Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ (thay vì áp dụng 5 bộ quy tắc xuất xứ của 5 hiệp định FTA như hiện nay), việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia.
Thông tin cụ thể về các cam kết mở cửa thị trường trong thương mại hàng hóa, bà Nga cho biết đối với các cam kết về thuế, tỷ lệ tự do hóa thuế quan của Việt Nam không cao hơn mức cam kết trong các Hiệp định FTA ASEAN+.
Cụ thể, khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực ít nhất sẽ dỡ bỏ 64% số dòng thuế. Sau 15 - 20 năm, Việt Nam xóa bỏ khoảng 85,6 - 90,3% số dòng thuế cho các nước (ASEAN là 90,3%, Ốtx-trây-lia và Niu Di-lân là 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%, Trung Quốc là 85,6%);
Trong khi đó, các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam trong khoảng 90,7 - 92% số dòng thuế; các nước ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9 - 100% số dòng thuế.
Liên quan đến các cam kết về mở cửa thị trường, một số mặt hàng được các nước xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực bao gồm máy móc, trang thiết bị cơ khí, dụng cụ phụ tùng; máy móc, máy vi tính, thiết bị và linh kiện điện tử; Hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất; Bông; Sản phẩm từ sắt và thép; Nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo; Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; Một số hàng thủy sản, thịt, hàng rau quả, hàng nông sản; Chất dẻo, cao su, thủy tinh; Dược phẩm; Khoáng sản; Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; Giấy, sản phẩm từ giấy; Một số loại phương tiện vận tải và phụ tùng; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm
Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ, Việt Nam cam kết theo chọn - cho khi Hiệp định có hiệu lực và sẽ chuyển sang áp dụng các biện pháp chọn bỏ sau 6 năm thực thi Hiệp định.
Mức độ cam kết tương đương FTA ASEAN+, thấp hơn nội khối ASEAN, EVFTA, CPTPP. Ngoài ra không áp dụng nghĩa vụ MFN tự động với các dịch vụ nhạy cảm như tài chính, viễn thông khi chuyển sang chọn-bỏ
Với các dịch vụ tài chính, mức độ cam kết tương đương cam kết gia nhập WTO. Đồng thời có bảo lưu nhằm đảm bảo mức độ cam kết này không bị ảnh hưởng khi chuyển đổi sang biểu cam kết chọn – bỏ.
Nghĩa vụ mới so với WTO và các Hiệp định ASEAN+ khác gồm minh bạch hóa các quy định tài chính và cung cấp các dịch vụ tài chính mới (tương tự cam kết trong một số FTA thế hệ mới như CPTPP).
Cũng theo đại diện Bộ Công thương, với các dịch vụ viễn thông, mức độ cam kết cơ bản cao hơn so với WTO nhưng thấp hơn CPTPP, EVFTA. Đối với hệ thống cáp biển quốc tế:chỉ cam kết đối với trạm cập bờ hệ thống cáp biển quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam, không cam kết đối với hình thức chung điểm đặt thiết bị.
Ngoài ra, các cam kết chỉ giới hạn trong dịch vụ viễn thông công cộng, không bao gồm các chương trình phát thanh và truyền hình. Một số nội dung mới so với cam kết WTO như chuyển mạng giữ số, bán lại dịch vụ viễn thông công cộng, cung cấp dịch vụ thuê kênh riêng, chung điểm đặt thiết bị, hệ thống cáp biển, tiếp cận hạ tầng viễn thông thụ động...
Về đầu tư, mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam không vượt quá mức cam kết trong Hiệp định CPTPP, EVFTA. Nghĩa vụ MFN tự động không áp dụng với Việt Nam. Đồng thời có bổ sung một số nghĩa vụ TRIMs+ so với cam kết gia nhập WTO; cam kết nghĩa vụ đơn phương tự do hóa (ratchet) đối với Danh mục bảo lưu đầu tư.
Tuy nhiên không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) và vấn đề tước quyền sở hữu liên quan đến thuế (sẽ tiếp tục được thảo luận sau khi Hiệp định có hiệu lực).
