Các nước mới nổi sẽ là tâm điểm của G20

Các nước mới nổi sẽ là tâm điểm của G20

Lãnh đạo 20 nước bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại St. Petersburg (Nga) trong ngày 5/9 để bàn về thách thức hiện tại của kinh tế toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh G20 không còn là nợ công khu vực đồng euro. Ngoài vấn đề Mỹ muốn tấn công quân sự Syria , thách thức kinh tế với các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ làm nóng hội nghị năm nay, Los Angeles Times bình luận

Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Nam Phi là những quốc gia có tiền tệ lao dốc trong cơn bão rút vốn của nhà đầu tư những tháng qua. Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm kích thích là nguyên nhân của việc này. Dòng vốn rời khỏi các thị trường mới nổi phản ánh sự thay đổi bộ mặt toàn cầu. Tăng trưởng tại Mỹ và các quốc gia phát triển khác đã cải thiện, trong khi các nền kinh tế vốn tăng mạnh như Trung Quốc, lại suy yếu.

Các nước mới nổi sẽ là tâm điểm của G20 ảnh 1 Tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có thể là các nước mới nổi. Ảnh: LAT

 

Trong 5 năm qua, hội nghị này thường bị phủ bóng bởi rắc rối tại Hy Lạp và khu vực đồng euro. Các lãnh đạo thường xuyên tranh luận liệu thắt chặt hay tăng cường chi tiêu mới là liều thuốc tốt nhất cho nền kinh tế. Cuộc chiến chính sách trên vẫn chưa chấm dứt, dù ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng chương trình thắt lưng buộc bụng của các nước đã đi quá xa. Tuy nhiên, khi eurozone bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong quý II, vấn đề trên cũng không còn quá cấp thiết trong hội nghị lần này.

Trong vai trò chủ trì, Nga đã đưa ra chủ đề của chương trình nghị sự là "tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm". Giới phân tích cho rằng các phiên họp sẽ động đến nhiều vấn đề hơn trước đây, bao gồm tự do hóa thương mại, phát triển bền vững, điều luật tài chính, trốn thuế và sự nóng lên toàn cầu.

Những chủ đề này cho thấy lãnh đạo thế giới đã chuyển hướng quan tâm đến các vấn đề trung hạn. Ví dụ, nhiều khả năng các nước sẽ được khuyến khích thay đổi cấu trúc để củng cố tăng trưởng, như giảm các quy định trong công nghiệp hay chỉnh sửa luật nhập cư, thay vì dựa vào ngân hàng trung ương in tiền để kích thích đầu tư và xuất khẩu.

Ngoài các chủ đề chính, cuộc họp của các lãnh đạo G20 tuần này cũng sẽ không tránh khỏi vấn đề tấn công quân sự Syria . Tổng thống Mỹ - Barrack Obama cuối tuần trước cho biết sẽ chờ Quốc hội chấp thuận quyết định tấn công Syria . Ông cũng có thể tận dụng các bữa tiệc và phiên họp bên lề của G20 để giành được sự ủng hộ của lãnh đạo quốc tế.