Với khoảng 500.000 DN đang hoạt động, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có vẻ “trong tầm tay” với các cơ quan quản lý trong bối cảnh chúng ta đang thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phục vụ doanh nghiệp/người dân khi thành lập doanh nghiệp cũng như tiến hành các thủ tục đăng ký/thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (ĐKKD).
Tuy nhiên, có những vướng mắc đến từ khung pháp lý và cả quyết tâm cải thiện chỉ số gia nhập thị trường - một tiêu chí quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của mỗi địa phương. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành là tương đối thông thoáng, nhưng quan trọng là đội ngũ cán bộ, công chức thực thi.
Cần tạo điều kiện tốt nhất cho DN, công dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính
Đăng ký kinh doanh: vẫn có dấu hiệu “hành” doanh nghiệp
Tháng 3/2014, trong Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2013), các chỉ tiêu mới về tiêu chí gia nhập thị trường khiến cho lãnh đạo nhiều địa phương (UBND tỉnh, Sở KH&ĐT) cảm thấy như “ngồi trên đống lửa”.
Căn nguyên bởi một lẽ đơn giản, các tiêu chí mới để đánh giá chỉ số gia nhập thị trường hoàn toàn nằm trong tầm tay cải cách và đổi mới của địa phương trong việc cải cách, đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhưng khi triển khai thì vẫn vướng mắc, thậm chí là “hành” DN/người dân khi đến làm thủ tục tại cơ quan hướng dẫn thủ tục.
Tính riêng 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội và TP. HCM) thì xếp hạng của hai thành phố trọng điểm là Hà Nội và TP. HCM là thấp nhất, trong khi có sự đầu tư mạnh nhất cho việc ứng dụng CNTT. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là 2 địa phương có số lượng DN thành lập, đăng ký kinh doanh, thay đổi nội dung ĐKKD, cấp giấy chứng nhận đầu tư… nhiều nhất cả nước, nên nhiều khi quá tải, dẫn đến không thỏa mãn, đáp ứng mong muốn của cộng đồng DN/người dân đến làm thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người dân/doanh nghiệp cho rằng, vấn đề không nằm ở thủ tục hành chính hay việc ứng dụng CNTT, mà chính là nhân tố con người.
Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI năm 2013 của Hà Nội đạt 57,67 điểm, tăng 4,27 điểm so với năm 2012 và xếp ở vị trí thứ 33/63 (tăng 18 bậc so với năm 2012). Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội được đánh giá đạt kết quả khá cao (đứng thứ 7/63 tỉnh/thành phố) thuộc nhóm 10 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.
Tuy vậy, Hà Nội vẫn có 5 chỉ số thành phần xếp hạng thấp gồm: tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, chi phí thời gain thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của các cấp chính quyền, thiết chế pháp lý.
Đây là lý do khiến UBND TP. Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết liệt cải thiện 5 chỉ số thành phần xếp hạng thấp năm 2013 trong bảng xếp hạng PCI để có chuyển biến tích cực trong năm 2014.
Theo đó, các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất - kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho DN. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, môi trường sản xuất - kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng phong cách làm việc bộ máy chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp và tạo điều kiện tối đa. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đăng tải công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang tin điện tử của Thành phố và các đơn vị về các quy định của luật pháp, cơ chế chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, thủ tục hành chính…
Tại TP. HCM, sau 4 tháng triển khai phục vụ đăng ký doanh nghiệptại nhà cho DN có nhu cầu đăng ký thành lập mới DN tại Thành phố, kể từ ngày 5/5/2014, Sở KH&ĐT thực hiện cải tiến quy trình xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại nhà theo hướng cải cách triệt để như: hướng dẫn qua mạng Internet, không nhiều hơn 2 lần, để doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp rong vòng 24 giờ; thời gian giải quyết hồ sơ trong vòng 4 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ; doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ “Nhận và trả kết quả hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại nhà” hoặc “Trả kết quả hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại nhà” do Bưu điện cung cấp.
Như vậy, chỉ 4 ngày và 40.000 đồng, người có nhu cầu thành lập doanh nghiệp có thể thành lập được doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố mà không mất thời gian đi lại, chờ đợi. Điều này có thể tạo ra đột phá cải thiện PCI của TP. HCM năm 2014.
Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia: Chưa liên thông và công nhận lẫn nhau
Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (http://dangkykinhdoanh.gov.vn) là trang thông tin điện tử để các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng, truy cập thông tin về đăng ký doanh nghiệp và phục vụ cho công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan ĐKKD.
