“Cam kết thép” từ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam còn yếu

“Cam kết thép” từ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam còn yếu

(ĐTCK) Các khảo sát mới mới nhất cho thấy, tình hình quản trị công ty tại các doanh nghiệp Việt Nam đã khá hơn, nhưng vẫn ở hàng "đội sổ" so với các nước trong khu vực.

529 DN thuộc 6 nước khu vực ASEAN gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam đã được chấm điểm trong chương trình Thẻ điểm quản trị công ty năm 2013-2014. 

Chương trình do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chủ trì phối hợp với UBCK Malaysia thực hiện. Kết quả mới công bố cho thấy, Việt Nam đứng ở vị trí thấp trong 6 nước nói trên.

Đây là năm thứ hai, ADB cùng các đối tác thực hiện chương trình thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN với mục nâng cao các tiêu chuẩn và thực hành quản trị công ty tại các DN niêm yết trong khu vực và để ghi nhận nỗ lực xuất sắc của các DN ASEAN có thực hành quản trị công ty tốt. 

Trong đánh giá lần thứ hai này, có tổng cộng 529 DN được đánh giá với đa số có vốn hóa thị trường lớn hơn 1 tỷ USD. Trong khu vực, các DN từ Thái Lan đạt điểm cao nhất, kế đến là các DN từ Malaysia và Singapore. Các kết quả đạt được trong năm 2013 là khá tích cực vì các nước tham gia đã cải thiện về điểm số trung bình của họ so với năm 2012, trong đó DN Singapore cải thiện nhiều nhất, tiếp theo là các DN Indonesia.

Các DN niêm yết Việt Nam cũng đã có các nỗ lực tích cực trong năm 2013 và đã có cải thiện điểm số trong tất cả các khía cạnh đánh giá. Báo cáo cho biết, cải thiện đáng kể này phần nhiều là nhờ nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện khung luật pháp về quản trị công ty, bao gồm việc ban hành Thông tư 121/2012/TT-BTC về qui định quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng và Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thẻ điểm quản trị công ty là một dự án có tầm quan trọng và hữu dụng như một công cụ chẩn đoán trong việc nhận diện khoảng cách, các điểm yếu cần khắc phục từ đó nâng cao các tiêu chuẩn quản trị công ty trong các DN niêm yết của khu vực. Mặc dù khác nhau về giai đoạn phát triển, việc sử dụng Thẻ điểm phần nào cho phép nước tham gia có thể đối chiếu tiêu chuẩn quốc gia với các nguyên tắc quản trị công ty toàn cầu, làm cơ sở tiến đến đạt được các thông lệ quản trị công ty quốc tế tốt nhất.

Theo bà Shigeko Hattori, Giám đốc Phòng Quản lý công, lĩnh vực tài chính và thương mại của Vụ Đông Nam Á, ADB thì báo cáo quốc gia sẽ giúp nhà quản lý và các bên liên quan xác định được xu hướng quản trị công ty giữa các nước ASEAN, và là cơ hội cho phép tuyên dương các DN có thực hành QTCT tốt nhất ASEAN với cộng đồng quốc tế.

Bộ Nguyên tắc quản trị công ty của tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã được sử dụng như là cơ sở chủ yếu cho việc xây dựng thẻ điểm. Các nguyên tắc này bao gồm Quyền của cổ đông, Đối xử công bằng giữa các cổ đông, Vai trò của các bên liên quan, Công bố thông tin và tính minh bạch, và Trách nhiệm của Hội đồng quản trị.

Hội đồng đánh giá bao gồm các đại diện từ mỗi nước tham gia, được bổ nhiệm để thực hiện việc đánh giá quản trị công ty dựa trên thông tin công bố công khai mà nhà đầu tư có thể tiếp cận được như báo cáo thường niên, các trang thông tin điện tử của công ty, tài liệu đại hội cổ đông, nghị quyết, biên bản. Để đảm bảo tính độc lập và kết quả đánh giá công bằng, kết quả đánh giá của các thành viên trong hội đồng đã trải qua quá trình đánh giá chéo bởi các thành viên đánh giá từ một nước khác trước khi nó được hoàn chỉnh.

Mỗi quốc gia đã chọn ra 100 doanh nghiệp lớn nhất để đánh giá. Do tài liệu cổ đông bị hạn chế ở các công ty trong khu vực mà từ 6 quốc gia tham gia đánh giá (Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia), tổng số doanh nghiệp được chọn đánh giá trong Thẻ điểm năm 2013 là 529 công ty. Trong số này, có 40 doanh nghiệp từ Việt Nam tham gia vào mẫu đánh giá. Quy mô công ty trong mẫu đánh giá dao động khá lớn, nhỏ nhất là các công ty có quy mô giá trị vốn hóa từ dưới 500 triệu USD, đến lớn nhất có công ty đạt gần 55 tỷ USD. Điểm trung bình quản trị công ty của các công ty ASEAN là 64,02, tăng 19% so với mức điểm năm 2012 (53,66).

Biểu đồ sau thể hiện mức điểm trung bình các doanh nghiệp của các nước tham gia Thẻ điểm năm 2013

“Cam kết thép” từ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ảnh 1

Tại Việt Nam, kết quả chấm cho thấy, một số DN có thực hành quản trị công ty tốt, nhưng lại không công bố những hoạt động này trong báo cáo. Việc hiểu và thực hành các chuẩn mực quản trị tốt là một nỗ lực cần thiết và quan trọng, trong khi khái niệm quản trị công ty vẫn còn mới mẻ đối với DN Việt Nam và cần có nhiều sự hỗ trợ để giúp tập huấn và khích lệ văn hóa quản trị DN tốt. Điểm quản trị công ty thấp tại Việt Nam là do DN chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc thực thi quản trị công ty tốt.

Cần phải nhấn mạnh rằng cải tiến quản trị công ty phải đến từ tinh thần và cam kết thép từlãnh đạo, HĐQT của công ty. Mỗi DN có một văn hóa và cách thức riêng, do vậy cần có một lịch trình cải tiến cụ thể. Cải tiến quản trị cần được hỗ trợ bởi cơ quan quản lý và tất cả các bên có liên quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư tổ chức, các tổ chức trung gian tài chính, các công ty tư vấn quản trị, và các kênh thông tin, báo đài.

Kỳ 2: Cần đào tạo và khích lệ văn hóa quản trị công ty

Tin bài liên quan