Cải cách hành chính: Nỗ lực không chỉ riêng ngành ngân hàng

Cải cách hành chính: Nỗ lực không chỉ riêng ngành ngân hàng

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đứng vị trí thứ nhất tại Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 và cũng là năm thứ 4 liên tiếp trụ vững ở ngôi vị này. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc để hệ thống ngân hàng có thể cải cách hành chính mạnh mẽ hơn…

Ngân hàng và chính sách vì người dân, doanh nghiệp

Tại Hội nghị “Đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 02/NG-CP năm 2019 của Chính phủ” do NHNN tổ chức, ông Phạm Đức Ấn, Chánh Văn phòng NHNN cho biết, đối với vấn đề cải tiến, cắt giảm thủ tục cho vay, quy trình dịch vụ, thúc đẩy tiếp cận tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có nhiều hình thức cải tiến, đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Cụ thể, chủ động rà soát quy trình nội bộ về cấp tín dụng, quy trình thủ tục, hồ sơ cấp tín dụng đối với khách hàng, cắt giảm số lượng hồ sơ, các loại giấy tờ trong hồ sơ, bỏ bớt các thông tin phải kê khai… Chẳng hạn, Agribank cải tiến mẫu giấy gửi tiền tích hợp nhiều phương thức (rút tiền mặt, chuyển khoản, gửi tiết kiệm…) giúp khách hàng không phải ký nhiều mẫu.

Các quy trình nội bộ tiếp tục được cải tiến, giảm bớt đầu mối xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý tự động một số bước công việc, tăng cường hình thức kiểm soát qua hệ thống điện tử kết quả xử lý hồ sơ của khách hàng, sử dụng một số loại giấy tờ điện tử thay cho bản giấy để rút ngắn thời gian luân chuyển xử lý hồ sơ trong nội bộ.

Ví dụ, Viet Capital Bank ban hành Quyết định số 265/2018/QĐ-TTQLTD ngày 12/11/2018 thay thế Quyết định 181/2017/QĐ-QLTD ngày 14/3/2017 hướng dẫn cụ thể quy trình quản lý tín dụng phục vụ riêng cho các chi nhánh và phòng giao dịch. Theo đó, các mẫu biểu được tinh giản để giảm thời gian tác nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo hạn chế rủi ro nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải tiến mô hình giao dịch một cửa theo hướng ứng dụng công nghệ, giảm bớt thông tin phải kê khai của khách hàng từ đó giảm chi phí hoạt động, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ đối với khách hàng (thực tế hầu hết các giao dịch khách hàng cá nhân đã giảm từ 20% đến 50% thời gian giao dịch); đồng thời tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, năng suất lao động, tinh giảm nhân sự.

Đơn cử, Vietcombank triển khai xây dựng hệ thống khởi tạo khoản vay đối với khách hàng doanh nghiệp (CLOS) hướng tới thực hiện thẩm định đề xuất, phê duyệt cấp tín dụng thực hiện online; áp dụng nguyên tắc "4 mắt" trong phê duyệt tín dụng giúp giảm thiểu hồ sơ, giấy tờ, quy trình cấp tín dụng được theo dõi liên tục và cập nhật thường xuyên, giảm thiểu thời gian xử lý (dự kiến cuối năm 2019 hệ thống CLOS sẽ được đưa vào sử dụng).

Đặc biệt, liên quan đến việc cắt giảm lãi suất, phí dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, các ngân hàng đã thường xuyên rà soát để điều chỉnh giảm biểu phí dịch vụ, phù hợp với cắt giảm chi phí hoạt động nhờ những sáng kiến cải tiến, đổi mới quy trình nội bộ và ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, trong quý 4/2018, SCB đã điều chỉnh phí dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử, biểu phí dịch vụ tài khoản tiền gửi, biểu phí dịch vụ thanh toán trong nước…

Nỗ lực của hệ thống ngân hàng được thị trường thừa nhận là lớn, song ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN thẳng thắn: “Những kết quả của ngành ngân hàng thời gian qua mới chỉ là bước đầu. Chúng ta còn rất nhiều cuộc đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như còn nhiều công việc phải triển khai để xóa bỏ các cản trở về thủ tục, thông tin trong quan hệ giữa hệ thống ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp”.