Về Thương mại điện tử, các cam kết trong RCEP có cấu trúc tương tự trong Hiệp định CPTPP nhưng có nội dung cam kết ở mức thấp hơn. Tôn trọng quy định hiện hành của WTO về đánh thuế quan (không đánh thuế quan đối với giao dịch điện tử); Không yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam như một điều kiện để thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam;
Đồng thời cam kết cho phép tự do lưu chuyển thông tin qua biên giới. Tuy nhiên, bà Nga lưu ý Hiệp định RCEP cho phép ban hành các biện pháp cần thiết nhằm mục tiêu chính sách công. Không áp dụng cơ chế Giải quyết tranh chấp của RCEP.
Đối với lĩnh vực mua sắm chính phủ, mua sắm công, mức độ cam kết thấp hơn nhiều so với Hiệp định CPTPP và EVFTA. Chỉ gồm các nghĩa vụ tăng cường tính minh bạch, hợp tác và trao đổi thông tin giữa các bên về chính sách mua sắm công; không có cam kết mở cửa thị trường, không áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của RCEP. Đáng chú ý, về giải quyết tranh chấp, cam kết tại RCEP được xây dựng dựa trên quy định của WTO và đơn giản hơn so với các quy định của CPTPP.
Như vậy, Hiệp định RCEP cũng bao gồm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia như: thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, nhưng nội dung và mức độ cam kết là phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác. Các nội dung này cũng đã được ta cam kết trong các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA.
“Do vậy, về tổng thể, mức độ cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP nhìn chung là hài hòa, có cao hơn các FTA ASEAN Cộng hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia là CPTPP và EVFTA. Về quy mô thị trường, với dân số trong khu vực lên tới hơn 2,2 tỷ người, RCEP có phần nhỉnh hơn so với các Hiệp định CPTPP và EVFTA. Đây sẽ là sự bổ sung đáng kể về mặt thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bên cạnh các thị trường được mở ra từ việc ký kết các Hiệp định CPTPP và EVFTA”, bà Nga nhìn nhận.
Ngoài ra cũng theo bà Nga, Hiệp định RCEP cũng bổ trợ cho Hiệp định CPTPP và các FTA mà Việt Nam đã ký trước đây với các nền kinh tế lớn trong RCEP, như VJFTA với Nhật Bản, KVFTA với Hàn Quốc, AFTA với ASEAN khi cung cấp thêm lựa chọn cho việc tận dụng các cơ hội và ưu đãi từ cam kết trong các hiệp định này. Ví dụ như việc sử dụng mẫu C/O theo mỗi FTA một cách phù hợp, nhằm có được mức ưu đãi thuế quan cao nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo đánh giá đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Hiệp định RCEP tạo cơ hội để Việt Nam thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 2,2 tỷ dân nhưng cũng đặt ra những thách thức khi tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN và các đối tác khác trong RCEP.
Nhận thức được điều này, ngay từ giai đoạn đàm phán Hiệp định, Bộ Công thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp xử lý tham vấn chặt chẽ các Bộ ngành, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan nhằm đàm phán lộ trình phù hợp cho việc cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng nhạy cảm, giúp doanh nghiệp trong nước có thêm thời gian để chuẩn bị, thích nghi với sức ép cạnh tranh.
Ưu tiên các cam kết cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Theo thống kê, hàng năm Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD nguyên liệu, thiết bị sản xuất từ các nước ASEAN. Việc ưu tiên cắt giảm thuế quan đối với nhóm các mặt hàng này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, qua đó tăng sức cạnh tranh cho các hàng hóa sản xuất trong nước liên quan.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, trên thực tế, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP theo các hiệp định FTA giữa nội khối ASEAN, cụ thể là hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các hiệp định FTA ASEAN+1).
Quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác trên là trong vòng khoảng 15 năm qua. Vì vậy, việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam.
Theo khuyến nghị của Bộ Công thương, để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình, chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại...
Ngoài các lợi ích, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa