Khi chưa có tiền, người ta dùng “vật ngang giá” để đổi. Ví dụ, tôi đổi con gà lấy con vịt của anh.
Tuy nhiên, nếu một người mang một con bò đi đổi gạo thì anh ta phải nhận về số gạo nhiều hơn mức anh ta cần trong khi lại không có được những thứ khác cũng cần thiết không kém.
Do đó, tiền ra đời. Thí dụ, bán một con bò được 15 triệu đồng, chỉ cần mua 3 bao gạo khoảng 300.000 đồng. Số tiền còn lại có thể tùy nghi mua những thứ khác.
Tuy nhiên, thời kỳ siêu lạm phát, tiền mất dần tính năng là phương tiện trao đổi.
Vào năm 2008, tỷ lệ lạm phát tại Zimbabwe, một nước ở châu Phi, có lúc lên đến 231 triệu phần trằm, nên tờ tiền mệnh giá 100 tỷ đôla Zimbabwe (ZD) chỉ vừa đủ để mua một ổ bánh mì! Đồng tiền cũng có lúc trở nên vô nghĩa lý, tựa như đống giấy vụn.
Con trai của trùm ma túy Colombia khét tiếng nhất thế giới Pablo Escobar từng tiết lộ cha mình đã đốt hơn 2 triệu USD (khoảng 44 tỷ đồng) để giữ cho nhà ấm áp trong mùa Đông. Y cũng giấu tiền trong kho và mất khoảng 2,1 tỷ USD mỗi năm do chuột gặm và vài lý do khác.
Đồng tiền bản thân nó không có tội. Tuy nhiên cách nghĩ về giá trị đồng tiền và cách xài tiền không giống nhau khiến cho tương lai mỗi xã hội cũng trở nên khác biệt nhau.
Ảnh: AFP
Ngay từ thời cổ đại, triết gia người La Mã Lucius Annaeus Seneca (4 TCN-65) đã nghĩ: “Người nghèo không phải là người có quá ít, mà là người cứ muốn nhiều hơn nữa”.
Nhà văn và triết gia người Pháp Denis Diderot (1713-1784) cũng đã nhận định: “Ở bất cứ đất nước nào mà tài năng và đức hạnh không có sự tiến bộ, tiền bạc sẽ là thần thánh. Người dân hoặc có tiền hoặc khiến người khác tin rằng mình có tiền.
Sự giàu sang sẽ là đức hạnh cao quý nhất, nghèo khó là sự xấu xa thấp hèn nhất. Người có tiền sẽ thể hiện điều đó theo mọi cách có thể. Nếu sự phô trương đó không vượt qua tài sản của họ, mọi thứ vẫn ổn.
Nhưng nếu sự phô trương đó vượt qua tài sản của họ, họ sẽ hủy diệt chính mình. Trong đất nước ấy, những cơ đồ lớn nhất sẽ biến mất trong nháy mắt. Người không có tiền sẽ tự hủy diệt mình trong nỗ lực tuyệt vọng để che dấu sự nghèo khó.
Đó cũng là một sự sung túc: Dấu hiệu giàu sang bên ngoài cho số ít, mặt nạ che sự nghèo khó cho số đông, và nguồn tha hóa cho tất cả”. Nhưng đáng tiếc không phải ai cũng nghĩ như vậy, và thực hiện như vậy!
Bởi vậy, đế quốc La Mã một thời huy hoàng với chế độ chiếm hữu nô lệ và cướp bóc thuộc địa đã sụp đổ và nhà nước quân chủ Pháp với vua quan chỉ biết ăn chơi sa đọa đã gục ngã trước Đại Cách mạng Pháp!
Cách đây chục năm, tôi bị cuốn hút bởi bộ phim “Thương gia” của Hàn Quốc. Nhân vật chính trong phim đã nói với vị vua rằng: “Thương gia là người kiếm ra thật nhiều tình người chứ không phải kiếm thật nhiều tiền”.
Tỷ phú Jack Ma
Điều đó khiến câu nói của Jack Ma, một tỷ phú Trung Quốc nổi tiếng hiện nay, thêm thấm thía: “Tôi tin rằng nếu bạn có một triệu, đó là tiền của bạn – khi bạn có 20 triệu, bạn bắt đầu gặp rắc rối. Khi bạn có một tỷ, đó không phải là tiền của bạn, đó là quỹ mà xã hội trao cho bạn. Họ tin rằng bạn có thể quản lý tiền tốt hơn chính phủ và những người khác”.
