Cái “lắc đầu” với UPCoM

Cái “lắc đầu” với UPCoM

(ĐTCK)  “Nếu hủy niêm yết tự nguyện mà phải chuyển qua sàn UPCoM thì thà niêm yết trên sở GDCK còn giữ được thanh khoản nhất định".

Dự thảo Thông tư tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết quy định, đối với những DN đang có cổ phiếu giao dịch tại HOSE và HNX, nếu hủy niêm yết thì vẫn phải chuyển qua đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Quy định lấy căn cứ từ Luật Chứng khoán này đang gây băn khoăn cho các DN tự nguyện hủy niêm yết.

Trong 5 tháng đầu năm 2013, số DN hủy niêm yết trên cả hai sàn lên đến 17 đơn vị. Trong số đó, ngoại trừ CTCP Sản xuất thương mại Phúc Tiến (PHT) hủy niêm yết (từ tháng 1/2013) để sáp nhập với CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên, thì hầu hết các DN còn lại đều bị hủy niêm yết do có kết quả kinh doanh 3 năm liên tiếp thua lỗ và thực trạng tài chính tại các DN này khá “bi bét”… Một số DN như CTCP Viglacera Thăng Long (TLT), CTCP Sông Đà 27 (S27); CTCP Viglacera Đông Triều (DTC) đã hoàn tất việc hủy niêm yết tự nguyện tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) để chuyển sang giao dịch tại UPCoM.

Lãnh đạo HNX cho biết, nếu phải hủy niêm yết hoàn toàn thì các cổ đông sẽ rất khó khăn trong việc chuyển nhượng cổ phần, chính vì vậy mà các DN cần tính đến phương án chuyển sang giao dịch trên UPCoM.

Vấn đề ở đây là không chỉ các DN do kinh doanh thua lỗ buộc phải hủy niêm yết mà nhiều DN hoạt động kinh doanh hiệu quả, nhưng vì một số lý do nhất định cũng xin hủy niêm yết tự nguyện. CTCP Gò Đàng (AGD) hay CTCP VINAFCO (VFC) là những trường hợp điển hình.

Lãnh đạo VFC cho biết, TTCK hiện nay không còn hấp dẫn như trước, nhiều cổ phiếu bị “đánh đồng” giảm giá theo xu hướng chung, dù tình hình kinh doanh của DN vẫn ổn. Do đó, DN “hạ quyết tâm” rời sàn vì cho rằng, niêm yết lúc này không mang lại lợi ích gì cho cổ đông: giá cổ phiếu giảm, thanh khoản yếu, DN không huy động được vốn. Mặc dù vậy, khi được hỏi, nếu hủy niêm yết tự nguyện mà buộc phải chuyển qua sàn UPCoM thì hầu hết các DN đều “lắc đầu”. Cái lắc đầu này cũng khá dễ hiểu khi sàn UPCoM kém hấp dẫn hơn nhiều so với việc giao dịch cổ phiếu trên hai sàn HOSE và HNX.

 “Nếu hủy niêm yết tự nguyện mà phải chuyển qua sàn UPCoM thì thà niêm yết trên sở GDCK còn giữ được thanh khoản nhất định. Sàn UPCoM chỉ phù hợp với những DN đang niêm yết trên hai Sở, nhưng vì kinh doanh thua lỗ buộc phải hủy niêm yết bắt buộc. Còn đối với những DN hủy niêm yết tự nguyện và đã có cam kết đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ thì không nên buộc DN chuyển qua UPCoM”, lãnh đạo một DN niêm yết nói và cho biết thêm, điều quan trọng của việc giữ hay hủy niêm yết là phải đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

Bản thân đại diện AGD hay VCF cũng cho biết, các công ty này có cơ sở và lý do để hủy niêm yết, nhưng chưa có ý tưởng chuyển qua UPCoM. Nhìn vào diễn biến thực tế trên sàn UPCoM, giá trị giao dịch ở mức rất thấp khi mỗi phiên chỉ đạt trung bình từ 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.

Thực tế, quy định về việc các DN sau khi hủy niêm yết phải chuyển qua sàn UPCoM là dựa trên cơ sở Luật Chứng khoán. Đó là sau khi các DN thực hiện cổ phần hóa đều phải cam kết đưa chứng khoán chào bán niêm yết, đăng ký giao dịch tại TTCK có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHCĐ hoặc chủ sở hữu thông qua. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty đại chúng nếu không niêm yết trên hai Sở thì phải đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, rất nhiều công ty đại chúng vẫn để cổ phiếu trôi nổi trên thị trường tự do mà chưa bị chế tài, nên các DN vẫn coi quy định này… như mới! Chính vì vậy, nếu Thông tư được chính thức ban hành thì những DN có ý định hủy niêm yết tự nguyện chắc chắn sẽ phải suy nghĩ lại quyết định của mình.