PGS.TS Trần Hoàng Ngân.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân.

Cần giảm ngay lãi suất, khơi thông dòng vốn

(ĐTCK) Đó là đề nghị của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Nhiều nhận định đưa ra rằng, lãi suất sẽ khó giảm trong thời gian tới và nếu giảm cũng chỉ còn dư địa rất ít? Ông có đồng tình với nhận định này?

Tôi lại cho rằng, cần phải giảm ngay lãi suất trong quý này, chứ không thể đợi lâu hơn được nữa, kể cả với trần lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Bởi muốn giảm được lãi suất cho vay, trước hết phải điều chỉnh lãi suất huy động. Lãi suất huy động trước mắt có thể giảm thêm 1%/năm và tiếp tục xem xét để giảm dần vào những tháng cuối năm, dựa trên diễn biến của thị trường và tình hình lạm phát. Chỉ hạ lãi suất, mới có thể giải quyết được các điểm nghẽn của nền kinh tế (hàng tồn kho, nợ xấu, thị trường bất động sản). Một khi lãi suất được điều chỉnh giảm dần xuống mức hợp lý hơn, sẽ kích cầu về đầu tư cũng như kích cầu tiêu dùng… Riêng đối với thị trường bất động sản, theo tôi, Chính phủ không nên bàn cứu hay không cứu, mà nên tái cơ cấu thị trường bất động sản để nó hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trước mắt, giá bất động sản cần phải được giảm nhiều hơn và Chính phủ cần sớm có chính sách tín dụng hỗ trợ cán bộ công chức, người lao động mua nhà với lãi suất thấp, như gói vốn 20.000 - 40.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà xã hội, với lãi suất 6%/năm.

 

Nếu lãi suất huy động giảm sâu, dòng tiền tiết kiệm có khả năng sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác. Điều này liệu có đe dọa đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, thưa ông?

Dòng tiền phải chảy được thì nền kinh tế mới tăng trưởng. Có nghĩa là, khi lãi suất giảm, dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ chọn các kênh đầu tư khác, thay vì chỉ biết bỏ tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất như hiện nay. Trong khi đó, nếu không hạ lãi suất, ngân hàng cũng không thể cho vay ra. Còn khi lãi suất được điều chỉnh giảm, dòng chảy của đồng vốn sẽ được khơi thông. Dòng vốn có thể đổ vào TTCK, bất động sản… và cuối cùng cũng sẽ quay lại ngân hàng. Mặt khác, khi thị trường vốn phục hồi sẽ thúc đẩy được tiến trình cổ phần hóa các DN nhà nước. Việc huy động vốn qua TTCK của DN sẽ có nhiều cơ hội.

Nợ xấu của ngành ngân hàng cũng sẽ phần nào được giải quyết nếu thị trường bất động sản hồi phục, bởi thực tế, nợ xấu của ngành ngân hàng chủ yếu rơi vào bất động sản.

 

Các ngân hàng cho rằng, giảm lãi suất lúc này, DN cũng không hào hứng vay, vì vay vốn không biết để làm gì khi hàng tồn kho khó giảm, còn sức cầu khó tăng?

Lãi suất cho vay của các ngân hàng cần giảm thêm thì DN mới có thể hoạt động được. Muốn kích cầu tiêu dùng, giảm hàng tồn kho cho DN, trước hết, phải giảm lãi suất để kích thích đầu tư cũng như tăng sức mua trên thị trường.

Thực tế hiện nay, với các DN tốt, có dự án kinh doanh, nhưng không tìm được đầu ra cho sản phẩm thì sẽ không vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, trước bối cảnh thị trường có khó khăn, lãi suất cho vay cao vẫn là rào cản đối với các DN trước khi quyết định gõ cửa ngân hàng để vay vốn.

 

Với xu hướng lạm phát tăng trong 2 tháng đầu năm 2013, nếu giảm mạnh lãi suất, liệu có tác động lạm phát tăng cao trở lại?

Theo tôi, lạm phát tăng trong 2 tháng đầu năm không phải là điều đáng lo ngại. Bởi lạm phát tăng mang tính mùa vụ, do dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao.

Trong những tháng tới, khả năng lạm phát sẽ theo chiều hướng giảm dần. Cùng với việc ổn định tỷ giá và nhập khẩu giảm, chủ trương kìm giá xăng dầu…, tôi cho rằng, lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát ở mức kỳ vọng 7 – 8%. Vì thế, trần lãi suất đầu vào trước mắt có thể giảm ngay về 7%/năm và tiếp tục xem xét để điều chỉnh về mức phù hợp trong thời gian tới. Có như vậy, lãi suất cho vay mới thêm điều kiện giảm để khơi thông dòng chảy tín dụng.