(Nguồn: Internet)

(Nguồn: Internet)

Cái khó, ló cái khôn!

(ĐTCK) Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều DN đã có những chiến lược “vượt bão” táo bạo...

Quay lại thị trường nội địa

Trong 6 tháng đầu năm 2011, số lượng đơn hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần Sản xuất thương mại may Sài Gòn (Garmex Saigon) giảm mạnh. Có khách hàng truyền thống thông báo, Công ty có thể giao hàng chậm 3 tháng. Những khách hàng lớn tại châu Âu vốn có nhu cầu áo khoác rất lớn cũng ngập ngừng trước đơn hàng mới…

Ngoài nỗ lực tìm kiếm khách hàng xuất khẩu mới, năm qua, Garmex Saigon quyết định trở lại thị trường nội địa, chọn nhãn hàng may mặc hạng trung để sản xuất. Hiện tại, Garmex là một trong số ít doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đã ký kết gia công cho nhà bán lẻ Blue Exchange.

Thông tin từ Garmex Saigon cho thấy, hai công ty nội địa này đã ký kết hợp đồng trị giá 130 tỷ đồng từ tháng 6, với thời hạn giao hàng trong 4 tháng để phục vụ thị trường Tết. “Nếu không có hợp đồng này, công nhân của Garmex Saigon có thể không có việc làm từ tháng 8 đến nay”, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Saigon khẳng định và cho biết, với 700 tỷ đồng xuất khẩu và 130 tỷ đồng làm hàng nội địa, Garmex Saigon đã hoàn thành chỉ tiêu trong năm qua. Với đà này, doanh thu năm 2012 của Công ty có thể đạt 1.000 tỷ đồng.

Việc hợp tác với Blue Exchange chỉ là bước đệm để Garmex Saigon tiến xa hơn tại các thị trường lân cận. Blue Exchange đã có văn phòng tại Hồng Kông và Garmex Saigon được sử dụng văn phòng này làm nơi giao dịch, tìm kiếm khách hàng và phát triển hệ thống bán lẻ tại ASEAN.

 

Hy sinh 20% doanh thu để chuyên nghiệp hơn

Cũng chọn cách phát triển thị trường nội địa, Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến đã giải bài toán về vốn khá ngoạn mục. Cụ thể, Nhựa Đại Đồng Tiến đã thay đổi chính sách với các đại lý nhằm chuyên nghiệp hoá toàn bộ hệ thống phân phối nội địa. Theo đó, các đại lý mới, với nguồn vốn dăm ba tỷ đồng, khi đặt mua hàng của Đại Đồng Tiến, phải trả hết tiền thì mới lấy được hàng, không được cho nợ gối đầu như trước.

Với thỏa thuận trên, Đại Đồng Tiến chấp nhận chi mức chiếc khấu cao cho nhà phân phối. Đổi lại, Công ty không phải huy động một nguồn vốn lớn để cho đại lý nợ gối đầu như trước đây. “Chúng tôi không phải vay ngân hàng, hay để nhân viên đến từng khách hàng để đòi nợ, nên không gặp khó khăn hay bị động về nguồn vốn”, ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty cho biết.

Để làm được điều này, theo ông Cường, ngoài việc chấp nhận lãi ít, Công ty phải hy sinh khoảng 20 đại lý truyền thống, chiếm 20% tổng doanh thu để xây dựng lại toàn bộ hệ thống phân phối.

Chỉ trong khoảng 2-3 tháng cuối năm qua, Đại Đồng Tiến đã kết nạp trên 70 đại lý vào hệ thống phân phối mới. Vì vậy, tuy chấp nhận bỏ 20% doanh thu từ các đại lý truyền thống, song năm qua, doanh thu của Đại Đồng Tiến vẫn không giảm, đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2010 và được đánh giá là doanh nghiệp tăng trưởng ổn định trong “bão khủng hoảng”.

Để phục vụ hệ thống kinh doanh mới, Công ty đang xây dựng nhà máy rộng gần 7 ha tại Nhơn Trạch, Đồng Nai và dự tính đưa vào sử dụng vào quý II/2012. Trên cơ sở đó, ông Cường cho biết, năm 2012, doanh thu của Công ty dự tính đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2011.

 

Quyết sách táo bạo về nguyên liệu

Nếu Garmex Saigon và Nhựa Đại Đồng Tiến thành công với lời giải về thị trường và vốn, thì với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), lối thoát lại đến từ những quyết sách táo bạo về nguồn nguyên liệu. Năm 2011, có đến 70% doanh nghiệp thuỷ sản nhỏ phải đóng cửa do không đủ nguyên liệu sản xuất. Song theo ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Agifish, Công ty không gặp khó khăn này, do đã chuẩn bị trước một số chiến lược tốt.

Giá cá nguyên liệu từ mức 27.000 đồng/kg đã tăng thêm 5.000 đồng/kg chỉ trong một thời gian rất ngắn. “Các doanh nghiệp đã ký đơn hàng với giá khoảng 3 USD/kg, nhưng với mức giá cá nguyên liệu tăng như vậy, thì giá xuất khẩu phải ở mức 3,2 USD/kg mới có lợi nhuận”, ông Ký phân tích.

Được biết, hằng năm, Agifish chi một lượng tài chính không nhỏ để khảo sát thị trường nhằm quy hoạch việc sản xuất, tránh bị động về nguyên liệu. Theo đó, Công ty luôn tung nhân sự đến tận hộ nuôi cá, đặt mua trước nguyên liệu với những ưu đãi cụ thể.

Công ty Thủy sản Hùng Vương cũng đã ký cam kết hỗ trợ nguyên liệu cho Agifish từ đầu năm. “Chúng tôi sẽ được Hùng Vương bán 20.000 tấn cá nguyên liệu trong 7 tháng với mức giá rẻ hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg. Vì vậy, chúng tôi vẫn duy trì sản xuất từ nay đến khi tình hình cung cấp cá nguyên liệu ổn định trở lại”, ông Ký nói và cảnh báo, năm 2012 sẽ vẫn là một năm khó khăn về nguyên liệu, nếu doanh nghiệp không chuẩn bị tốt, thì trong 2 quý đầu năm, có thể sẽ thiếu nguyên liệu để sản xuất.