Fed sẽ hạ lãi suất trong tháng 7?
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có phiên điều trần bán niên trong 2 ngày trước Quốc hội trong tuần này. Trong khi đó, Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed sẽ tiến hành phiên họp vào ngày 30 - 31/7 để thảo luận các vấn đề mới nhất về chính sách tiền tệ.
Hiện tại, những phát biểu của lãnh đạo Fed vẫn cho thấy xu hướng mềm mỏng hơn với chính sách lãi suất, cho rằng việc điều chỉnh lãi suất đi xuống là biện pháp bảo hiểm cần thiết cho tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, xung đột thương mại gia tăng và lạm phát thấp.
Trong báo cáo vừa được đưa ra cuối tuần trước, các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc, dẫn đầu là Jan Hatzius cho rằng, nhiều tín hiệu thể hiện Fed sẽ giảm lãi suất trong phiên họp tháng 7 này.
Cùng chung quan điểm, Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase&Co nhận định: “Ðây sẽ là phiên họp với nhiều tranh cãi của FOMC, nhưng việc hạ lãi suất gần như chắc chắn bởi thời điểm đang rất phù hợp. Các rủi ro của việc lãi suất giảm là chưa đáng ngại, bởi lạm phát đang ở mức thấp”.
Tin vui với các thị trường mới nổi
Triển vọng tăng trưởng của các thị trường mới nổi trở nên tươi sáng hơn trong nửa cuối năm, khi các thành viên thị trường tin rằng, Fed sẽ sớm hạ lãi suất.
Theo khảo sát 42 nhà quản lý quỹ, chiến lược gia trên toàn cầu của Bloomberg, tiền tệ, trái phiếu và chứng khoán sẽ nhận được động lực tăng trưởng khi các chính sách tiền tệ được nới lỏng. Trong đó, các thị trường mới nổi sẽ được hưởng lợi để có màn biểu diễn tích cực hơn.
“Với sự hỗ trợ từ động thái hạ lãi suất của Fed, cũng như một số ngân hàng trung ương lớn khác, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng của các tài sản đầu tư tại thị trường mới nổi, đặc biệt là trái phiếu và chứng khoán. Trong trường hợp tránh được các rủi ro bất ngờ từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lợi suất mà các tài sản này mang lại đủ sức hấp dẫn giới đầu tư toàn cầu xuống tiền”, Hironori Sannami, chiến lược gia tiền tệ các thị trường mới nổi tại Mizuho Bank Ltd cho biết.
Chỉ số MSCI - Các thị trường mới nổi đã tăng 9,2% trong nửa đầu năm 2019.
Thực tế, chỉ số MSCI - Các thị trường mới nổi đã tăng 9,2% trong nửa đầu năm 2019, trong khi chỉ số đo lường sức mạnh của các thị trường phát triển chỉ tăng 2,2% trong cùng giai đoạn. Diễn biến này xảy ra ngay cả khi cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới gây tâm lý lo ngại bao trùm.
Theo khảo sát của Bloomberg, trong nửa cuối năm 2019, động lực lớn nhất đối với đà tăng trưởng của các thị trường mới nổi tới từ chính sách tiền tệ của Fed (trong trường hợp cơ quan này hạ lãi suất), chiến tranh thương mại có tiến triển tích cực khi Mỹ và Trung Quốc nối lại các cuộc đàm phán; ngân hàng trung ương các quốc gia mới nổi có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và giá dầu mỏ, hàng hóa có tín hiệu khởi sắc…