Các thương hiệu xa xỉ đổ xô đến châu Á

Các thương hiệu xa xỉ đổ xô đến châu Á

Không chỉ tới châu Á để mở cửa hiệu, chi nhánh, một số thương hiệu hàng xa xỉ còn đến đây niêm yết cổ phiếu để tận dụng cơ hội tại thị trường đang tăng trưởng sôi sục nhất thế giới.

“Thương hiệu yêu thích của tôi là Gucci. Tôi đã mua một đôi giầy và một chiếc túi của hãng này”, anh Lin đến từ tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc cho biết. Ang đang đến Hong Kong để du lịch và mua sắm. Còn bạn của Lin, anh Chen cũng đã có một chiếc túi hiệu Gucci và còn thêm một chiếc ví da màu nâu mà anh mới mua tăng bạn gái với giá 9.000 đôla Hong Kong (1.155 USD).

 

Cả 2 anh chàng này đều không mấy quan tâm đến việc đầu tư vào cổ phiếu của thương hiệu thời trang xa xỉ Prada (Italy), mới niêm yết tại Hong Kong và bắt đầu giao dịch từ hôm thứ 6. Tuy nhiên, cả 2 đều sẵn sàng rút hầu bao chi trả cho những món hàng hiệu đắt tiền tại thành phố này.

 

Các thương hiệu xa xỉ đổ xô đến châu Á ảnh 1 

Prada nóng lòng thâm nhập sâu hơn vào thị trường hàng xa xỉ Hong Kong . Ảnh: NYT

 

Những khách hàng như thế này đua nhau đến các shop hàng hiệu trên khắp châu Á. Chính sức mua, thị hiếu và khát khao được chứng tỏ sự giàu có của mình là những động lực thúc đẩy sự thay đổi vượt bậc trong ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu trong vài năm qua.

Khi các nước phương Tây đang đối mặt với sự suy yếu của nền kinh tế, Paris, Milan, London và New York giờ không còn là những trung tâm tiêu thụ hàng xa xỉ của thế giới. Giờ đây, những trung tâm này đã chuyển thành Seoul, Thượng Hải, Mumbai và Hong Kong, với những khu mua sắm xa hoa ngang tầm với Bond Street, Champs Élysées hay Fifth Avenue.

 

“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất cho ngành công nghiệp hàng xa xỉ”, ông Patrizio Bertelli, Giám đốc điều hành của Prada, cho biết tại buổi lễ niêm yết của công ty tại Hong Kong vào hôm thứ 6 vừa rồi.

 

Quyết định niêm yết cổ phiếu của Prada tại Hong Kong, chứ không phải Milan – địa bàn của công ty này gần 100 năm nay, một phần do mong muốn khai thác sâu nhóm đầu tư tiềm năng châu Á – các quỹ đầu tư và những cá nhân giàu có. Điều này cũng phản ánh khát khao của Prada là được gia nhập vào thị trường đang phát triển sôi sục trong ngành công nghiệp hàng xa xỉ.

 

Đối với một số công ty chuyên cung cấp hàng xa xỉ, khu vực châu Á hiện chiếm từ một phần ba đến một nửa doanh thu bán hàng toàn cầu, con số này tăng vọt chỉ sau vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Nhiều thương hiệu còn nhanh chóng mở rộng hệ thống cửa hàng, biến nhiều nơi ở Trung Quốc và Đông Nam Á thành những thiên đường mua sắm.

 

Năm ngoái, LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, đã kiếm được 6,9 tỷ Bảng Anh (9,7 tỷ USD) tại châu Á với hệ thống hơn 800 cửa hàng. Trong khi đó, doanh thu tại 570 cửa hàng ở Mỹ là 4,6 tỷ Bảng Anh.

 

Ermenegildo Zegna, công ty thời trang nam của Italy, hiện đã có hơn 70 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan. Giờ đây, khu vực này là thị trường quốc tế lớn nhất của Zegna.

