Liệu các quốc gia đang phát triển này có thể thực sự gánh lấy nền kinh tế thế giới? (Ảnh: BI)

Liệu các quốc gia đang phát triển này có thể thực sự gánh lấy nền kinh tế thế giới? (Ảnh: BI)

Các nước đang phát triển sẽ "gánh" kinh tế thế giới thay Âu, Mỹ

Mỹ và châu Âu hiện đang phải chịu những tổn thất lớn và thiệt hại nặng nề về kinh tế trong khi chính trị thì tê liệt. Có thể đây là lần đầu trong lịch sử, tương lai của nền kinh tế toàn cầu nằm trong tay các nước đang phát triển?

Thu hẹp khoảng cách - nới rộng vai trò

 

Mỹ và Châu Âu hiện đang bị chỉ trích bởi những khoản nợ lớn ứ đọng cùng sự tăng trưởng chậm chạp, bất bình đẳng ngày càng lớn và những nguy cơ xảy ra xung đột xã hội. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới thì hoàn toàn trái ngược - tràn đầy năng lượng và hy vọng.

 

Những nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc , Brazil , Ấn Độ, và Thổ Nhĩ Kỳ lại lo lắng vì tốc độ tăng trưởng quá nhanh. Theo một số cách tính, Trung Quốc hiện đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, còn thị trường mới nổi và các nước đang phát triển chiếm hơn một nửa sản lượng thế giới. Công ty tư vấn McKinsey gọi châu Phi, vốn luôn bị coi là khu vực có nền kinh tế thất bại trong quá khứ, là "con sư tử đang tiến lên"

 

Trong khi đó, nhiều người đang nghĩ tới viễn cảnh của nền kinh tế Mỹ trong tương lai như sau: Nền kinh tế tài chính trượt dốc không phanh cùng những cuộc chiến vô nghĩa ở nước ngoài. Tất cả những công việc thực sự trong công ty lại được thực hiện bởi những người nhập cư. Nền kinh tế phụ thuộc vào Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, và "nhân dân tệ ổn định đồng đô la" và trở thành đồng tiền an toàn nhất được lựa chọn

 

Nhưng liệu các quốc gia đang phát triển này có thể thực sự gánh lấy nền kinh tế thế giới?

 

Thập kỷ trước khi cuộc khủng hoảng toàn cầu diễn ra là quãng thời gian tốt nhất cho các quốc gia đang phát triển. Sức tăng trưởng mạnh mẽ ở các nước châu Á; đã khiến lần đầu tiên kể từ năm 1950, phần lớn các nước nghèo trải qua một thứ mà các nhà kinh tế gọi là sự hội tụ - một sự thu hẹp về khoảng cách thu nhập giữa nước nghèo với nước giàu.

 

Quãng thời gian này quả thực là một thời kỳ đặc biệt, được đặc trưng bởi sự phát triển thuận lợi của nền kinh tế. Giá các loại hàng hóa cao, đem lại lợi nhuận cho châu Phi và các nước châu Mỹ La Tinh. Thêm nữa, đây là quãng thời gian nhiều nước châu Phi đã chạm đáy và bắt đầu hồi phục sau nhiều thập kỷ nội chiến kéo dài kéo theo sự suy giảm của nền kinh tế. Cuối cùng, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở các nước tiên tiến nói chung cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của thương mại quốc tế đạt tới mức cao kỷ lục.

   

Phụ thuộc lẫn nhau

 

Về nguyên tắc, tăng trưởng chậm sau khủng hoảng tại các nước phát triển không cản trở hoạt động kinh tế của các nước nghèo. Mức độ tăng trưởng cuối cùng vẫn phụ thuộc vào yếu tố cung - cầu, việc đầu tư và mua lại công nghệ mới - và những công nghệ có thể được các nước nghèo sử dụng khi mà các nước giàu phát triển chậm lại. Vì vậy, tiềm năng tăng trưởng của các quốc gia chậm phát triển sẽ được xác định bởi khả năng của họ trong việc thu hẹp khoảng cách công nghệ.

 

Tuy nhiên vấn đề là chúng ta vẫn còn thiếu đi sự hiểu biết đầy đủ khi nào thì các nước đang phát triển bắt kịp các quốc gia phát triển, hay chính sách nào sẽ duy trì sự tăng trưởng. Hiện nay cũng đang có những quan điểm trái ngược nhau được đưa ra, Một số người cho rằng sự kỳ diệu của nền kinh tế châu Á là nhờ vào thị trường tự do hơn, trong khi một số lại cho rằng sự can thiệp của nhà nước đã tạo ra điều này. Và tăng trưởng quá nhanh cuối cùng cũng sẽ dẫn đến thất bại.

 

Những người lạc quan thì cho rằng thời điểm này sẽ khác. Họ tin rằng những cải cách từ sau năm 1990 - đưa ra những cải thiện chính sách kinh tế vĩ mô, cởi mở hơn và dân chủ hơn - đã giúp các quốc gia đang phát triển tăng trưởng bền vững. Một báo cáo gần đây từ Citigroup, đã dự đoán rằng tăng trưởng sẽ vẫn tiếp tục ở các nước nghèo với dân số trẻ.

 

Kết quả này có được là nhờ những chính sách chống lạm phát và sự cải thiện trong quản lý Nhà nước ở các nước đang phát triển. Sâu rộng hơn, sự phát triển ở các quốc gia này đã tăng cường khả năng phục hội của nền kinh tế sau khủng hoảng và bảo vệ nó không bị sụp đổ

 

Tuy nhiên, tiếp tục và duy trì mức tăng trưởng nhanh chóng đòi hỏi nhiều hơn thế: Chính sách định hướng sản xuất còn cần phải thúc đẩy sự thay đổi trong cơ cấu của nền kinh tế và tạo ra thêm nhiều việc làm trong những lĩnh vực kinh tế mới. Việc tăng trưởng phụ thuộc vào dòng vốn chảy vào hay sự bùng nổ hàng hóa sẽ không có tính dài hạn. Nếu các quốc gia này muốn tăng trưởng bền vững thì phải đưa ra những ưu đãi để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp mới - đồng thời cần giảm nạn lạm quyền và tham nhũng.

 

Và, cho dù ít nền kinh tế bị sụp đổ, quản lỹ vĩ mô tốt hơn, tốc độ tăng trưởng cao vẫn còn tiếp tục trong nhiều thập kỷ. Nếu tính trung bình thì hiệu suất có thể tốt hơn so với quá khứ, nhưng chưa nơi nào tỏ ra xuất sắc như mong đợi.

 

Một vấn đề nữa, đó là liệu các nước phát triển trong giai đoạn suy thoái kinh tế có thể tạo cơ hội cho các nước đang phát triển tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn?

 

Sự tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển phụ thuộc một phần lớn vào việc tham gia các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ mà các nước phát triển hiện đang chiếm ưu thế. Hậu quả sẽ nảy sinh là vấn đề việc làm ở các nước phát triển, đặc biệt là sự thiếu hụt hiện tại của các công việc được trả lương cao. Xung đột xã hội sẽ là không thể tránh khỏi, đe dọa những chính sách cởi mở nền kinh tế.

 

Cuối cùng, hội tụ lớn hơn sau khủng hoảng toàn cầu dường như là tất yếu. Tuy nhiên một sự đảo ngược lớn giữa các nước giàu và nghèo thì có lẽ không thể xảy ra, kể cả trong lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị.