Theo dự báo trung bình từ các cuộc khảo sát của Bloomberg về các nền kinh tế, tất cả 8 nền kinh tế mới nổi châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Indonesia được cho là sẽ giữ ổn định lãi suất cho đến hết năm 2021.
Duncan Tan, chiến lược gia tỷ giá tại DBS Banking Group cho biết: “Để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, các Ngân hàng Trung ương châu Á dự kiến sẽ duy trì lập trường thích ứng và tránh ám chỉ về việc tăng lãi suất trong tương lai”.
Sau khi cắt giảm 2% lãi suất vào năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) đã giữ ổn định lãi suất kể từ tháng 11 ngay cả khi lạm phát cao hơn mục tiêu 2% đến 4%.
BSP ước tính rằng mức tăng giá trung bình trong năm nay sẽ cao hơn so với mục tiêu, trong khi Thống đốc BSP, Benjamin Diokno đã báo hiệu BSP sẽ giữ chính sách tiền tệ nới lỏng.
Ấn Độ là quốc gia hiện đang hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới và lạm phát giá bán buôn nước này cũng tăng nhanh vào tháng 3 với tốc độ mạnh nhất kể từ cuối năm 2012, phản ánh áp lực tăng từ giá hàng hóa cao hơn và chi phí đầu vào tăng.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đã tăng 5,52% so với cùng thời điểm năm ngoái, vượt quá mức kỳ vọng mặc dù vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 2% đến 6% của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á bình thường hóa chính sách tiền tệ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải đợi đến sau năm 2021, vì nước này có số ca nhiễm tương đối thấp hơn và hưởng lợi không tương xứng từ sự bùng nổ điện tử toàn cầu.
Angela Hsieh, nhà kinh tế tại Barclays Bank Plc ở Singapore cho biết: “Chúng tôi vẫn tin rằng Hàn Quốc sẽ là một trong những quốc gia sớm nhất có tiến bộ tốt hơn trong việc tiêm vắc xin. Tính di động được cải thiện sẽ giúp hỗ trợ sự phục hồi trong chi tiêu tư nhân và thị trường lao động, vốn vẫn là yếu tố còn thiếu để Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc xem xét bình thường hóa”.
Phần lớn đường lối chính sách của khu vực châu Á sẽ phụ thuộc vào tiến độ tiêm chủng và việc một số nền kinh tế trong khu vực có thể làm giảm mức tăng đột biến gần đây nhanh như thế nào.
Trong khi đó, nền kinh tế các quốc gia này nhìn chung có vị thế tốt hơn so với những quốc gia thị trường mới nổi khác trên thế giới, với dự trữ ngoại hối dồi dào và thương mại hàng hóa phát triển mạnh là hai điểm mạnh sẽ cho phép các Ngân hàng Trung ương cân nhắc bình thường hóa lãi suất.
Các nhà phân tích nói chung không muốn đặt cược của họ vào bất kỳ nền kinh tế nào với tư cách là nền kinh tế đầu tiên đi lên ở châu Á vì kèm với đó là vô số bất ổn và mức lạm phát nói chung là thấp.
Selena Ling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược của Kho bạc tại Oversea-Chinese Banking Corp tại Singapore cho biết, thật khó để thấy các Ngân hàng Trung ương châu Á đang “nóng vội” về việc tăng lãi suất trừ khi họ đang chiến đấu với dòng vốn chảy ra nhanh chóng.
Giống như Cục Dự trữ Liên bang (Fed), “lạm phát vượt mức phần lớn sẽ được coi là tạm thời và bản thân lạm phát không nên kích hoạt việc điều chỉnh lại lãi suất trong khu vực này. Vào thời điểm này, với sự đột biến của virus và các trường hợp Covid đang hồi sinh, hầu hết sẽ ngần ngại đi trước trong việc tăng lãi suất”, ông cho biết.
Các nền kinh tế mới nổi châu Á có thể trì hoãn việc tăng lãi suất cho đến năm 2022.