Trong một bức thư gửi lên Chính phủ Mỹ hôm thứ Ba (27/7), Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) đã đề xuất Tổng thống Joe Biden gửi thêm vắc xin cho Việt Nam để ưu tiên tiêm vắc xin cho ngành may mặc và giày vì làn sóng đóng cửa nhà máy đang gia tăng do số ca nhiễm Covid-19.
Các nhà sản xuất điện tử đã đối phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách cho nhân viên ngủ tại nơi làm việc để duy trì trạng thái sản xuất. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của ngành dệt may thấp hơn so với ngành sản xuất điện tử, nên các nhà sản xuất dệt may ít có khả năng chi trả cho lựa chọn này. Trong khi đó, Việt Nam là nguồn xuất khẩu quần áo và giày dép lớn thứ hai sang Mỹ sau Trung Quốc.
"Sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với những người lao động trong ngành công nghiệp này vốn rất quan trọng đối với cả hai nước. Sự thành công của ngành công nghiệp của chúng tôi phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe, theo nghĩa đen, của ngành công nghiệp của nước bạn”, Giám đốc điều hành AAFA Steve Lamar cho biết trong thư.
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam hiện đang ảnh hưởng mạnh tới Nike, công ty cho biết, họ có 200 nhà cung cấp ở Việt Nam và chiếm 50% giày được sản xuất trên toàn cầu vào năm tài chính 2020.
Panjiva, một công ty con của S&P Global cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, Nike đang gặp vấn đề về nguồn cung giày ở mức thấp do sự gián đoạn Covid-19 tại Việt Nam. Một số nhà máy sản xuất chính bao gồm Pou Chen, Changshin, Feng Tay Enterprises và Eclat Textile đã tạm dừng sản xuất trong tháng này.
Khi được hỏi liệu hãng có phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng hay không, Nike cho biết, họ có thể "điều hướng những ảnh hưởng trong ngắn hạn này”.
"Chúng tôi mong muốn các nhà cung cấp của mình ưu tiên sức khỏe và sinh kế của nhân viên, đồng thời tiếp tục tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy tắc ứng xử của Nike về việc cung cấp tiền lương, phúc lợi và thôi việc", một phát ngôn viên nói với Nikkei Asia.
Hiệp hội may mặc có trụ sở tại Washington đã kêu gọi Việt Nam chuyển nhiều vắc xin hơn đến các trung tâm công nghiệp ở phía Nam, hiện là tâm điểm của các ca nhiễm mới.
Người mua hàng Mỹ ngày càng tin dùng hàng hóa Việt Nam bất chấp những nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các lô hàng dệt may từ Việt Nam đã tăng 20% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 15% thị phần trong tổng nhập khẩu của Mỹ, đứng sau Trung Quốc với 28%.