Trong 7 nhóm chức năng của cổng thông tin này, 2 nhóm chức năng: (i) Hỗ trợ doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp tra cứu tên, đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, thực hiện các quy định về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; (ii) Cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp và báo cáo tài chính của công ty cổ phần trên phạm vi cả nước là vẫn chưa liên thông và công nhận lẫn nhau về giá trị pháp lý của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, nhiều người thành lập doanh nghiệp, mặc dù đã tra cứu nhằm chống trùng tên doanh nghiệp, nhưng khi đến Phòng ĐKKD để nộp hồ sơ thì được thông báo là tên bị trùng, nhầm lẫn. Lý do của tình trạng này là do hệ thống cơ sở dữ liệu của Sở KH&ĐT chưa liên thông, chưa cập nhật số liệu thẳng vào hệ thống cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Bên cạnh đó, việc lấy thông tin về một doanh nghiệp cụ thể trên Cổng thông tin tại địa chỉ https://dichvuthongtin.dkkd.gov.vn/inf/default.aspx không phải lúc nào cũng đáp ứng đúng yêu cầu của người cần thông tin hay việc sử dụng thông tin do Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cung cấp (có trả phí) vẫn chưa được các cơ quan nhà nước khác thừa nhận giá trị pháp lý.
Cụ thể, khi một khách hàng cần thông tin về một doanh nghiệp nào đó (ví dụ xin cung cấp bản sao giấy chứng nhận ĐKKD mới nhất) để khởi kiện tại Tòa án, sau khi điền các thông tin cần thiết theo quy định và trả phí (20.000 đồng), Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia trả về email của người yêu cầu một đường link (có giá trị trong 10 ngày) yêu cầu tải thông tin về doanh nghiệp đó về máy tính của khách hàng (định dạng file PDF).
Tuy nhiên, khi khách hàng nộp văn bản đó đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ Tòa án) thì cơ quan này không công nhận với lý do: văn bản không có đóng dấu (của Phòng ĐKKD thuộc Sở KH&ĐT nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính). Chưa kể, Tòa án còn lập luận, bản in của giấy chứng nhận ĐKKD này không có giá trị pháp lý vì khách hàng có thể tự tạo ra thông tin và lưu dưới định dạng PDF.
Có chuyên gia cho rằng, việc không công nhận giá trị pháp lý của các văn bản do Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cung cấp là do lỗi của các cơ quan khác (ví dụ Tòa án) trong việc cập nhật và ứng dụng CNTT. Bởi lẽ, giá trị pháp lý của thông tin do hệ thống này cung cấp đã được khẳng định là tương tự như do các Phòng ĐKKD cung cấp. Nhưng phía Tòa án cũng có lý lẽ của họ, việc một văn bản gửi đến Tòa án (ví dụ giấy chứng nhận ĐKKD) mà không có con dấu của cơ quan chức năng (Phòng ĐKKD) thì Tòa án không thể thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản này.
Giải pháp cải thiện chỉ số gia nhập thị trường
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các Sở KH&ĐT trong việc cải thiện môi trường đầu tư và tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, công dân khi đến thực hiện các thủ tục. Nhưng có lẽ, để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân khi đến làm thủ tục, thì chính các cơ quan này cần phải tiếp tục đổi mới, cải cách, minh bạch và cải thiện chỉ số gia nhập thị trường. Sự liên thông giữa các cơ quan (Tòa án - Sở KH&ĐT - Cục Quản lý ĐKKD) sẽ giúp cho các văn bản có giá trị pháp lý và được thừa nhận lẫn nhau, giảm thời gian đi lại, chi phí…
Liên quan đến tính minh bạch và tiếp cận thông tin, kinh nghiệm các nước cho thấy, tại nơi nào tiếp xúc nhiều với DN, công dân thì đều có sự đầu tư rất kỹ về hạ tầng CNTT.
Cần lắp camera giám sát (cả cán bộ công chức và DN, công dân) tại nơi làm thủ tục, thanh toán bằng thẻ ngân hàng (thay cho tiền mặt), công khai các thủ tục hành chính, cung cấp miễn phí các mẫu đơn và tờ khai (thậm chí cả bộ hồ sơ mẫu để tham khảo), niêm yết công khai quy trình và thủ tục tiến hành (tại nơi làm việc và trên trang web), lắp đặt hệ thống xếp hàng tự động.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá và luân chuyển cán bộ công chức, có chính sách tiền lương hợp lý để cán bộ công chức yên tâm công tác và cống hiến, đẩy mạnh ứng dụng CNTT (như cách TP. HCM làm hiện nay) về thành lập DN và thay đổi nội dung ĐKKD... Có như vậy, không chỉ các địa phương cải thiện được chỉ số năng lực cạnh tranh, mà trên bình diện quốc gia, Việt Nam cũng cải thiện được chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia trong thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.