Thưa ông, không phải vô cớ mà nhiều ý kiến lo ngại rằng, sự thất bại của TPP có thể sẽ khiến áp lực cải cách của nền kinh tế Việt giảm đi?
Đây là kỳ vọng được không ít người chờ đợi, nhất là trên các lĩnh vực cải cách doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công liên quan đến quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, minh bạch hóa, cải cách hành chính và thuận lợi hóa thương mại…
Nhưng quan điểm của tôi từ trước vẫn là, nếu không thực sự mong muốn cải cách, không có động lực cải cách từ bên trong, thì áp lực từ bên ngoài sẽ không bao giờ đủ.
Ông Nguyễn Đình Cung
Điều tôi quan tâm hơn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có TPP, bản chất chung là thúc đẩy tự do kinh doanh hơn, thuận lợi kinh doanh hơn, bảo vệ tốt hơn tài sản, quyền và lợi ích của các nhà đầu tư, cạnh tranh bình đẳng, đối xử bình đẳng…
Bởi vậy, nếu không có TPP, thì để hội nhập, thực hiện các cam kết với các FTA khác, nền kinh tế Việt Nam buộc phải tiến cùng thời đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, cạnh tranh công bằng hơn.
Có như vậy, nền kinh tế nước ta mới hội nhập thực sự, chứ không phải bị cuốn theo xu thế hội nhập. Có như vậy, các cơ hội từ các FTA mới được tận dụng, không bị chuyển thành thách thức...
Với góc nhìn này, trong một khía cạnh nào đó, không TPP có thể sẽ có tác động tích cực với cải cách kinh tế Việt Nam.
Có thể hiểu sự tích cực này như thế nào, thưa ông?
Với kinh nghiệm của tôi, các FTA đã không tạo ra đủ áp lực cải cách trong nước như kỳ vọng, thậm chí đôi lúc có những tác động ngược.
Vì khi chúng ta tham gia các thị trường, kết nối với các thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản…, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến Việt Nam để lắp ráp, gia công, tận dụng các lợi thế về xuất xứ, chi phí. Sự chuyển dịch này sẽ tạo ra những con số tăng trưởng trong GDP, trong kim ngạch xuất khẩu... bất kể kết quả của cuộc cải cách trong nước đang đi đến đâu.
Trong một khía cạnh nào đó, không TPP có thể sẽ có tác động tích cực với cải cách kinh tế Việt Nam.
Mặc dù nhiều cơ hội được chỉ ra khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng hình như chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tận dụng được cơ hội, nền kinh tế đang trong tình trạng bị chia cắt rõ nét giữa kinh tế trong nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; giữa khu vực thành thị và nông thôn…, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng khiến áp lực cải cách, để tìm ra những động lực tăng trưởng mới không phải lúc nào cũng mạnh mẽ.
Khi TPP có thể không trở thành hiện thực sẽ tác động đến các kế hoạch đầu tư, chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, cả các doanh nghiệp trong nước. Rất có thể các kế hoạch đón đầu TPP trước đó sẽ phải cân chỉnh lại, tác động không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhưng tác động tích cực của động thái này là nền kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội để nhìn lại thực chất năng lực của mình, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu và động lực thực sự của tăng trưởng kinh tế, để xác định rõ áp lực phải cải cách, thay đổi là từ bên trong, nội tại nền kinh tế.
Nhưng không thể nói hội nhập không thúc đẩy cải cách được, thưa ông?
Tốt nhất là hội nhập và cải cách cùng song hành, như hai cánh của một con chim, nếu cùng khỏe sẽ vỗ mạnh và đều, nền kinh tế sẽ cất cánh, bay cao và ngược lại. Nhưng, trong bối cảnh đà hội nhập đang tạm chậm lại, thì cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng cơ hội và quyền kinh doanh cho người dân, để doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tính chuyên nghiệp theo thông lệ tốt của quốc tế...
Nền kinh tế Việt Nam không thể hội nhập với những doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, lách luật, chụp giật, không xây dựng uy tín, thương hiệu, văn hóa kinh doanh... do phải đối mặt với chất lượng thể chế thấp, không rõ ràng, minh bạch, không tiên liệu được.