Các ngân hàng trung ương sẽ lần lượt giảm bớt chương trình kích thích khẩn cấp

Các ngân hàng trung ương sẽ lần lượt giảm bớt chương trình kích thích khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương Canada đã trở thành Ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên cắt giảm các chương trình kích thích bơm tiền trong thời đại đại dịch. Vậy ai sẽ là người tiếp theo?

Các Ngân hàng Trung ương lớn bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ không áp dụng biện pháp cắt giảm gói kích thích trong thời gian tới.

“Tuy nhiên, việc cắt giảm 1 tỷ đô la Canada (806 triệu USD) của Ngân hàng Trung ương Canada đối với chương trình mua trái phiếu hàng tuần có thể nhắc nhở các nhà đầu tư rằng giai đoạn tiếp theo vào năm 2021 sẽ là giai đoạn giảm dần chương trình kích thích kinh tế”, John Briggs, người đứng đầu chiến lược toàn cầu tại NatWest Markets cho biết.

Với dữ liệu kinh tế xác nhận triển vọng tươi sáng hơn, Bank of America ước tính việc mua tài sản của Fed, BOJ, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ giảm xuống còn khoảng 3,4 nghìn tỷ USD trong năm nay từ mức gần 9 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Vậy quốc gia nào sẽ tiếp tục thực hiện chính sách giảm dần gói kích thích, tăng lãi suất và ai có thể là người cuối cùng dành thời gian cho việc kích thích tiền tệ trong thời đại đại dịch.

Na Uy

Ngân hàng Trung ương Na Uy là ngân hàng tiên phong trong việc đưa ra tín hiệu rút lui. Trong tháng 3, ngân hàng này đã phát tín hiệu rằng một đợt tăng lãi suất có thể sẽ đến vào nửa cuối năm 2021. Điều đó đã giúp đồng Crown có mức tăng tốt nhất trong năm nay.

Canada

Canada đã báo hiệu rằng lãi suất có thể tăng từ mốc 0,25% vào cuối năm 2022.

Mỹ

Fed có kế hoạch giữ lãi suất gần 0% và duy trì mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD cho đến khi thấy "tiến bộ đáng kể hơn nữa" đối với toàn dụng lao động và mục tiêu lạm phát linh hoạt 2%.

Nhưng với nền kinh tế dự kiến ​​sẽ tăng trưởng hơn 6% trong năm nay và lạm phát cao hơn, các thị trường đang định giá tăng lãi suất vào năm 2023 và nhiều nhà phân tích dự kiến việc mua trái phiếu ​​sẽ giảm dần trong năm nay.

Nhà kinh tế học cấp cao của Pictet Wealth, Thomas Costerg dự kiến ​​Fed sẽ bắt đầu giảm dần mua trái phiếu vào đầu năm tới và tiến hành với tốc độ mua hàng tháng là 10 tỷ USD. Ông nói rằng, quá trình này sẽ kéo dài khoảng một năm và "đủ để duy trì kỳ vọng về đợt tăng lãi suất đầu tiên trong tương lai gần".

Anh

BoE dự kiến ​​lạm phát sẽ ở mức 1,9% vào cuối năm nay nhưng cho biết mức tăng có thể bị giới hạn trong trung hạn do sự suy yếu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của NatWest tin rằng BoE có thể thông báo giảm 4 tỷ bảng Anh trong chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào tháng 5 còn 14 tỷ bảng Anh mỗi tháng.

Theo thị trường tiền tệ, khả năng ​​56% cơ hội tăng lãi suất 0,25% sẽ diễn ra vào cuối năm 2022.

Khu vực đồng Euro

Áp lực giảm phát khiến tỷ giá khu vực đồng euro khó có thể tăng trong nhiều năm, nhưng việc cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng có thể đến sớm hơn, đặc biệt là trong chương trình mua tài sản khẩn cấp vì đại dịch (PEPP) trị giá 1,85 nghìn tỷ euro (2,2 nghìn tỷ USD) của ECB,

Về mặt kỹ thuật, điều này kéo dài đến tháng 3/2022 nhưng một số quan chức đã ủng hộ việc giảm mua trái phiếu khi nền kinh tế mạnh lên.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Danske cho rằng, ECB sẽ chỉ sử dụng 1,65 nghìn tỷ euro trong tổng gói kích thích PEPP.

Andreas Billmeier, nhà kinh tế châu Âu tại Western Asset cho biết: “Đối với tất cả những gì chúng ta biết ở giai đoạn này, PEPP sẽ kết thúc vào tháng 3 năm sau, vì vậy nếu bạn nghĩ về sự chậm lại so với tốc độ hiện tại, điều đó có thể đến sớm nhất là vào tháng 6/2021”.

Úc

Trong tháng 4, Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) cho biết, sự phục hồi kinh tế của Úc đã vượt qua kỳ vọng và được thiết lập cho một sự mở rộng "trên xu hướng". Nhưng ngân hàng này đã nhấn mạnh các thông điệp ôn hòa của mình bằng cách áp dụng kiểm soát đường cong lợi suất. Theo đó, Úc có thể là một trong những ngân hàng cuối cùng thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ.

RBA muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát trong phạm vi mục tiêu 2% đến 3% trước khi chuyển hướng cho đến năm 2024. Các nhà kinh tế dự kiến ​​tỷ giá sẽ được giữ cho đến khi đó và cho rằng RBA thậm chí có thể mở rộng việc mua tài sản thêm 75 tỷ đô la Úc đến 100 tỷ đô la Úc (58 tỷ USD đến 77 tỷ USD).

New Zealand

Sự phục hồi mạnh mẽ của New Zealand và thị trường bất động sản nóng lên đã làm dấy lên suy đoán rằng một đợt tăng lãi suất có thể đến sớm hơn dự kiến.

Trong khi lãi suất dự kiến ​​sẽ giữ ở mức 0,25% trong năm nay, một số nhà phân tích dự đoán Ngân hàng Trung ương New Zealand sẽ tăng lãi suất vào nửa cuối năm 2022. Mặc dù vậy, Ngân hàng Trung ương New Zealand dường như không vội vàng trong việc cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng trị giá 72 tỷ USD.

Thụy Điển

Lạm phát của Thụy Điển đang tiến gần đến mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển nhưng họ cho biết lãi suất sẽ ở mức 0% trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, chương trình mua tài sản trị giá 700 tỷ Crown (84 tỷ USD) của họ sẽ kết thúc trong năm nay theo kế hoạch.

Nhật Bản

BOJ cam kết trong tuần này sẽ tiếp tục duy trì kích thích bằng cách sử dụng mục tiêu lợi suất và mua trái phiếu chính phủ và cổ phiếu.

Thụy Sỹ

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ không can thiệp vào thị trường trái phiếu trong nước, thay vào đó đã giới hạn đồng franc Thụy Sĩ thông qua các biện pháp can thiệp lên tới gần 110 tỷ franc (120 tỷ USD) vào năm 2020. Số tiền thu được được sử dụng để mua trái phiếu và cổ phiếu nước ngoài.

Hiện tại, ngân hàng này cũng không có dấu hiệu thay đổi chính sách can thiệp của mình và lãi suất âm 0,75% sẽ chưa được điều chỉnh tăng lên.

Tin bài liên quan