CEO Nguyễn Hoàng Nam trao đổi với 2 vị chuyên gia trong Chương trình

CEO Nguyễn Hoàng Nam trao đổi với 2 vị chuyên gia trong Chương trình

Cân đong 2 phương án xây dựng thương hiệu

Thương hiệu cá nhân có thể coi là chất xúc tác để thu hút khách hàng khi mới khởi nghiệp, nhưng điều này liệu còn đúng trong những giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp?

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến thương hiệu, bởi đây chính là tài sản vô giá, là thước đo sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong xây dựng thương hiệu, thường có 2 trường phái được các doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn, đó là thương hiệu cá nhân hoặc thương hiệu công ty. Tuy nhiên, mỗi chiến lược đều có những thế mạnh và nhược điểm riêng.

Nếu doanh nghiệp chọn thương hiệu gắn với một cá nhân, sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí truyền thông, quảng bá, nhưng về lâu dài, có thể dẫn tới sự lệ thuộc vào một người, đồng thời giới hạn sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong khi đó, thương hiệu doanh nghiệp là sự bao trùm các yếu tố, từ nhân sự, văn hoá, chất lượng sản phẩm, dịch vụ  và ngày càng gia tăng giá trị cùng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhưng, để thương hiệu của doanh nghiệp được lan tỏa, sẽ tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc, nhất là trong thời kỳ đầu gây dựng.

Hai cách thức xây dựng thương hiệu này luôn có mối quan hệ phụ thuộc và hỗ trợ nhau, khiến nhiều doanh nghiệp phải “đặt lên bàn cân” để lựa chọn. Chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 43 đặt ra chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Thương hiệu cá nhân hay công ty” để cùng phân tích, tìm lời giải cho bài toán: lựa chọn xây dựng thương hiệu cá nhân hay doanh nghiệp?

Tình huống của chương trình diễn ra tại một doanh nghiệp gia đình có 20 năm hoạt động và đang kinh doanh phát đạt trong lĩnh vực dịch vụ y tế, chuyên khoa mắt. Doanh nghiệp này đã lựa chọn chiến lược truyền thông dựa vào tên tuổi của CEO. Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO của doanh nghiệp vốn là một tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa mắt, được nhiều người biết tiếng về trình độ cao, tay nghề giỏi. Nhờ đó, từ phòng khám ban đầu, doanh nghiệp hiện sở hữu chuỗi 5 phòng khám mắt trên toàn thành phố.

Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, thương hiệu CEO cũng ngày càng nổi tiếng. Ở các phòng khám, bệnh nhân luôn trông chờ được chính CEO chữa trị. Tuy nhiên, các thành viên HĐQT lại bất ngờ đề xuất với CEO về việc thay đổi chiến lược và đầu tư phát triển thương hiệu.

Các thành viên HĐQT cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp nên hoạch định lại chiến lược thương hiệu, tập trung chi phí truyền thông cho thương hiệu doanh nghiệp thay vì cá nhân CEO, bởi tên tuổi CEO đã được nhiều người biết đến, nhưng thương hiệu của doanh nghiệp còn rất mờ nhạt. Việc PR thương hiệu của doanh nghiệp sẽ giúp khách hàng không bị nhầm lẫn, đồng thời dễ dàng trong việc mở rộng doanh nghiệp. Từ đó, CEO cũng có thời gian tập trung vào việc quản trị và điều hành.

Ý kiến này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ CEO. CEO cho rằng, từ ngày thành lập đến nay, doanh nghiệp phát triển được là nhờ vào thương hiệu cá nhân của mình. Nếu giảm độ “hot” của CEO, tình hình kinh doanh của công ty có khả năng sẽ bị ảnh hưởng. “Công việc kinh doanh đang tốt đẹp, tại sao lại mất thời gian để thay đổi?”, CEO quả quyết.

Tuy nhiên, các thành viên HĐQT vẫn giữ quan điểm của mình. “Giờ đây, doanh nghiệp không còn là một phòng khám, mà đã phát triển thành một chuỗi và sẽ còn lớn mạnh hơn, thậm chí phát triển kinh doanh đa ngành. Không lẽ vẫn cứ ăn theo thương hiệu CEO ngành mắt?”, các thành viên HĐQT đặt câu hỏi.

Để giúp doanh nghiệp tìm lời giải tốt nhất, CEO Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Grand Homes International đã tìm đến các chuyên gia hàng đầu về thương hiệu. Đó là Chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông và thương hiệu Hoàng Hải Âu, Tổng giám đốc Hoàng Gia Media Group và ông Thái Quốc Minh, Thành viên HĐQT Ngân hàng SHB. Chắc chắn, hai vị chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên không chỉ phù hợp cho CEO trong tình huống này mà còn là những gợi ý hay cho các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan