Cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

0:00 / 0:00
0:00

Ngày 11/11, TAND Tối cao tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo các Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT TAND Tối cao

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT TAND Tối cao

Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công cuộc cải cách tư pháp. Năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới, trong đó chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc của công tác tư pháp để chỉ đạo cải cách. Năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đề ra chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp. Trong Chiến lược cải cách tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, hệ thống Tòa án đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả cải cách tư pháp.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá. Tổ chức bộ máy TAND, Viện KSND, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

GS.TSKH Đào Trí Úc, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng Đại hội XIII của Đảng cần tiếp tục khẳng định quan điểm đã được lý luận và thực tiễn kiểm nghiệm coi tòa án là trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm; đồng thời, cần khẳng định TAND là thiết chế thực hành quyền tư pháp mà không phải thiết chế nào khác, dù có tham gia vào quỹ đạo, phạm vi của quyền tư pháp và được gọi vớii tên chung là “các cơ quan tư pháp”.

Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm tính đọc lập của tòa án, của thẩm phán cũng được sự quan tâm, xây dựng ý kiến của các đại biểu. GS.TS Võ Khánh Vinh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng cần đưa quan điểm tăng cường quyền tư pháp, quan điểm độc lập tư pháp, tăng cường vị thế của thẩm phán trong cải cách tư pháp vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Giáo sư Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng Nhà nước và xã hội phải có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của độc lập tư pháp. Các thể chế bảo đảm độc lập tư pháp không chỉ tác động đến ý thức xã hội mà còn là cơ sở pháp lý để thẩm phán thực thi tính độc lập trong xét xử.

Các ý kiến tại hội nghị cho rằng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị chu đáo, công phu, khoa học, toàn diện, sâu sắc, có tính kế thừa các mục tiêu cơ bản đối với định hướng xây dựng nền tư pháp trong thời gian tới, đồng thời định hướng cải cách tư pháp theo văn kiện của Đảng cũng được bổ sung, phát triển nhiều mục tiêu cơ bản như: Chuyên nghiệp, công bằng, liêm chính. Đây là bước chuyển mới về chất, thể hiện bản chất của nền tư pháp, qua đó kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc và tiếp cận giá trị tư pháp hiện đại trên thế giới.

Kết luận hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ghi nhận các ý kiến phát biểu tâm huyết, trọng tâm và sâu sắc của các đại biểu đã đóng góp những ý kiến với các Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Về phương hướng chung, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, cần tôn trọng Dự thảo cả về nội dung căn cốt và dung lượng. Những ý kiến gợi mở của các đại biểu tại hội thảo đều rất tâm huyết sẽ được tổng hợp để Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao cân nhắc, đề xuất góp ý với Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tin bài liên quan