Đổi mới trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam
Các ngân hàng đã xây dựng hệ sinh thái tiện ích và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng thông qua các ứng dụng di động (Mobile App).
Thông qua ứng dụng này, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán cơ bản trên di động như tra cứu thông tin tài khoản, kết nối thanh toán hóa đơn, thanh toán sử dụng mã QR, nạp và chuyển tiền… chính xác theo thời gian thực.
Cùng với hệ thống ngân hàng, các hình thức thanh toán di động cũng được cung cấp bởi các doanh nghiệp phát hành ví điện tử, điển hình như Momo, Zalopay, Viettel Pay, VNPay, Moca…
Ngoài ra, trong năm 2017 ví điện tử Alipay (Công ty Quản lý dịch vụ thanh toán của Trung Quốc thuộc Alibaba) cũng đã hiện diện tại Việt Nam thông qua việc ký kết hợp tác với CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Năm 2017, thị trường thanh toán Việt Nam xuất hiện thêm 2 giải pháp thanh toán là Samsung Pay - thanh toán phi tiếp xúc an toàn bảo mật trên các máy điện thoại thông minh Samsung đời mới và thanh toán bằng mã QR Code.
Đến nay, các ngân hàng và các doanh nghiệp phát hành ví điện tử tại Việt Nam đã hỗ trợ hình thức thanh toán bằng mã QR này.
Ngoài các hình thức thanh toán di động kể trên, một hình thức thanh toán mới là Mobile Money dự kiến sẽ được cung cấp trong thời gian tới bởi các nhà mạng viễn thông.
Đối với lĩnh vực thanh toán quốc tế, nhiều ngân hàng đã ra mắt những hình thức thanh toán xuyên biên giới.
Chẳng hạn, giữa năm 2019, TPBank hợp tác với UnionPay (Trung Quốc) về việc liên thông thanh toán.
Đầu tháng 11/2019, TPBank ra mắt hình thức chuyển tiền bằng công nghệ blockchain thông qua RippleNet, một nền tảng được phát triển bởi SBI Ripple Asia. LienVietPostBank hợp tác với BC Card (Hàn Quốc) thử nghiệm việc thanh toán thông qua ví điện tử tại Hàn Quốc và dự định triển khai dịch vụ này vào năm 2020.
Các Khuyến nghị thúc đẩy phát triển thanh toán di động
Khi xây dựng khung pháp lý liên quan đến thanh toán di động nói chung và Mobile Money nói riêng, nhà quản lý chính sách có thể tập trung vào các nội dung chính trong Chỉ số pháp lý của Mobile Money được Tổ chức GSMA đưa ra liên quan đến các vấn đề: Định danh khách hàng, phân loại khách hàng, phát triển mạng lưới đại lý giao dịch tại quầy, tính minh bạch, phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng.
Định danh khách hàng: Hoạt động này nếu tiến hành quá chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh toán di động.
Hơn thế nữa, việc đăng ký trực tiếp tại đại lý, ngân hàng hay trung tâm của nhà cung cấp đều gây trở ngại về thời gian và địa lý, trong khi nhu cầu của người sử dụng là mong muốn các hoạt động diễn ra đơn giản nhất có thể.
Tuy nhiên, nếu không siết chặt, rất dễ dẫn đến tình trạng các cá nhân/tổ chức cung cấp thông tin giả hoặc mua lại giấy tờ tuỳ thân từ những người khác để mở tài khoản nhằm mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Để giải quyết vấn đề này, việc định danh điện tử (Digital Foundational Identity) kết hợp với sinh trắc học (Intelligence, 2014) là một phương án, song để làm được điều này thì cần xây dựng dữ liệu này trên hệ thống chung của quốc gia.
Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro: Đối với những khách hàng trong quá trình thẩm định được đánh giá thuộc nhóm rủi ro thấp thì nên nới lỏng các quy định về đăng ký tài khoản, ngược lại thì cần siết chặt bằng các quy định định danh cùng định mức và lệ phí chuyển tiền chặt chẽ.
Như vậy, những người thật sự có nhu cầu sẽ nhanh chóng tiếp cận tài chính toàn diện và giảm rủi ro những cá nhân/tổ chức sử dụng dịch vụ với mục đích phạm pháp.
Phát triển mạng lưới đại lý giao dịch tại quầy (Over-the-counter): Để khuyến khích khách hàng sử dụng và nhân rộng dịch vụ Mobile Money đến với mọi người, cần có quy định phù hợp đối với các đại lý được nhà mạng uỷ quyền, vì số lượng đại lý tăng lên đồng nghĩa với việc khoảng cách địa lý giảm xuống và người dân có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch tại đại lý gần họ nhất.
Ngoài ra, việc phát triển đại lý cũng có thể giúp nhà mạng giảm đáng kể các chi phí vận hành, thay vì phải trực tiếp mở nhiều trung tâm giao dịch và giảm áp lực chờ đợi giao dịch tại các trung tâm hay ngân hàng.
Tuy nhiên, khung pháp lý cần nêu cụ thể các yêu cầu để có thể trở thành đại lý nhằm tránh việc lạm quyền sử dụng tiền của khách hàng vì lợi ích cá nhân.
Công khai với người sử dụng về quyền và nghĩa vụ: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên công bố rõ ràng những quyền lợi mà người sử dụng được bảo đảm - đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiền sử dụng trong thanh toán, nhằm tăng độ tin tưởng và nghĩa vụ của họ trong nâng cao ý thức sử dụng và tự quản lý tài khoản của mình đúng theo quy định pháp luật.
