NIM ngân hàng đã rất thấp
Để hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đạt mục tiêu đề ra cho năm nay, ngày 7/7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 7,0%/năm xuống còn 6,5%/năm.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. Để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước khi có nhu cầu.
Trên thực tế, không chờ đến khi có quyết định của Ngân hàng Nhà nước, mà từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Một mặt để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, mặt khác các ngân hàng cũng mong muốn đẩy nhanh dòng tín dụng trong bối cảnh thanh khoản những tháng đầu năm khá dồi dào.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn. Các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm.
Như vậy, hiện lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5 - 1%/năm so với đầu năm và đây là mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhất kể từ năm 2005 đến nay. Để có được mặt bằng lãi suất cho vay này, các ngân hàng đã phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động do biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng hiện đang rất thấp, khó có thể hạ thêm.
“NIM của hệ thống ngân hàng hiện nay chỉ khoảng 2 - 2,2%, nên không thể thu hẹp thêm được nữa vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng”, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay đã là một thành công của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ.
“Tôi đánh giá cao động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước ngày 7/7/2017. Trong bối cảnh kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và lãi suất đang chịu nhiều sức ép tăng mà Ngân hàng Nhà nước quyết tâm giảm thì đó là một sự nỗ lực rất lớn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Muốn giảm lãi suất, phải trông vào... lạm phát
Nhiều chuyên gia đánh giá, mục tiêu giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay của Chính phủ là hoàn toàn chính đáng để chia sẻ, hỗ trợ với doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tăng trước kinh tế. Tuy nhiên, muốn giảm thêm lãi suất cho vay, cần phải giảm lãi suất huy động, mà điều này thì còn phải trông... lạm phát. Bởi lãi suất huy động phải đảm bảo thực dương (cao hơn lạm phát và lạm phát kỳ vọng) mới hấp dẫn được người gửi tiền trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản đang sôi động trở lại.
Thực tế cho thấy, lạm phát đang có xu hướng tăng tốc. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 8 bật tăng tới 0,92% so với tháng trước, mức tăng cao nhất tính theo tháng kể từ tháng 10/2013. Trong khi đó, sức ép lạm phát những tháng cuối năm rất lớn.
Tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khi phân rã các thành phần của lạm phát cho thấy, thành phần mùa vụ (lạm phát do yếu tố mùa vụ) đóng góp 0 điểm phần trăm, trong khi thành phần chu kỳ (lạm phát do yếu tố giá) đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào lạm phát tổng thể của tháng 8.
“Đây có thể là dấu hiệu ban đầu cho thấy một chu kỳ tăng giá mới có thể bắt đầu trong những tháng tiếp theo, cần được theo dõi để kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ công trong những tháng tới nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”, một lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.
Do vậy, khuyến nghị được đưa ra từ một số chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất cần được tính toán một cách thận trọng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạ được lãi suất việc làm đầu tiên là kiểm soát lạm phát. “Hiện nay, thị trường kỳ vọng tỷ lệ lạm phát ở mức 4%. Với kỳ vọng lạm phát đó, lãi suất huy động cần phải ở mức 6%/năm và lãi suất cho vay 9%/năm, đây là mức lãi suất cho vay thị trường đang thực hiện”, TS. Hiếu nói.
Ngoài yếu tố vĩ mô, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét thêm một số giải pháp điều hành để giảm chi phí huy động vốn cho các ngân hàng như tăng cung tiền giá rẻ qua kênh thị trường mở, cho vay tái cấp vốn... hoặc hạ thêm nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc.