Một doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực dệt may và thời trang của Hàn Quốc đã trở thành cổ đông lớn của một công ty trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ đang niêm yết trên TTCK Việt Nam với tỷ lệ sở hữu trên 30%.
Với sự hậu thuẫn của cổ đông lớn trong nước, công ty thời trang này có khả năng chi phối công ty gỗ với tỷ lệ biểu quyết trên 51%. Tưởng rằng đối tác đến từ Hàn Quốc nhắm đến những tài sản bất động sản của công ty gỗ, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK thì chính năng lực sản xuất đồ gỗ mới là trọng tâm.
Khi nói đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, thị trường chủ yếu quan tâm đến dòng vốn từ Mỹ hay châu Âu, biểu hiện rõ nhất là theo dõi lượng chứng chỉ quỹ của hai quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam. Nhưng thực tế, dòng vốn đến từ thị trường châu Á cũng rất đáng kể và một phần dòng vốn này có cách thức đi rất riêng.
Cụ thể, những công ty có ông chủ lớn chiếm cổ phần chi phối, hoặc tập đoàn do đại gia đình quản trị có thể chấp nhận phương thức đầu tư không chính tắc kiểu như thỏa thuận để các cá nhân hoặc pháp nhân phía Việt Nam đứng tên sở hữu cổ phiếu nhằm lách quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Thị trường đã chứng kiến sự chuyển giao sở hữu dễ dàng ở một số CTCK thông qua việc thực hiện các thỏa thuận đã có từ trước của các bên. Hoặc đối tác ngoại trả giá thật cao để mua cổ phiếu từ một cổ đông nội nhằm phá thế kiềng ba chân trong quản trị công ty, dần dần chiếm quyền chi phối.
Nhìn chung, các đối tác đến từ châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…) áp dụng phương thức đầu tư mềm dẻo và sẵn sàng chờ đợi vài ba năm để đạt được mục đích là thâu tóm doanh nghiệp Việt, từ vị thế của nhà đầu tư chiến lược hay cổ đông lớn. Một số chọn hình thức đầu tư trực tiếp như xây dựng nhà xưởng, một số chọn những công ty hiện hữu với năng lực sản xuất sẵn có.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, yếu tố đầu tiên khiến họ nhắm đến là cơ hội hưởng lợi khi Việt Nam sắp tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thứ hai là thị trường tài chính Việt Nam trong 5 năm tới hứa hẹn nhiều cơ hội với các nhà đầu tư.
Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang chờ đợi để vào thị trường Việt Nam. Mặc dù không chỉ đích danh cá nhân, tổ chức nào và có bao nhiêu tiền đang chờ đợi, nhưng rõ ràng sự gia tăng của dòng vốn ngoại đang diễn ra dưới hình thức mua lại cổ phần, vốn góp, nhất là của các quỹ đầu tư đã đến kỳ thoái vốn. Số lượng và quy mô của các thương vụ đầu tư kiểu này chưa đủ nhiều và lớn để có thể gọi là “làn sóng”, nhưng rất có thể, sau một vài năm nhìn lại, thị trường sẽ giật mình vì sự hiện diện của vốn ngoại theo cách này.