Các hãng hàng không rụt rè nối lại đường bay quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
Việc được phép mở lại 6 đường bay quốc tế thường lệ trong thời gian trước mắt sẽ chưa mang lại dòng tiền đáng kể cho các hãng hàng không trong nước.
Các hãng hàng không sẵn sàng nối lại những đường bay quốc tế nhưng e ngại không bù đắp được chi phí.

Các hãng hàng không sẵn sàng nối lại những đường bay quốc tế nhưng e ngại không bù đắp được chi phí.

Thận trọng

Nếu không có gì thay đổi, sau 2 ngày nữa (18/9), Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) chính thức khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên sau thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bằng việc thực hiện những chuyến bay một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản.

Đây là các chuyến bay nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách từ Việt Nam đến Nhật Bản lao động, học tập. Công tác phòng chống dịch vẫn được Vietnam Airlines cùng các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện nghiêm ngặt.

Theo đó, trong tháng 9, các chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi sân bay Narita (Tokyo) khởi hành lúc 23h45 các ngày 18/9, 25/9, 30/9; từ TP.HCM đi Narita khởi hành lúc 0h ngày 30/9 bằng tàu bay Boeing 787.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, khai thác trở lại các đường bay quốc tế không quá khó khăn với Vietnam Airlines, bởi bên cạnh việc theo dõi, bám sát từng thị trường, trong quá trình tạm dừng khai thác các đường bay thường lệ, Hãng vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến bay đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.

Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 8/2020, Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 80 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 24.600 công dân Việt Nam tại gần 30 quốc gia trở về nước. Gần 2.000 chuyến bay chở hàng hóa, thiết bị y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ, kit xét nghiệm và nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đã được thực hiện thành công đến nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách từ Việt Nam ra nước ngoài để tiếp tục lao động, học tập và sinh sống, được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, từ tháng 6/2020, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại các đường bay một chiều từ Hà Nội, TP.HCM đến Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 2-4 chuyến/tuần và đến Frankfurt (Đức) với tần suất 1 chuyến/tuần.

Song, theo đại diện Vietnam Airlines, các chuyến bay chở khách chiều từ Nhật Bản về Việt Nam, cũng như kế hoạch nối lại các đường bay thường lệ đến Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia và Lào, ngoài việc phải chờ quyết định cụ thể của cơ quan chức năng, thì nhu cầu của thị trường là yếu tố tiên quyết.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, do những quy định khá chặt chẽ về đối tượng khách và cách ly y tế từ 6 thị trường (dù được đánh giá là đã kiểm soát tương đối tốt Covid-19), nên nhu cầu đi lại đến Việt Nam từ các thị trường này trong 1 - 2 tháng tới là không cao. Nếu mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, dù chỉ với 1 - 2 chuyến/tuần, thì nguy cơ lỗ là rất cao.

“Trong khi chưa mở cửa cho khách du lịch, các hãng hàng không chỉ được phép chuyên chở các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước, nên số lượng không lớn. Bên cạnh đó, sau gần 9 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã làm quen dần với phương thức giao dịch điện tử trực tuyến, cần kíp lắm họ mới trực tiếp vào Việt Nam bằng đường hàng không”, một lãnh đạo Vietnam Airlines chia sẻ.

Trong khi đó, Vietjet - hãng hàng không từng có tần suất chuyến bay lớn nhất đến Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, tính đến ngày 14/9, chưa công bố chính thức nối lại các đường bay quốc tế do chờ quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền, đặc biệt là hướng dẫn kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh và quy trình tiếp nhận hành khách tại sân bay phục vụ việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Mặc dù không nằm trong danh sách được đề xuất khai thác các đường bay quốc tế mà Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 9/2020, nhưng Bamboo Airways vẫn lên kế hoạch khai thác đường bay Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) từ ngày 29/9/2020 với tần suất 1 chuyến/tuần, khởi hành từ 13h00 các ngày thứ Ba hàng tuần.

Đường bay Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) dự kiến khôi phục từ ngày 7/10/2020 với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Chuyến bay dự kiến khởi hành từ Hà Nội lúc 23:50 các ngày thứ Tư hàng tuần.

Đối với các đường bay mới tới Nhật Bản, Bamboo Airways dự kiến đưa vào khai thác đường bay TP.HCM - Tokyo (Sân bay Narita) từ ngày 1/11/2020, đường bay Hà Nội - Tokyo (Sân bay Narita) từ tháng 12/2020.

