Cần biện pháp “đặc biệt” để quản lý thị  trường vàng

Cần biện pháp “đặc biệt” để quản lý thị trường vàng

(ĐTCK-online) Không nên xem vàng là một phương tiện thanh toán mà chỉ nên coi vàng là một loại hàng hóa. Song do đây là loại hàng hóa "đặc biệt" nên vẫn cần có những biện pháp "đặc biệt" để quản lý thị trường vàng. Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Quốc hội khi trao đổi với ĐTCK.

Vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, nên cần giám sát chặt chẽ

Vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, nên cần giám sát chặt chẽ

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý thị trường vàng một phần là do chưa xác định rõ vàng có phải là phương tiện thanh toán hay không?

Trong xã hội phong kiến, đặc biệt là ở châu Á, do kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo hình thức "tự cấp tự túc", giao thương chưa phát triển nên vàng được xem là thước đo giá trị, là phương tiện thanh toán. Khi kinh tế phát triển, nhu cầu giao thương tăng nhanh, đòi hỏi phải có một phương tiện thanh toán mới, tiện lợi hơn. Và tiền giấy, tiền kim loại ra đời, song vẫn phải được đảm bảo giá trị bằng vàng (chế độ bản vị vàng). Đối với đồng USD, đến năm 1973, chế độ bản vị vàng chính thức được xoá bỏ. Từ đó đến nay, gần 40 năm trôi qua, các nước phát triển chỉ xem vàng là một nguồn lực dự trữ cho quốc gia chứ không phải là một phương tiện thanh toán. Thế nhưng tại Việt Nam, nhiều lúc, nhiều nơi, vàng vẫn được dùng để thanh toán cùng với VND và USD. Đây là vấn đề hết sức bất cập của thị trường tiền tệ. Việc xem vàng là phương tiện thanh toán đã khiến cho nền kinh tế bị "vàng hóa", thị trường tiền tệ bị méo mó, làm giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ. Việc xem vàng là phương tiện thanh toán, là thước đo giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản đã kích đẩy thị trường bất động sản nóng lên một cách bất thường, vượt qua giá trị sử dụng và giá trị bình thường trong quy luật của thị trường. Lạm phát của Việt Nam luôn cao hơn các nước khác một phần cũng do nền kinh tế bị "vàng hóa", "đô la hóa"...

 

Nếu chỉ xem vàng là một loại hàng hóa thì có cần phải giám sát nó một cách chặt chẽ như vậy?

Sở dĩ cần giám sát chặt chẽ như vậy là do vàng là một loại hàng hóa đặc biệt. Người dân có thói quen nắm giữ vàng từ bao đời nay, đặc biệt, khi kinh tế vĩ mô bất ổn, lại càng kích thích người dân nắm giữ vàng. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, thị trường vàng hút rất nhiều nguồn lực của xã hội, nhưng vấn đề ở chỗ là vàng không phục vụ cho việc phát triển sản xuất, cho việc nâng cao đời sống của người dân. Trong khi đó, Nhà nước khuyến khích nguồn vốn nhàn rỗi gửi tiết kiệm để tham gia vào đầu tư sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, tạo của cải, ổn định xã hội, chứ không khuyến khích người dân tích trữ tiền, ngoại tệ, vàng ở trong nhà, biến mỗi gia đình trở thành một quỹ tiết kiệm riêng. Việc nền kinh tế bị "vàng hóa" còn dẫn đến nhiều hệ lụy như đã phân tích ở trên. Chưa hết, thời gian qua, lợi dụng tâm lý của người dân, giới đầu cơ còn tung hứng làm giá, đẩy giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới để kiếm lời. Vì vậy, quản lý chặt thị trường này cũng là để bảo vệ quyền lợi của người dân.

 

Nhiều DN kinh doanh vàng phản ánh, Dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng có thể dẫn tới độc quyền kinh doanh vàng cho một DN?

Như trên tôi đã nói, đặt vấn đề như vậy mới chỉ phản ánh quyền lợi "giả định" của DN thôi. Thời gian vừa qua, mặc dù có nhiều DN tham gia kinh doanh vàng miếng nhưng giá vàng trong nước vẫn bị thao túng, có lúc chênh lệch với thị trường quốc tế tới 5 - 6 triệu đồng/lượng. Như vậy, nhiều DN tham gia cũng không đảm bảo được quyền lợi của người mua vàng. Cần nói lại cho rõ là Nhà nước không cấm việc người dân sở hữu vàng miếng và mua bán vàng miếng. Từ trước tới nay, chúng ta đều thống nhất quan điểm kinh doanh vàng bạc là ngành kinh doanh có điều kiện. Giờ đây chúng ta vẫn giữ quan điểm này và tiến tới làm rõ hơn điều kiện kinh doanh vàng miếng phải khác với kinh doanh vàng trang sức. DN kinh doanh vàng không thể lấy khó khăn của mình làm áp lực lên những người làm công tác điều hành kinh tế vĩ mô. DN đầu tư vào thị trường vàng để kiếm lợi nhuận nhưng lợi nhuận lớn thì rủi ro cao, điều này DN phải chấp nhận. Người dân vẫn được quyền nắm giữ, mua bán vàng miếng, song phải là những thương hiệu vàng miếng tại những DN được cấp phép.

 

Theo ông, TTCK chịu ảnh hưởng thế nào khi thị trường vàng bị quản chặt?

Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đều khẳng định là sẽ hình thành 5 thị trường, trong đó, có thị trường tài chính là thị trường rất quan trọng để huy động vốn cho phát triển sản xuất, trong đó, thị trường tiền tệ và TTCK là các kênh chủ yếu để huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, phần lớn nguồn lực của người dân đã bị hút vào 2 thị trường: vàng và bất động sản, làm cho TTCK mất nguồn lực. Đó là lý do, dù chúng ta có áp dụng nhiều biện pháp vực dậy TTCK song vẫn khó làm cho giao dịch của TTCK sôi động trở lại bởi nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội đã bị phân tán phần lớn vào vàng và bất động sản.

Khi TTCK mất sức hấp dẫn thì công tác cổ phần hóa các DN nhà nước cũng gặp khó khăn. Trên thực tế, 3 năm trở lại đây, quá trình cổ phần hóa các DNNN chậm lại. Hệ quả là công tác đổi mới DN không theo kịp với yêu cầu. Thị trường tiền tệ cũng gặp nhiều khó khăn tương tự. Và khi DN không huy động được vốn vào đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh thì hoạt động sản xuất - kinh doanh tất yếu bị đình trệ, kéo nền kinh tế đi xuống. Bởi vậy, việc quản lý chặt thị trường vàng cả trước mắt lẫn về lâu dài sẽ tác động tích cực đến TTCK.

 

Vậy ông muốn nhắn nhủ gì với người dân?

Thứ nhất, hãy tin tưởng vào chính sách điều hành vĩ mô của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu cuối cùng và xuyên suốt trong chính sách điều hành này là đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, không có một lợi ích nhóm. Thứ hai, người dân hãy trở thành người biết bảo vệ tài sản của mình thông qua việc trước khi tham gia hoạt động gì hãy tìm hiểu thông tin đa chiều về hành động đó, tránh tình trạng bị lợi dụng, cuốn theo đám đông và bị thiệt hại. Ngược lại về phần mình Nhà nước cần lắng nghe phản hồi chính sách từ người dân và tăng cường công tác giải thích để người dân hiểu.