Theo ông, thời điểm này, TTCK Việt Nam đã đủ điều kiện để áp dụng các sản phẩm chứng khoán phái sinh hay chưa?
Các sản phẩm chứng khoán phái sinh có nhiều ưu điểm. Không chỉ đưa ra những dấu hiệu chỉ báo giá trong tương lai của tài sản gốc, chứng khoán phái sinh còn là công cụ phòng vệ rủi ro cũng như đầu tư, đầu cơ hiệu quả. Trong tình hình TTCK nhiều biến động như hiện nay, sản phẩm chứng khoán phái sinh nếu được thiết kế phù hợp sẽ được NĐT đón nhận.
Những NĐT, đặc biệt là các NĐT chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư am hiểu về thị trường và sử dụng thành thạo các công cụ chứng khoán phái sinh sẽ là những đối tượng đầu tiên quan tâm đến những sản phẩm mới này. Do đó, sự ra đời của TTCK phái sinh được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nguồn vốn của TTCK. Với sự non trẻ của TTCK Việt Nam, việc lựa chọn đưa ra các sản phẩm phái sinh nên phù hợp với điều kiện thị trường cũng là yếu tố cần cân nhắc.
Cơ chế hoạt động của TTCK phái sinh khá phức tạp, nhưng Việt Nam có lợi thế đi sau nên có thể tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển TTCK phái sinh.
Một lộ trình như thế nào, theo ông, là phù hợp?
Thị trường phái sinh có thể trở thành bộ phận tất yếu của thị trường tài chính Việt Nam trong một vài năm tới. Muốn vậy, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự ra đời của thị trường này, mà trước tiên là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vận hành thị trường.
TTCK là thị trường mới, với nhiều khái niệm mới, vì vậy, công tác tuyên truyền, đào tạo, cập nhật kiến thức cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh như CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại… cũng như công chúng đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, chúng ta cần thường xuyên xem xét nguồn gốc phát sinh rủi ro có liên quan tới TTCK phái sinh. Tóm lại, chúng ta cần vừa vận hành vừa hoàn thiện TTCK phái sinh để đảm bảo sự an toàn và sự phát triển bền vững của sân chơi tài chính cao cấp này.
Trước những biến động lớn trên TTCK Trung Quốc thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên thận trọng trong triển khai các sản phẩm mới. Ông có cùng quan điểm này?
Từ biến động của TTCK Trung Quốc, có thể rút ra nhiều bài học cho TTCK Việt Nam, đặc biệt liên quan đến những chính sách và sản phẩm mới dự kiến áp dụng trên thị trường. Các sản phẩm phái sinh đều có tính ưu việt là tăng giá trị giao dịch, cơ hội đầu tư, phòng vệ và thu lợi nhuận cho các NĐT.
Tuy nhiên, tùy theo đặc thù sản phẩm khi thị trường diễn biến không thuận lợi, các yếu tố bất ổn sẽ được khuếch đại mạnh hơn, mức độ gây hậu quả sẽ nặng nề hơn. Do đó, Việt Nam cần có cái nhìn nhận thận trọng về các sản phẩm này cũng như tính toán để áp dụng một cách an toàn nhất.
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 74/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch chứng khoán, đang được UBCK lấy ý kiến, sẽ chỉ có rất ít CTCK đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ mới. Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên nới rộng điều kiện để nhiều CTCK được tham gia cung cấp các dịch vụ mới, tạo ra môi trường cạnh tranh hơn?
Một nội dung nổi bật được thị trường quan tâm trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 74 là cho phép giao dịch mua bán cổ phiếu trong ngày. Nhưng thông tư cũng lại có quy định giới hạn điều kiện đối với CTCK được cung cấp dịch vụ này. Cụ thể, CTCK phải có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đạt từ 800 tỷ đồng trở lên tại BCTC của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và BCTC bán niên gần nhất đã soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
Theo tôi, vốn điều lệ không thể hiện hết định hướng cũng như cách thức hoạt động của CTCK. Bản thân các CTCK nhỏ muốn tồn tại họ cũng phải tìm cho mình một lối đi riêng bằng một/một nhóm dịch vụ chuyên biệt. Và không phải CTCK có vốn ít thì sẽ hoạt động không lành mạnh.
Cơ quan quản lý cần rộng cửa hơn nữa để nhiều CTCK có thể tham gia cung cấp dịch vụ mới, tạo cơ hội cho công ty nhỏ đứng vững, phát triển và cũng là tạo môi trường cạnh tranh hơn giữa các CTCK.
Theo ông, nên xem xét đánh giá năng lực tài chính của các CTCK ở những yếu tố nào nữa?
Để đánh giá năng lực hoạt động của một CTCK, cần xem xét toàn diện các yếu tố sau: vốn điều lệ, an toàn vốn khả dụng, quy trình quản lý và kiểm soát rủi ro, số lượng khách hàng và quy mô thị phần, hệ thống CNTT và mạng lưới dịch vụ, chất lượng dịch vụ, mức độ tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu hàng năm.