Các nhà lãnh đạo EU nghi ngờ về đề xuất từ bỏ bằng sáng chế vắc xin Covid-19 của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ mối nghi ngờ với đề xuất của Tổng thống Joe Biden về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Thay vào đó, họ đã chỉ trích Mỹ vì đã không xuất khẩu vắc xin sang các nước khác.

“Đó không thực sự là vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ. Chúng ta có thể trao quyền sở hữu trí tuệ cho các phòng thí nghiệm không biết cách sản xuất vắc xin nhưng họ sẽ không thể sản xuất nó trong một sớm một chiều”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết rằng: “Tôi đã nói rõ ở đây rằng tôi không tin rằng việc miễn trừ bằng sáng chế là giải pháp để cung cấp vắc xin cho nhiều người hơn”.

Mặt khác, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm thứ Sáu (7/5) đã hoan nghênh quyết định của Mỹ về việc miễn trừ bằng sáng chế vắc xin.

“Đó là một sáng kiến ​​hay nhưng tôi không nghĩ là đủ”, ông nói.

Tổng thống Joe Biden đã gây bất ngờ cho những lãnh đạo châu Âu vào tuần trước khi tuyên bố chính quyền Mỹ ủng hộ việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 với lý do “hoàn cảnh bất thường” của đại dịch.

Các chuyên gia y tế, các nhóm nhân quyền và tổ chức từ thiện y tế quốc tế cho rằng việc từ bỏ quyền sỡ hữu trí tuệ là rất quan trọng để giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu trong bối cảnh đại dịch và cuối cùng là tránh kéo dài cuộc khủng hoảng y tế.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất vắc xin cho biết điều này có thể làm gián đoạn dòng chảy của nguyên liệu thô, đồng thời dẫn đến quy mô đầu tư vào nghiên cứu sức khỏe của các nhà đổi mới công nghệ sinh học nhỏ hơn.

Ấn Độ và Nam Phi ban đầu đã đệ trình đề xuất chung từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 10/2020. Đề xuất này được gọi là miễn trừ TRIPS nhưng đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia lớn gồm Anh, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Na Uy, Canada, Úc, Brazil, EU và Mỹ.

Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để tăng tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu là các quốc gia sản xuất vắc xin phải đẩy mạnh xuất khẩu.

“Ngày nay, 100% vắc xin được sản xuất tại Mỹ được bán cho thị trường Mỹ”, ông nói và đồng thời nói thêm rằng người châu Âu “hào phóng nhất” trên mặt trận này.

Mỹ hiện không có lệnh cấm hoàn toàn đối với việc xuất khẩu vắc xin Covid-19 nhưng họ đang sử dụng luật để đảm bảo rằng các loại vắc xin được sản xuất trong nước chỉ được gửi ra nước ngoài khi quốc gia này được xác định rằng có đủ liều lượng để tiêm chủng cho người dân Mỹ.

Điều gì đang xảy ra với việc triển khai vắc xin của Liên minh châu Âu?

Dữ liệu mới nhất từ ​​Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU cho thấy trong số 400 triệu liều vắc xin được sản xuất tại EU cho đến nay thì có 200 triệu liều đã được xuất khẩu sang 90 quốc gia khác nhau.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nói rằng xuất khẩu vắc xin “là cách tốt nhất ngay bây giờ, trong ngắn hạn, để tiếp cận các nút thắt cổ chai và tình trạng thiếu vắc xin trên toàn thế giới”.

“Chúng ta nên cởi mở với cuộc thảo luận này. Ví dụ, chúng ta cũng nên xem xét kỹ vai trò của việc cấp phép. Đây là những chủ đề quan trọng cần thảo luận. Nhưng chúng ta nên nhận thức được thực tế rằng đây là những chủ đề mang tính dài hạn”, Chủ tịch châu Âu nói trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy (8/5).

Tin bài liên quan