Cận cảnh sở hữu chéo

Cận cảnh sở hữu chéo

(ĐTCK) BIDV, CTG, MBB, SHB là 4/12 ngân hàng đang sở hữu hoặc có vốn góp lớn vào các DN thuộc cả 4 lĩnh vực, chứng khoán, quản lý quỹ, BĐS, bảo hiểm.

>> “Sở hữu chéo ngân hàng đã tới mức báo động”

Trong phần tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua, TS. Đinh Tuấn Minh nhắc đến câu chuyện sở hữu chéo như một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và nguy cơ thao túng các hoạt động kinh doanh tài chính tại Việt Nam.

TS. Đinh Tuấn Minh chia sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thành hai loại: sở hữu giữa doanh nghiệp và ngân hàng và các ngân hàng nắm cổ phần của nhau. Cả hai loại sở hữu này có một số lợi ích, đặc biệt trong việc hợp tác kinh doanh hoặc thực hiện mục tiêu đưa ngân hàng trở thành một tập đoàn kinh tế lớn. Tuy nhiên, theo tác giả, sở hữu chéo dường như chỉ đem lại hiệu quả cao tại các quốc gia có truyền thống văn hóa tôn trọng kỷ luật (như Đức) và danh dự cá nhân (như Nhật).

Cận cảnh sở hữu chéo ảnh 1

Ảnh minh họa: Internet

Tính riêng sở hữu giữa ngân hàng với DN, nghiên cứu của tác giả tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước và 8 ngân hàng TMCP lớn nhất tính đến 30/8/2013 cho thấy, có đến 11/12 ngân hàng có công ty chứng khoán (CTCK) là công ty con hoặc công ty liên kết; 8/12 ngân hàng có công ty quản lý quỹ, đầu tư tài chính; 9/12 ngân hàng có công ty con hoặc công ty liên kết đầu tư bất động sản và 5/12 ngân hàng có vốn góp tại các công ty bảo hiểm. BIDV, CTG, MBB, SHB là 4 trong 12 ngân hàng đang sở hữu hoặc có vốn góp lớn vào các DN thuộc cả 4 lĩnh vực, chứng khoán, quản lý quỹ, đầu tư bất động sản, bảo hiểm. ACB, Sacombank “chậm chân” hơn một chút khi chưa có công ty bảo hiểm riêng. Eximbank và Maritimebank có nét tương đồng khi mới phát triển công ty chứng khoán và công ty bất động sản… Duy nhất Ngân hàng TMCP Sài Gòn, tuy có quy mô vốn lớn do được hình thành từ quá trình tái cấu trúc 3 ngân hàng trước đó, nhưng do vẫn đang phải tái cấu trúc, nên mới chỉ mở rộng sở hữu với công ty bất động sản.

Trong giai đoạn kinh tế hưng thịnh, các công ty con như chứng khoán, bất động sản… là hạt nhân quan trọng giúp ngân hàng mẹ có thêm kênh lưu chuyển vốn, gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của các ngành kinh tế này đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ cho các ngân hàng.

Một số CTCK trực thuộc ngân hàng đang phải mang trên mình khoản lỗ lũy kế rất lớn, điển hình là CTCK Sacombank có lỗ lũy kế 1.764 tỷ đồng; CTCK MBS có lỗ lũy kế 534 tỷ đồng, tính tại thời điểm 30/6/2013. Những khoản lỗ lũy kế hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng tại khối CTCK, công ty bất động sản có một phần nguyên nhân từ dòng vốn dễ dãi đã chảy từ ngân hàng sang các DN này, xuất phát từ mối quan hệ về sở hữu và hiện nay đang góp phần tạo nên những khoản nợ xấu lớn tại nhiều ngân hàng.

Ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, tài chính đang nỗ lực tái cấu trúc sau một thời gian dài gia tăng sở hữu tại các DN và chạy theo những mục tiêu phát triển quá nóng. Thông tin minh bạch; cải thiện hệ thống pháp lý; tăng năng lực giám sát thị trường tín dụng và thị trường vốn, đồng thời xây dựng chỉ số tín nhiệm DN là giải pháp mà nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần kiên trì thực hiện, mới có thể giảm tác hại của sở hữu chéo và phát huy những mặt tích cực của hình thái này, để tạo nên những tập đoàn, tổng công ty khỏe mạnh trong tương lai.