Cải tiến công nghệ và xây dựng, bảo trì hệ thống dữ liệu: Mobile Money đòi hỏi các bên có trách nhiệm phải lưu trữ toàn bộ giao dịch trong nhiều năm và công nghệ tối ưu phục vụ các quá trình định danh, điều tra khi có nghi ngờ…
Vì vậy, Chính phủ cần yêu cầu các nhà mạng cần có sự đầu tư nghiêm túc nhằm tối ưu hoá công nghệ, đồng thời xây dựng và bảo trì hệ thống cơ sở dữ liệu thường xuyên, giúp quá trình hoạt động diễn ra trôi chảy và hiệu quả.
Tóm lại, để cung cấp dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam, một khung pháp lý mang tính hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho các công ty tham gia, tăng nhu cầu cho khách hàng sử dụng dịch vụ này trong khi vẫn đảm bảo được mức bảo mật cao và tránh các vấn đề như rửa tiền.
Để các mô hình dịch vụ tài chính mới như Mobile Money phát triển bền vững, đòi hỏi các cơ quan quản lý vừa phải cân bằng trong việc cởi mở với những thử nghiệm và đổi mới, vừa có sự chắc chắn về khung pháp lý để bảo vệ người dùng, an toàn hệ thống, tuân thủ các cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền và phân rõ trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.
Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước có thể tiến hành khảo sát và thảo luận với các bên liên quan như ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng…. nhằm quyết định mô hình quản lý và xây dựng khung pháp lý phù hợp với điều kiện phát triển và hiện trạng cơ sở hạ tầng của quốc gia.
Điều này sẽ góp phần giúp dịch vụ Mobile Money có nền tảng ổn định để phát triển bền vững.
Cuối cùng, Bộ chỉ số Mobile Money Regulatory Index của GSMA đã có những đánh giá khá chi tiết đối với mức độ hiệu quả của khung pháp lý trong việc tạo điều kiện cho dịch vụ này phát triển bền vững, hỗ trợ cho mục tiêu phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Các Fintech và cơ quan quản lý có thể tham khảo bộ chỉ số này, học hỏi các quốc gia có thứ hạng cao trong từng chỉ số con để đưa ra chính sách phù hợp, đưa thanh toán di động đến gần hơn với người dùng Việt Nam.
Đưa ra lộ trình cho các lựa chọn thanh toán
Hiện tại, NHNN là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các thanh toán bằng tiền mặt hoặc kỹ thuật số và thanh toán dựa trên các công nghệ như băng thông rộng và di động.
Khung pháp lý hiện hành cho hoạt động thanh toán ít bị phân mảnh hơn so với các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, để gia tăng hiệu quả quản lý, NHNN nên xây dựng một lộ trình chung cho các thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán số phù hợp với nhu cầu thanh toán của xã hội. Lộ trình chung cho hoạt động thanh toán cần bao gồm các nội dung: Thúc đẩy hiệu quả và giảm chi phí cho các hoạt động thanh toán; cơ sở hạ tầng cho thanh toán như tốc độ kết nối và độ phủ di động; đảm bảo người dân đều được tiếp cận, không ai bị “loại trừ kỹ thuật số - digital exclusion”;
NHNN cũng cần nghiên cứu và xác định các trở ngại có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn thanh toán ngang hàng với chi phí thấp và nhanh chóng, đặc biệt là các tùy chọn được cung cấp bởi ứng dụng di động mà dự báo có thể xuất hiện tại Việt Nam.
Xây dựng các quy định thanh toán thống nhất
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khung pháp lý cho thanh toán thường liên quan đến nhiều cơ quan, ban nhành. Điều này có thể không mang lại kết quả tốt nhất về tổng thể khi các giao dịch trở nên “kỹ thuật số” hơn và có sự xuất hiện của các chủ thể mới tham gia cung cấp dịch vụ.
Bởi vậy, NHNN cần rà soát, xem xét lại các quy định liên quan đến thanh toán để đánh giá sự phù hợp của khung pháp lý đối với các rủi ro của các hoạt động thanh toán, bao gồm cả phân tầng các công ty cung cấp dịch vụ để đảm bảo giám sát hiệu quả chuỗi giá trị tổng thể của hoạt động thanh toán;
Nâng cao vai trò của việc chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng và các công ty thanh toán; hạn chế tối đa sự phân mảnh cùng với các quy định phức tạp như ở một số nước trên thế giới.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động thanh toán xuyên biên giới
Nghiên cứu của McKinsey & Company cho thấy, xử lý một khoản thanh toán xuyên biên giới, trung bình, tốn kém gấp mười lần so với xử lý khoản thanh toán trong nước.
Mỗi khoản thanh toán phải qua nhiều khu vực pháp lý và cơ sở hạ tầng thông qua mạng lưới ngân hàng đại lý, điều này khiến việc thanh toán chậm, tốn kém và thiếu minh bạch.
Sự ra đời của Chỉ thị PSD2 tại châu Âu và sự xuất hiện của các mô hình ngân hàng mới như Ngân hàng Mở (Open Banking) sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán xuyên biên giới trong tương lai.
Hiện tại, các hoạt động ứng dụng công nghệ cho thanh toán quốc tế đã được một số ngân hàng triển khai như đã đề cập ở trên. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý tại Việt Nam cần lưu ý trong thời gian tới.
Theo đó, các cơ quản lý, cụ thể là NHNN cần đa dạng hóa các chuẩn Messaging Standard và định danh chung để tạo điều kiện cho các hợp tác quốc tế; mở tiếp cận cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán xuyên biên giới; tiếp tục làm việc với các cơ quan quốc tế như Ủy ban về Thanh toán và cơ sở hạ tầng thị trường (Committee on Payments and Market Infrastructures) nhằm hỗ trợ việc thanh toán xuyên biên giới hiệu quả hơn và rẻ hơn; hợp tác với ngân hàng trung ương các nước để cải thiện thanh toán cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.