Trong tự truyện “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách”, cố chủ tịch tập đoàn Hyundai - Chung Ju Yung cũng nhận ra rằng tài sản ông có được chỉ là cửa hàng gạo, còn lại tất cả các tài sản sau này như Tập đoàn Hyundai đều thuộc về cộng đồng và chỉ có một mục đích là nhằm giúp đất nước ngày một giàu mạnh.
Ở nước ta, chúng ta hãy thử quay lại thời phong kiến và thời thực dân đô hộ để xem lúc đó xã hội nghĩ gì về giá trị đồng tiền và cách xài tiền như thế nào? Lúc đó, đại thi hào Nguyễn Du đã đau đớn kêu lên: “Làm cho khốc hại, chẳng qua vì tiền”, “Trong tay sẵn có đồng tiền/Dầu lòng đồi trắng thay đen khó gì” (Truyện Kiều).
Trong tác phẩm “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, gia đình cụ cố Hồng ai cũng muốn cụ cố tổ 80 tuổi chết đi để chia gia tài kếch xù.
Chính vì thế, Xuân Tóc Đỏ, kẻ gây ra cái chết cho cụ cố tổ được gia đình cụ cố Hồng “mang ơn”. Và có cả giai thoại Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1974) “đốt tiền nấu trứng”. Ở những thời kỳ đó, luân thường đạo lý cuộc đời đã bị ngả nghiêng vì tiền.
Nước ta đang phấn đấu thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghĩa là người dân có giàu, nước có mạnh thì cũng cần phải hướng tới sự văn minh (văn là sự sáng tạo, minh là tốt đẹp). Do đó, vào năm 2012, clip “đốt tiền” của một thanh niên học đòi làm “Công tử Bạc Liêu” đã khiến dư luận xã hội hết sức bất bình và lên án.
Đây là tín hiệu vui vì hiện nay xã hội ta đang dị ứng với những kẻ không biết giá trị đồng tiền cũng như cách sử dụng nó. Thậm chí, việc đốt rải vàng mã hiện giờ cũng đang được hạn chế vì quá tốn kém.
Giờ đây, dư luận đang quan tâm khối tài sản hàng nghìn tỷ hai vợ chồng ông Vũ bà Thảo đang tranh chấp. Nếu đã đến mức phải ly hôn, thì việc chia tài sản là hợp lẽ và có các cơ quan chuyên môn phân xử.
Hiện nay trên thế giới, khi tỷ phú Jeff Bezos và vợ MacKenzie Bezos tuyên bố ly hôn vào ngày 9/1/2019, dư luận đổ dồn sự chú ý vào khối tài sản 137 tỷ USD của cặp vợ chồng quyền lực này cũng như sức ảnh hưởng của vụ ly hôn thế kỷ đối với tập đoàn thương mại điện tử Amazon.
Tỷ phú nước Mỹ Jeff Bezos và vợ MacKenzie Bezos thông báo ly hôn sau 25 năm chung sống
Bang Washington quy định trong trường hợp hai vợ chồng không thể đạt được thỏa thuận, tất cả tài sản và nợ nần phát sinh trong 25 năm chung sống sẽ phải “cưa đôi”.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, khi đôi bên được hưởng phần của mình rồi, đã ly dị xong rồi thì như gương đã vỡ, ly nước đổ đi khó lòng khôi phục lại được.
Chợt nhớ, Eleanor Roosevelt (1884-1962), phu nhân của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, từng nói: “Mất tiền là mất mát lớn. Mất bạn lại là mất mát lớn hơn nữa. Mất niềm tin là mất hết”.
“Lời quê chắp nhặt dông dài”, chỉ mong sao, xã hội có cách nghĩ về đúng về giá trị đồng tiền! Xin nhắc lại lần nữa để nhấn mạnh, như cách nghĩ của cố chủ tịch tập đoàn Hyundai - Chung Ju Yung: Tài sản của một tập đoàn kinh tế không chỉ là của cá nhân mà còn là của cộng đồng.
Và mục đích duy nhất của nó chỉ là nhằm giúp đất nước ngày một giàu mạnh! Ở Mỹ, tỷ phú Bill Gates còn tuyên bố hiến 99,95% tài sản của mình cho từ thiện và chỉ cho mỗi đứa con 10 triệu USD để khởi nghiệp.
Bill Gates sẽ chỉ để lại cho mỗi đứa con của mình số tiền 10 triệu USD để khởi nghiệp.
Bill Gates và vợ đã thành lập quỹ Bill & Melinda Gates, quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giải quyết nghèo đói toàn cầu.
Gia đình Gates đã quyên góp hơn 36 tỷ USD kể từ khi quỹ ra mắt năm 2000 và Bill Gates cũng đã quyên tặng cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD của mình cho tổ chức này.