Cần thêm điều kiện hỗ trợ

Để hỗ trợ các hãng hàng không trong việc mở lại đường bay quốc tế, với tư cách là Hãng hàng không quốc gia - đơn vị tiên phong trong việc mở lại các đường bay quốc tế, Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ sớm chỉ định một đơn vị đầu mối chủ trì với các bộ, ban, ngành liên quan nhằm thống nhất bộ quy trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng không và hành khách. Quy định của các bộ, ngành cần đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, bao phủ hết mọi lĩnh vực để các cơ quan chức năng, hãng hàng không và hành khách có thể hiểu và thực hiện nhất quán.

“Đặc biệt, quy trình kiểm dịch phải đảm bảo khách nhập cảnh không mang mầm bệnh vào cộng đồng, nhưng thủ tục cũng phải nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện để tránh trường hợp khách có nhu cầu nhưng ngại bay do thủ tục rườm rà, phức tạp, mất thời gian”, đại diện Vietnam Airlines đề xuất.

Hiện tại, theo khảo sát của Vietnam Airlines ở các chi nhánh nước ngoài, thì với quy định cách ly như Bộ Y tế đang đề xuất sẽ không có khách bay. “Nếu mở lại đường bay mà quy định rườm rà quá khiến khách ngại bay thì việc mở lại đường bay không có ý nghĩa gì”, đại diện hãng nói.

Được biết, không chỉ các hãng hàng không trong nước, mà ngay cả Bộ GTVT - cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng các lịch bay cụ thể để trình Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định cũng đang lúng túng với vấn đề này.

Trong công văn gửi Bộ Y tế cuối tuần trước, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế sớm công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách đến từ 6 điểm đến có hệ số an toàn cao là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Lào và Đài Loan; hướng dẫn quy trình tiếp nhận hành khách tại sân bay đối với từng nhóm đối tượng (ngoại giao, công vụ/chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao/công dân Việt Nam) để các cơ quan, đơn vị dễ áp dụng và thực hiện.

Được biết, tại Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 13/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với các bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế xem xét, giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế, bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa tại các cảng hàng không, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế phù hợp và các hướng dẫn khác, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn.

Bộ GTVT cũng được yêu cầu phải phối hợp với Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm bệnh để đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.

Bên cạnh đó, các địa phương, trước hết là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận 3 thành phố trên cũng được Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương lựa chọn các cơ sở lưu trú làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí, bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu 10.000 người và có thể tăng dần trong thời gian tới.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2020, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ kế hoạch kết nối đường bay với Hàn Quốc. Cụ thể, đường bay Hà Nội - Seoul với với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên; TP.HCM - Seoul với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên.

“Hiện tại, nhu cầu đi lại từ Việt Nam sang Nhật Bản và Hàn Quốc khá thấp do 2 quốc gia này cũng chưa mở cửa cho khách du lịch, nên hy vọng việc có dòng tiền thực dương từ việc mở lại đường bay thường lệ hai chiều đang là ẩn số đối với các hãng bay”, lãnh đạo một hãng bay cho biết.

Các hãng hàng không đồng loạt nối lại đường bay nội địa

Trước việc Covid-19 được kiểm soát ở nhiều địa phương, các hãng hàng không đã mở lại những điểm đến an toàn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, góp phần kết nối giao thông, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, từ ngày 10/9/2020, Vietnam Airlines khai thác trở lại 6 đường bay nội địa gồm: Hà Nội - Chu Lai, Hà Nội - Tuy Hòa, Hải Phòng - Điện Biên, Vinh - Buôn Ma Thuột, Vinh - Đà Lạt và Huế - Đà Lạt.

Vietjet cũng vừa thông báo kế hoạch tăng cường khai thác các đường bay đến và đi Đà Nẵng từ ngày 13/9/2020. Cụ thể, Hãng tăng tần suất khai thác các chặng Đà Nẵng - TP.HCM lên 4 chuyến khứ hồi/ngày và Đà Nẵng - Hà Nội lên 3 chuyến khứ hồi/ngày, trước khi tiếp tục tăng lên 7-10 chuyến khứ hồi/ngày cho hai chặng bay trục chính từ tháng 10/2020.

Tin bài liên quan