Các doanh nghiệp niêm yết “dư” hơn 100.000 tỷ đồng

Các doanh nghiệp niêm yết “dư” hơn 100.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Cuối quý II/2013, 647 doanh nghiệp niêm yết quản lý số dư tiền và tương đương tiền hơn 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ 26,4% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp.

Số dư tiền khổng lồ

Thống kê 647 DN niêm yết, không bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán, số dư tiền và tương đương tiền của các DN này thời điểm 30/6/2013 là hơn 100.000 tỷ đồng. Con số này bằng xấp xỉ 26,4% tổng vốn chủ sở hữu của các DN nói trên tại cùng thời điểm, cho thấy lượng tiền mặt đang tồn tại các DN niêm yết là rất lớn.

Các doanh nghiệp niêm yết “dư” hơn 100.000 tỷ đồng ảnh 1

110 DN có số dư tiền và tương đương tiền vượt 100 tỷ đồng

Trong đó, 110 DN có số dư tiền và tương đương tiền vượt 100 tỷ đồng và gần 80% tổng số dư tiền và tương đương tiền tập trung vào 30 DN lớn nhất, với số dư tiền và tương đương tiền là gần 80.000 tỷ đồng. Một số DN có số dư tiền khổng lồ như: PVGas (PVG), Masan (MSN), PTSC (PVS), Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Vinamilk (VNM), PVDrilling (PVD)…, với số dư tiền và tương đương tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Riêng với PVGas, số dư tiền và tương đương tiền của Tổng công ty này lớn bằng 17,8% tổng số dư tiền của 647 DN nói trên, tương đương với số dư tiền của hơn 60 DN khác.

Thống kê tương quan vay nợ, tài sản cho thấy, nhiều DN có tình hình tài chính rất tốt như Vinamilk, PVGas, FPT, DPM, Cơ điện lạnh (REE). Tại các DN này, số dư vay nợ dù lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như PVGas, hay vài nghìn tỷ đồng như FPT, hoặc không có vay nợ như Vinamilk, thì đều có đặc điểm chung là số dư vay nợ nhỏ hơn số dư tiền và nhỏ khi so với quy mô vốn chủ sở hữu hoặc đặc trưng hoạt động.

 

… nhưng phân phối không đều

Lấy con số trên 100.000 tỷ đồng số dư tiền và tương đương tiền phân chia cho các DN niêm yết theo quy mô vốn chủ sở hữu, thì thanh khoản các DN này đều ở mức tốt, do bình quân tới trên 26% vốn chủ sở hữu ở dạng tiền. Tuy nhiên, có sự “lệch pha” trong thanh khoản giữa các DN, bên cạnh những DN “tiền không để đâu cho hết”, thì có không ít DN rơi vào tình trạng “báo động đỏ”.

Báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) cho thấy, bên cạnh tình trạng kinh doanh trì trệ vì ảnh hưởng chung của ngành bất động sản, Công ty còn đang phải đối mặt với nguy cơ khác, đó là mất thanh khoản.

Báo cáo soát xét của công ty kiểm toán thực hiện soát xét báo cáo tài chính quý II/2013 của PVR ghi rõ: “Tại ngày 30/6/2013, Công ty (PVR) đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn trả. Các yếu tố nêu trên gây nên sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”. Tổng số dư tiền và tương đương tiền của PVR tại thời điểm trên chỉ vỏn vẹn 3,39 tỷ đồng. Gần như toàn bộ tài sản của PVR là hàng tồn kho và tài sản dài hạn, trong khi Công ty có tới 514 tỷ đồng là các khoản phải trả ngắn hạn.

Theo Ban lãnh đạo PVR, Công ty đang tích cực thu hồi công nợ và sẽ bán dự án kém hiệu quả.

Tương tự PVR, CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR), CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam (VNI), hay CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG) cũng trong tình trạng “báo động”, tức bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, khi số dư nợ phải trả ngắn hạn vượt quá số dư vốn lưu động.

Tại một số DN khác, dù số dư tiền và tương đương tiền hàng chục tỷ đồng, chưa bị kiểm toán cảnh báo nguy cơ mất khả năng hoạt động liên tục, nhưng sức ép thanh khoản vẫn lớn. Trong số này, chủ yếu là các DN ngành bất động sản, khi số dư tiền đủ lớn để tồn tại, nhưng không đủ để triển khai tiếp các dự án và nguy cơ mất thanh khoản khi nợ dài hạn đến ngày thanh toán đang hiện hữu.