Cải cách hành chính của ngành ngân hàng: Những kết quả “mắt thấy, tai nghe”

Cải cách hành chính của ngành ngân hàng: Những kết quả “mắt thấy, tai nghe”

(ĐTCK) Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện mạnh mẽ, trong đó năm 2018 là 1 trong 2 chỉ số đạt mức trung bình ASEAN 4. 

Cắt giảm, đơn giản hóa 31% các điều kiện kinh doanh

Thông tin tại Hội nghị “Đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 02/NG-CP năm 2019 của Chính phủ” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 17/6 cho biết, trên cơ sở bám sát mục tiêu, phạm vi cải cách đã được xác định, NHNN đã tổ chức triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước.

Cụ thể, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP và Thông tư số 17/2018/TT-NHNN của NHNN về cắt giảm, đơn giản hóa 31% các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.

NHNN cũng đã ban hành Thông tư 24/2018/TT-NHN cắt giảm 20% chế độ báo cáo định kỳ cho các tổ chức tín dụng. Toàn bộ các TTHC của NHNN đã được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân giám sát quá trình giải quyết TTHC.

Việc tiếp nhận, xử lý, quản lý văn bản của NHNN được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử; việc gửi, nhận văn bản giữa NHNN với các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện qua trục liên thông  quốc gia bằng văn bản điện tử thay thế cho nhiều loại văn bản giấy; hệ thống truyền hình trực tuyến đã phục vụ tích cực cho hoạt động điều hành, đào tạo, tập huấn… góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm đáng kể giấy tờ, chi phí đi lại, hội họp.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “TPBank triển khai digital form cho khách hàng tự nhập trông tin và khai form mẫu trên website và khi khách hàng đến ngân hàng, giao dịch viên không cần mất thời gian nhập thông tin như trước, rút ngắn thời gian xử lý của giao dịch viên… TPBank cải tiến biểu mẫu hợp đồng, hồ sơ ký với khách hàng theo hướng đơn giản, ngắn hơn hơn. Bộ hợp đồng cũ yêu cầu hơn 100 chữ ký với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp mua ô tô, mua nhà nay chỉ cần 10-15 chữ ký”.

Tại BIDV, đối với phân khúc khách hàng bán lẻ, việc tích hợp mẫu biểu góp phần giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký của khách hàng, giảm 48% số lượng chữ ký của lãnh đạo/cán bộ BIDV trên các hồ sơ. Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp: Với việc xây dựng các quy định sản phẩm tín dụng đặc thù ước tính rút gọn tối thiểu 10% so với quy trình cấp tín dụng thông thường.

Đặc biệt, đã có trên 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc; các ngân hàng đã cho vay mới hơn 50.000 doanh nghiệp; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 doanh nghiệp.

“Với sự nỗ lực tích cực và hiệu quả của toàn hệ thống ngân hàng, Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện mạnh mẽ, trong đó năm 2018 là 1 trong 2 chỉ số (cùng với Chỉ số tiếp cận điện năng) đạt mức trung bình ASEAN 4. NHNN cũng đã 3 lần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính Par Index các bộ ngành”, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Không chủ quan với thành quả đạt được

Ông Phạm Đức Ấn, Chánh Văn phòng NHNN cho biết, thủ trưởng các đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc, coi trọng việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Lãnh đạo NHNN. Thắt chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, công chức; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ.

Ông Phạm Đức Ấn, Chánh Văn phòng NHNN phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất đầy đủ, minh bạch cho hoạt động của TCTD… Hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN; ứng dụng mạnh mẽ tin học trong thực hiện cơ chế một cửa và hoạt động giải quyết thủ tục hành chính.

“Xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới; Nghiên cứu, áp dụng các mô hình, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán điện tử (QR code, Tokenization, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc...)”, ông Ấn nói.

Đối với các tổ chức tín dụng, ông Ấn cho biết, tiếp tục phổ biến, quán triệt các kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về cái cách hành chính, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, đáp ứng quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó là tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay tập trung vào việc rà soát, sửa đổi, các biểu mẫu, hợp đồng, hồ sơ, thủ tục xử lý nội bộ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý khoản vay…. 

Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử; gia tăng xuất khẩu dịch vụ tài chính; ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

Song song với đó, công khai đầy đủ trên trang tin điện tử chính thức của ngân hàng các thông tin về về thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ, biểu phí và các kết quả đổi mới, cải tiến quy trình thủ tục, các tiêu chuẩn đang áp dụng trong hoạt động và tiêu chuẩn dịch vụ. Hoàn thiện cơ chế nội bộ về chăm sóc khách hàng, quy trình truyền thông, văn hóa giao dịch văn minh, để xử lý kịp thời các phản ánh, khiếu nại của khách hàng.

“Tiếp tục triển khai Chuẩn mực an toàn theo thông lệ quốc tế (Basel II) tại Việt Nam; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp tốt”, ông Ấn nói.

Tin bài liên quan