhiên, nếu đã đưa thông tin thì nên có những báo cáo chuyên nghiệp, theo chuẩn mực báo cáo ổn định thị trường chứng khoán nói chung và thường xuyên, có lên lịch cụ thể để nhà đầu tư không bị “tập kích bất ngờ”.

Ảnh tác giả

UBCK nên đưa ra một báo cáo về tình hình nghẽn lệnh của HOSE một cách thường xuyên để nhà đầu tư biết trước và có những tính toán phù hợp về rủi ro trong trường hợp thị trường giảm mạnh mà nghẽn lệnh thì hệ quả là gì.

TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol

Chẳng hạn, khi Fed tuyên bố về lãi suất, hay SEC công bố các bản thông tin cho nhà đầu tư, có lúc thị trường tăng mạnh, cũng có lúc rớt 3% (diễn biến rất xấu ở Mỹ), nhưng thị trường chấp nhận, vì đó là tín hiệu chính sách, phản ánh quan điểm của SEC (ví dụ, giá các SPAC của Mỹ giảm mạnh khi SEC phản ánh lo ngại về tình hình kế toán của SPAC qua các bản tin và ra tín hiệu sẽ thay đổi các yêu cầu này - việc họ làm sau đó vài tuần).

Điều này phản ánh việc các cơ quan quản lý đưa ra chính sách có tính dự đoán trước, minh bạch và có cơ sở rõ ràng, không cảm tính.

Tuy nhiên, nếu đã làm như vậy, thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nên đưa ra một báo cáo về tình hình nghẽn lệnh của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM một cách thường xuyên để nhà đầu tư biết trước và có những tính toán phù hợp về rủi ro trong trường hợp thị trường giảm mạnh mà nghẽn lệnh thì hệ quả là gì. Việc thỉnh thoảng đưa ra một vài thông tin và im lặng thời gian dài với những thông tin trọng yếu sẽ dễ dẫn đến tình trạng “tập kích thị trường”, khiến nhà đầu tư có tâm lý tiêu cực vì không có chuẩn bị tiếp nhận thông tin tiêu cực, đặc biệt là khi thị trường lại không thể giao dịch thông suốt.

Tin bài liên quan