Cần có chính sách ưu đãi thuế nhất quán, bình đẳng đối với ngành công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Những năm gần đây, Chính phủ đã xây dựng nhiều chính sách nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ mang ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

Ông Phan Hoài Nam, Giám đốc Bộ phận thuế, KPMG Việt Nam.
Ông Phan Hoài Nam, Giám đốc Bộ phận thuế, KPMG Việt Nam.

Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 26/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

Đây là những mục tiêu tham vọng, song hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho ngành công nghiệp được đặt tên là “phụ trợ” nhưng mang ý nghĩa xương sống này.

Công nghiệp hỗ trợ đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm và định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Với sự ra đời của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, hệ thống pháp luật, chính sách về công nghiệp hỗ trợ ngày càng được hoàn thiện. Trong đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là chính sách được quan tâm nhiều nhất và cũng có tác dụng lớn nhất thúc đẩy đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể được hưởng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% trong 15 năm kể từ năm có doanh thu, đồng thời được miễn thuế TNDN trong 4 năm kể từ năm có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi thuế TNDN nêu trên chỉ được áp dụng cho các dự án đầu tư thực hiện kể từ ngày 1/1/2015.

Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều dự án đã đi vào hoạt động trước ngày 1/1/2015, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu đãi, nhưng chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN.

Luật số 71/2014/QH13 quy định nguyên tắc chung như sau: “Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp có thay đổi, mà doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung, thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp phép hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại”.

Tuy nhiên, các nghị định và thông tư hiện hành lại chưa quy định chi tiết việc áp dụng ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước ngày 1/1/2015, dẫn tới, các dự án trước năm 2015 không được tiếp cận chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bà Lê Thị Kiều Nga, Phó tổng giám đốc Bộ phận thuế, KPMG Việt Nam.
Bà Lê Thị Kiều Nga, Phó tổng giám đốc Bộ phận thuế, KPMG Việt Nam.

Như vậy, các doanh nghiệp tiên phong đã “lỡ” thực hiện đầu tư trước năm 2015 sẽ chịu thiệt thòi rất lớn. Việc áp dụng ưu đãi thiếu nhất quán như vậy cũng chưa đảm bảo nguyên tắc “đối xử bình đẳng” giữa các nhà đầu tư mà Luật Đầu tư đã quy định rõ.

Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần ban hành quy định sửa đổi dựa trên cơ sở pháp lý là nguyên tắc chung tại Luật số 71/2014/QH13.

Cụ thể, quy định sửa đổi cần cho phép dự án đầu tư thực hiện trước ngày 1/1/2015 cũng được hưởng chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN cho thời gian còn lại kể từ năm được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp nên rà soát lại hoạt động kinh doanh của mình để xem xét khả năng đáp ứng các điều kiện ưu đãi đối với lĩnh vực này, qua đó thực hiện các thủ tục cần thiết để hưởng ưu đãi tốt nhất theo các quy định hiện hành về thuế TNDN.

Việc ban hành và áp dụng nhất quán chính sách ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo tiền đề để các doanh nghiệp trong ngành này phát triển hơn nữa, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu khi xu hướng dịch chuyển đầu tư của các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đổ về Việt Nam, đồng thời góp phần xây “tổ” để đón cả “đại bàng” lẫn “chim sẻ” đến Việt Nam.

(*) Các quan điểm và ý kiến được nêu trong bài viết này là của những người được phỏng vấn/khảo sát/các tác giả và không nhất thiết thể hiện các quan điểm, ý kiến của KPMG Việt Nam.

Tin bài liên quan