Các NHTW châu Âu có thể bắt buộc phải in thêm tiền

Các NHTW châu Âu có thể bắt buộc phải in thêm tiền

Các NHTW châu Âu sẽ phải miễn cưỡng bơm thêm tiền vào thị trường trong khi nguy cơ lạm phát đang tăng lên. Họ không có sự lựa chọn nào khác tốt hơn thế.

Biên bản cuộc họp của Ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Anh (MPC) được công bố hôm 18/4 cho thấy ngân hàng này đang lo ngại lạm phát trong trung hạn. Theo James Knightley, chuyên gia phân tích tại ING Bank, rất có thể gói QE sẽ không được thực hiện do chỉ số giá tiêu dùng tăng, tình hình kinh doanh được cải thiện và số lượng việc làm tăng thêm trong tháng qua là 53.000. 

Cũng vào hôm qua, Jens Weidmann, nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết Tây Ban Nha nên nhìn nhận sự việc lợi suất trái phiếu tăng cao như là một lời cảnh báo rằng nước này phải giải quyết vấn đề gốc rễ chứ không phải dựa vào ngân hàng trung ương. 

Jens Weidmann  cho biết thêm không có nhà hoạch định chính sách nào ở ECB thích thú với việc sử dụng chương trình mua trái phiếu ngân hàng nhà nước để hướng tới mức lãi suất trái phiếu cụ thể đồng thời cho rằng không có lý do gì để thực hiện hoạt động tái cấp vốn dài hạn tiếp theo.

ECB đã bơm hơn 1 nghìn tỷ euro (tương đương 1,3 nghìn tỷ USD) vào thị trường thông qua hai khoản nợ thời hạn 2 năm với lãi suất thấp kỷ lục 1%. Cùng lúc đó, lợi suất trái phiếu ở các nước sụt giảm.

Thế nhưng, sự kiện trái phiếu Tây Ban Nha quay trở lại mức lợi suất đáng lo ngại 6%  đã khiến giới phân tích thúc giục ECB hành động nhiều hơn nữa.

Lạm phát tháng 3 tăng cao hơn dự đoán với tỷ lệ 2,7% được eurozone công bố hôm thứ 3 (17/4) làm dấy lên những lo ngại mới, khiến nhiệm vụ của ECB càng trở nên khó khăn hơn bởi nhiệm vụ duy nhất của ngân hàng này là giữ cho giá cả ổn định.

Fabio Fois, chuyên gia phân tích tại Barclays Capital cho biết nhìn chung nguy cơ lạm phát đang tăng lên. Sự tăng lên này có mối liên hệ mật thiết với giá nhiên liệu cũng như giá tiêu dùng tăng cao hơn sự đoán cùng với  nguy cơ tăng thuế gián tiếp trong nỗ lực thu hẹp tình trạng thâm hụt ngân sách phổ biến ở các nước trong khu vực đồng euro.

Sự yếu ớt của nền kinh tế và với cuộc khủng hoảng nợ đều không có bất cứ dấu hiệu dịu bớt do các biện pháp thắt lưng buộc bụng khiến các nước eurozone lâm vào suy thoái nặng nề hơn. Trước tình hình này, ECB có thể phải xem xét lại  lập trường cứng rắn về chống lại lạm phát và bắt buộc phải nới lỏng hầu bao một lần nữa.

Trong khi đó, thủ tướng Tây Ban Nha vừa cho rằng nước này có thể sẽ không quay trở lại thị trường vốn vào năm 2013 như đã dự đoán. Nợ xấu của các ngân hàng Bồ Đào Nha trong tháng 2 đã tăng lên 8,2% - mức cao nhất từ năm 1994. Italia cũng có thể phải lùi lại kế hoạch cân bằng ngân sách 1 năm và tăng dự báo về thâm hụt ngân sách.

Thậm chí, những nước không nằm trong mắt bão khủng hoảng cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng. Theo chuyên gia phân tích tại Credit Suisse, chi phí nhân công tại Pháp đã tăng lên mức cao nhất khu vực và chi phí không tính vào lương như thuế an sinh xã hội cũng cao gấp đôi so với Đức.

Julian Callow, chuyên gia phân tích tại Barclays Capital lưu ý trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, IMF đã nhận ra nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng tồi tệ khác ở châu Âu và kêu gọi ECB nới lỏng chính sách hơn nữa đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình tái cấp vốn dài hạn và mua trái phiếu.