Vẫn còn vướng mắc

Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN chia sẻ, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), liên quan đến chỉ số tiếp cận tín dụng, Việt Nam đã tăng 03 bậc (từ vị trí 32 lên 29), điểm số DTF (thể hiện điểm số so với quốc gia có điểm số tuyệt đối) đạt 75/100 điểm (so với điểm số DTF của 2017 là 70/100). Có được sự thay đổi này là do điểm số về sức mạnh quyền pháp lý của Việt Nam được tăng thêm 1 điểm, đạt 8/12 điểm.

Tuy nhiên, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019, WB không ghi nhận sự cải thiện của Việt Nam đối với chỉ số tiếp cận tín dụng, các điểm thành phần (sức mạnh quyền pháp lý, chiều sâu thông tin tín dụng)..., nên thứ bậc bị tụt 3 bậc (xếp thứ 32/190).

“Điều này cho thấy, thứ bậc xếp hạng không chỉ phụ thuộc vào mức độ cải thiện cơ chế, chính sách của một quốc gia, mà còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan như tốc độ cải thiện về mặt chính sách của các quốc gia khác. Một quốc gia không có sự cải thiện giữa các năm, nhưng không đồng nghĩa với việc thứ hạng của quốc gia đó được giữ nguyên, mà tùy vào sự cải thiện của các quốc gia khác nếu có sự vượt trội thì thứ hạng của quốc gia không có sự cải thiện thường bị tụt hạng”, ông Đôn nói.

Khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý, đại diện VietinBank dẫn chứng, theo quy định hiện hành của NHNN, khi thanh toán bằng thẻ, Ngân hàng chỉ được phép thu phí từ đơn vị chấp nhận thẻ (ở đây là cơ quan hành chính nhà nước). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phần lớn các tỉnh/cơ quan nhà nước đều yêu cầu thu phí từ người dân/doanh nghiệp do cơ quan hành chính nhà nước phải trích nộp ngân sách nhà nước, không có nguồn để trả phí thu hộ cho VietinBank.

Đối với vấn đề hệ thống và công nghệ, VietinBank cho biết thêm, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh/thành phố chưa hoàn thiện, chưa kết nối liên thông giữa hệ thống hành chính một cửa và cổng dịch vụ công trực tuyến chưa hoàn thiện đầu phí trên cổng dịch vụ công; hay như việc đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng, phần mềm tại các tỉnh/thành phố/bộ/sở/ban/ngành chưa triệt để và đầy đủ trên cả nước. Trong khi đó, để thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kết hợp các giải pháp thanh toán của ngân hàng, các đơn vị phải được cung cấp trang thiết bị đầy đủ các ứng dụng công nghệ gồm cả phần cứng và phần mềm trong hệ thống của đơn vị...

“Cần có sự đồng bộ hóa công nghệ, đầu tư vốn để nâng cao phát triển chất lượng cơ sở hạ tầng cho các bộ/sở/ban/ngành, các đơn vị, doanh nghiệp để có thể kết nối thực hiện các giải pháp thanh toán qua ngân hàng hiệu quả”, đại diện VietinBank khuyến nghị.

Từ phía BIDV chia sẻ thêm, việc triển khai thanh toán dịch vụ công trực tuyến còn chậm, chưa đồng bộ dẫn đến việc hợp tác cung cấp thông tin và kết nối giữa ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều khó khăn. Đề nghị NHNN, các cơ quan chức năng xem xét đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin nhằm quản lý dữ liệu tập trung, lưu trữ hồ sơ điện tử, phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với từng đơn vị liên quan, qua đó tạo thuận lợi cho các TCTD cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

“Đề nghị các bộ, ban ngành tích cực phối hợp các TCTD triển khai đẩy mạnh dịch vụ thu nộp tiền phí, lệ phí và các khoản thu khác của cơ quan quản lý kết nối qua cổng một cửa quốc gia (theo Thông tư số 184/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính). Đồng thời, đề nghị các bộ, ban ngành thông báo danh mục phí, lệ phí thu qua cổng một cửa quốc gia để các TCTD có cơ sở xây dựng hệ thống công nghệ kết nối dịch vụ”, đại diện BIDV nhấn mạnh.

Tin bài liên quan