 

Trong những năm gần đây, Prada đã chậm hơn các đối thủ khác khi mở rộng thị trường tại Trung Quốc đại lục. Nhưng có khoảng một nửa trong số 319 cửa hàng trên khắp thế giới của công ty này nằm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, và hơn chục cửa hàng tại Hong Kong . Prada đang có ý định mở rộng chuỗi cửa hàng của mình tại đây bằng số tiền kiếm được từ vụ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) ở Hong Kong dự kiến trị giá 2,1 tỷ USD.

 

 Các thương hiệu xa xỉ đổ xô đến châu Á ảnh 2

Thị trường hàng xa xỉ sẽ tiếp tục "leo thang" ở châu Á. Ảnh: NYT

 

Những mối lo ngại của thị trường về cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và triển vọng kinh tế ảm đạm cũng có thể khiến cho số tiền Prada hay Samsonite kiếm được từ IPO không được như mong đợi. Cổ phiếu của Prada đã tăng 0,3%, giá đóng cửa là 39,6 đôla Hong Kong (5,08 USD) vào hôm thứ 6. Đây là mức tăng khá khiêm tốn so với các công ty Internet niêm yết cổ phiếu thời gian gần đây tại New York .

 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, những bi quan về kinh tế thế giới không mấy ảnh hưởng đến các công ty hàng xa xỉ phương Tây. “Trong dài hạn, nhất định nhà đầu tư sẽ đổ xô mua cổ phiếu của các công ty này”. Cho đến nay, nhân tố lớn nhất thúc đẩy giới đầu tư chính là sự giàu có lên của các nền kinh tế châu Á mới nổi, với hàng triệu người mới bước chân vào giới thượng lưu.

 

Các thị trường xa xỉ truyền thống như Mỹ, Nhật và châu Âu sẽ vẫn chiếm phần quan trọng. Nhưng những khu vực này đã phát triển chín và hầu hết đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngược lại, tại châu Á, ngày càng có nhiều người đủ khả năng chi trả cho những chiếc váy, đôi giầy hay những chiếc túi hàng hiệu đắt tiện.

 

Theo một nghiên cứu của Merrill Lynch và Cap Gemini công bố hôm thứ năm, trong những năm gần đây, số triệu phú tại khu vực Bắc Mỹ và châu Âu không thay đổi nhiều, tương ứng là 3,4 và 3,1 triệu người. Trong khi đó, tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, số triệu phú đã tăng từ 2,8 triệu người năm 2007 lên 3,3 triệu vào năm ngoái – vượt qua khu vực châu Âu.

 

Bất chấp những lo ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc không được như trước đây, số triệu phú của châu Á có thể sẽ sớm vượt qua cả Bắc Mỹ, ông Wilson So của Merrill Lynch bày tỏ quan điểm. Mức phát triển 170 tỷ Bảng mỗi năm của thị trường hàng xa xỉ phản ánh rõ nét xu hướng này.

 

Năm 2008, châu Âu chiếm 38% thị trường xa xỉ toàn cầu, theo số liệu của Bain & Co. Nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 37% vào năm ngoái. Trong khi đó, thị phần của châu Á, trong đó có Nhật Bản, đã tăng từ 25% năm 2008 lên 28% trong năm 2010. Công ty tư vấn McKinsey ước tính, riêng Trung Quốc sẽ chiếm một phần năm thị trường xa xỉ toàn cầu vào năm 2015. Thêm vào đó, người tiêu dùng Trung Quốc giờ đây đã dễ dàng bỏ tiền mua sắm những món đồ hàng hiệu, ông Yuval Atsmon, chuyên gia tại chi nhánh của McKinsey tại Thượng Hải cho biết.

 

Trong vài năm tới, nhiều thương hiệu phương Tây có thể sẽ tăng gấp đôi số cửa hàng của mình tại Trung Quốc để khai thác tiềm năng phát triển to lớn của quốc gia này. Một số khác sẽ chọn các niêm yết cổ phiếu để phát triển tại đây. “Trung Quốc thực sự là một sân chơi đầy cạnh tranh cho ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu, và trung tâm trọng lực đang dần chuyển đến đây”, ông Atsmon cho biết.