5 yếu tố ảnh hưởng đến giá chứng quyền
Về mặt lý thuyết, giá trị của CW phụ thuộc vào 5 yếu tố: Giá chứng khoán cơ sở, biến động giá chứng khoán cơ sở, thời gian đáo hạn, lãi suất và cổ tức.
+ Giá chứng khoán cơ sở: Giá trị của CW bao gồm giá trị nội tại và giá trị thời gian. Trong đó, đối với chứng quyền mua, giá trị nội tại được xác định là hiệu số của giá tài sản cơ sở và giá thực hiện trong trường hợp hiệu số này lớn hơn 0. Do đó, giá cả tài sản cơ sở là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá trị của chứng quyền.
+ Biến động giá chứng khoán cơ sở: Nếu chứng khoán cơ sở có mức độ biến động càng cao thì khả năng tạo ra lợi nhuận tiềm năng của nhà đầu tư càng lớn, do đó giá trị của CW càng cao. Quan điểm này có thể gây khó hiểu cho người mới bắt đầu tìm hiểu. Ở đây, có thể hình dung đơn giản, nếu một cổ phiếu có mức độ biến động lớn hơn thì kỳ vọng cổ phiếu tăng mạnh hơn (tất nhiên cũng có thể giảm mạnh hơn) trong cùng một khoảng thời gian là lớn hơn so với cổ phiếu có mức độ biến động thấp.
+ Thời gian đáo hạn: Thể hiện giá trị thời gian của CW. Thời gian đáo hạn của CW càng dài thì giá trị của CW càng cao.
+ Lãi suất: Việc lãi suất tăng/giảm cũng tác động đến việc xác định giá của CW. Khi mua CW, nhà đầu tư bỏ ra số vốn ban đầu ít hơn và trì hoãn việc thanh toán mua cổ phiếu cơ sở ở hiện tại (trong trường hợp thực hiện chứng quyền mua cổ phiếu). Với việc tiết kiệm được chi phí vốn khi đầu tư vào chứng quyền mua, giá chứng quyền mua sẽ quan hệ tỷ lệ thuận với lãi suất.
Các nhân tố tác động đến giá trị của chứng quyền mua.
Để định giá CW, có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó được áp dụng phổ biến nhất là phương pháp Black - Scholes. Hiện tại, trên website của Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã có sẵn bảng tính giá CW (xem hình).
Tính hiệu quả của CW từ thị trường quốc tế
Như trình bày ở trên, biến động của cổ phiếu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của CW. Một trong những khái niệm phổ biến nhà đầu tư cần quan tâm khi giao dịch CW đó là biến động hàm ý (Implied Volatility - IV). Biến động hàm ý có thể hiểu đơn giản là được suy ngược từ công thức định giá CW. Khi có giá thị trường, biến động hàm ý được hiểu là mức biến động để khi các yếu tố khác là giá cơ sở, giá thực hiện, thời gian đáo hạn, lãi suất đã được xác định sao cho CW có giá trị bằng với mức giá thị trường hiện tại.
Trong việc định giá CW, cổ phiếu có biến động càng lớn thì giá trị CW càng cao, biến động hàm ý cũng tương tự. Khi giá thị trường của CW càng lớn, biến động hàm ý sẽ càng lớn. Biến động hàm ý là một trong những công cụ hữu ích khi so sánh sự đắt hay rẻ của các CW với điều khoản khác nhau về thời gian đáo hạn hoặc giá thực hiện.
Trung bình biến động hàm ý và biến động thực tế các CW trên thị trường Thái Lan giai đoạn 2009-2015.
Ngoài ra, việc so sánh biến động hàm ý của một cổ phiếu với biến động thực tế của một cổ phiếu cũng giúp nhận ra CW đó đang được định giá đắt hay rẻ. Nếu CW được giao dịch đúng với giá trị, biến động hàm ý của cổ phiếu sẽ tương đương với biến động thực tế.
Ở hầu hết thị trường, khi bắt đầu triển khai, các CW đều được giao dịch ở mức đắt hơn so với thực tế. Chẳng hạn, tại thị trường chứng khoán Thái Lan, từ khi mới đi vào hoạt động cho đến nay, các CW luôn được giao dịch ở mức đắt hơn đáng kể so với giá trị thực. Cụ thể, mức biến động hàm ý trung bình đo lường từ thị trường lớn hơn gần gấp đôi (66%) so với mức biến động thực tế trung bình (34%). Rõ ràng, thị trường CW Thái Lan là đắt và điều này được giải thích bởi một số nguyên nhân chung mà ở các quốc gia tương tự như Thái Lan cũng có thể xảy ra, đó là:
+ Sự đánh giá cao về biến động cổ phiếu cơ sở (Volatility) của nhà phát hành. Khi phát hành CW, mức biến động cao hơn đi kèm với mức định giá cao hơn. Do đó, mức chênh lệch của biến động hàm ý và biến động thực tế được xem là bước đệm an toàn cho nhà phát hành khi thu được phần phí cao hơn. Khi thị trường có tính cạnh tranh hơn, điều này sẽ giảm đi ít nhiều.
+ Nhu cầu rất cao về CW, đặc biệt là chứng quyền mua. Ở đây, cụ thể là nhu cầu đầu cơ, nhà đầu sư sẵn sàng trả đắt hơn giá trị thực để nhận về một công cụ thuận tiện để đầu cơ, đánh cược vào xu hướng tăng của cổ phiếu.
Thị trường phái sinh Việt Nam nhìn từ hợp đồng tương lai chỉ số VN30
Việc hoạt động chưa hiệu quả, nhất là các thị trường mới hình thành, là điều không bất ngờ. Đối với thị trường phái sinh Việt Nam, sản phẩm phái sinh đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đã ra mắt và được nhà đầu tư đón nhận.
Tuy nhiên, về mặt bản chất, có lẽ là chưa thành công khi giá của các hợp đồng tương lai và giá cơ sở vẫn chưa thực sự đồng pha. Điều này gây khó khăn lớn trong việc phòng ngừa rủi ro, bởi khi chênh lệch của giá chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở (Basic) quá lớn, việc phòng ngừa rủi ro có thể tác dụng ngược.
Chênh lệch giá hợp đồng tương lai và VN30 diễn biến thất thường
Lấy ví dụ thực tế thị trường tháng 5 vừa qua, giả sử nhà đầu tư tham gia phòng ngừa rủi ro bằng cách bán (Short) hợp đồng tương lai, trong trường hợp phòng ngừa cho toàn bộ danh mục, lúc cao điểm, mức lỗ từ thay đổi Basic có thể lên đến hơn 30 điểm, tương đương hơn 3% và việc phòng ngừa rủi ro bỗng chốc lại trở thành rủi ro.
Với hợp đồng tương lai, cơ chế kinh doanh chênh lệch giá ít nhiều có tác dụng. Đây là động lực kéo hợp đồng tương lai VN30F về gần giá trị định giá thực tế. Nhưng với CW và số ít CW sắp được phát hành, cơ hội kinh doanh chênh lệch giá là gần như không có. Do đó, ngoài việc theo dõi các yếu tố ảnh hưởng đến giá CW, nhà đầu tư cũng cần lưu tâm tới quản trị rủi ro trên mỗi giao dịch.