Cải thiện môi trường kinh doanh: Nhiều mục tiêu tham vọng

Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm (2015 - 2016) mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành cuối tuần trước chứa đựng nhiều mục tiêu đầy tham vọng.
Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hiệu quả trong hai năm 2015 - 2016

Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hiệu quả trong hai năm 2015 - 2016

Chỉ riêng việc chọn đích mới là ASEAN 4 thay vì ASEAN 6 cho môi trường kinh doanh Việt Nam, nghĩa là nâng thứ hạng của Việt Nam từ hàng thứ 6 trong 10 nước ASEAN lên ít nhất là hàng thứ 4 (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan) trong vòng 2 năm đã cho thấy điều này.

Nhưng phải khẳng định, việc đặt ra kỳ vọng như vậy là không thể không làm trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang vào giai đoạn then chốt của quá trình tái cơ cấu và hội nhập quốc tế sâu rộng. Sự bứt tốp hay hụt chân của môi trường kinh doanh trong lúc này sẽ quyết định vị trí của Việt Nam trong bản đồ đầu tư - kinh doanh thế giới giai đoạn tới.

Hơn thế, việc thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này sẽ tạo nên những thay đổi về bản chất trong tư duy ứng xử của nhà nước với các hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp - nhân tố quan trọng quyết định chất lượng của cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh.

Nhìn vào những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết nêu ra, thì ngoài các chỉ tiêu cụ thể là cải cách thủ tục hành chính trong các ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, khởi sự doanh nghiệp..., phần công việc mà các bộ, cơ quan, địa phương phải làm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Có nghĩa là những thay đổi về thủ tục hành chính, các quyết định cắt bỏ hay bổ sung, phối hợp thủ tục giữa các cơ quan nhà nước phải dựa trên tư duy về cơ cấu mới của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng, cũng như dựa trên nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Như vậy, sẽ không có bộ, ngành, địa phương nào có thể làm tốt nhiệm vụ của mình nếu không có sự phối hợp thực sự với các cơ quan liên quan khác. Cũng sẽ không có bộ, ngành nào đứng ngoài guồng quay chung khi Chính phủ đã nêu danh từng cơ quan với các phần công việc phải làm trong từng năm. Có lẽ hiếm có nghị quyết nào của Chính phủ mà phần giao nhiệm vụ và giải pháp chi tiết đến từng văn bản phải sửa đổi như Nghị quyết 19/2015/NQ-CP.

Cách làm đó một phần đảm bảo tính khả thi của mục tiêu “chơi với nhóm tốt nhất” của môi trường kinh doanh Việt Nam, cũng là cách thúc ép sự thay đổi mạnh trong trách nhiệm thực thi công vụ của từng cán bộ, công chức.

Các vị trí đứng đầu bộ, ngành, địa phương tiếp tục gánh thêm trách nhiệm khi một lần nữa, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP nối tiếp cách làm của Nghị quyết 19/2014/NQ-CP được bàn hành đúng một một năm trước, xác định kết quả thực hiện là căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ, cơ quan, địa phương trong hai năm này.

Không có thời gian nghỉ ngơi cho bất kỳ bộ, ngành nào, dù đó là cơ quan được đánh giá cao trong thực thi Nghị quyết 19/2014/NQ-CP hay là đơn vị có tên trong danh sách chưa hoàn thành nhiệm vụ. Có thể thấy, bước chạy đà của môi trường kinh doanh Việt Nam sau một năm hướng đích ASEAN 6 đã có thêm cả động lực và áp lực mới.

Tin bài liên quan