Luật sư Nguyễn Thị Bắc tại phiên tòa

Luật sư Nguyễn Thị Bắc tại phiên tòa

Các công ty mất tiền vì bỏ mặc tài khoản cho Huyền Như

(ĐTCK) Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho Vietinbank cho rằng, các công ty đã thỏa thuận ngầm với Huyền Như, vì lãi suất chênh lêch trái pháp luật nên bỏ mặc tài khoản cho Huyền Như. Thậm chí, khi phát hiện nhiều giao dịch chuyển tiền đi bất thường, cũng không có ý kiến.

Kháng cáo của 4 công ty vượt quá quyền hạn

Sáng 29/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như lừa đảo 5 công ty với số tiền 1.085 tỷ đồng tiếp tục với phần tranh luận.

Sau quan điểm của 4 công ty kháng cáo (Công ty Hưng Yên không kháng cáo), các luật sư bảo vệ cho Vietinbank đã có ý kiến phản bác, cho rằng ngay từ đầu Huyền Như đã có ý thức lừa đảo 4 công ty gồm: Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, CTCK SBBS, CTCK Phương Đông, Công ty An Lộc. Các công ty vì được hưởng lãi suất chênh lệch trái pháp luật nên đã thực hiện theo chỉ dẫn của Huyền Như, tạo điều kiện cho bị cáo Như chiếm đoạt tiền.

Ý kiến các luật sư cho rằng, Huyền Như không kháng cáo, do đó, phần nội dung liên quan đến Huyền Như đã có hiệu lực pháp luật. Bản án sơ thẩm quyết định bị cáo Huyền Như phải bồi thường dân sự là dựa trên cơ sở bị cáo Như bị tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 4 công ty.

Khi phần bản án về tội danh của Huyền Như đã hiệu lực pháp luật thì không có cơ sở để thay đổi quyết định về trách nhiệm bồi thường dân sự và cũng không có căn cứ để tách phần dân sự để xét xử thành một vụ án dân sự riêng như các công ty đề nghị.

Đồng thời, các luật sư cho rằng, nội dung kháng cáo của các công ty đề nghị thay đổi tội danh của bị cáo Như là vượt quá quyền hạn kháng cáo của nguyên đơn dân sự, đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo của các công ty.

Bên cạnh một số vấn đề chung, các luật sư tập trung phân tích chuỗi hành vi lừa đảo của Huyền Như cũng như những sai phạm của các công ty tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tài sản.

Thỏa thuận ngầm với Huyền Như, né thị trường liên ngân hàng

Đối với trường hợp CTCK Phương Đông, luật sư Trương Xuân Tám cho rằng, CTCK Phương Đông chỉ là bên cho thuê tài khoản, tiền gửi vào là của TPBank. Bản thân TPBank và CTCK Phương Đông đã thiếu trách nhiệm, để Như lợi dụng, thay đổi nội dung hợp đồng, thay đổi loại tài khoản, thậm chí đưa vào điều khoản CTCK Phương Đông phải trả lại hợp đồng gốc sau khi tất toán – để che giấu hành vi phạm tội.

TPBank và CTCK Phương Đông để cho Như thực hiện những việc này là vì lãi suất chênh lệch cao. Hồ sơ vụ án thể hiện, lãi suất ngoài cả CTCK Phương Đông và TPBank đều nhận.

Theo luật sư Trương Xuân Tám, vì thỏa thuận với Huyền Như, CTCK Phương Đông không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản, không thông báo khi phát hiện nhiều giao dịch lạ phát sinh, kể cả các giao dịch chuyển tiền hàng chục tỷ đồng cho công ty mà CTCK Phương Đông hoàn toàn không có quan hệ làm ăn.

Chủ tài khoản là Tổng giám đốc CTCK Phương Đông biết rõ Như trích chuyển tiền cho công ty khác nhưng không hề có ý kiến, thậm chí còn ký khống 7 chứng từ để hợp thức cho Huyền Như khi Như yêu cầu.

“Đây là sự thiếu trách nhiệm của người quản lý tài khoản, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 10 Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước: chịu trách nhiệm về những sai sót hay hành vi lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình” – luật sư Tám nói.

Hành vi sai phạm của TPBank và CTCK Phương Đông là tiền đề, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm. Nếu làm chặt chẽ thì Như không thể chiếm đoạt được.

Bút lục ghi lời khai của bà Lê Thị Thanh Phương, nguyên Giám đốc khối nguồn vốn của TPBank có nội dung bản chất giao dịch là TPBank thông qua 2 CTCK Phương Đông và Công ty An Lộc để gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao, né lãi suất của thị trường liên ngân hàng.

Bà Vũ Hồng Hạnh, Tổng giám đốc CTCK Phương Đông đã có lời khai xác nhận toàn bộ số tiền gửi là của TPBank, hợp đồng là để ngụy trang, Công ty Phương Đông là trung gian hưởng phí, các nội dung hợp đồng đều không thực hiện.

Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Trung trích dẫn lời khai của ông Nguyễn Việt Anh, Phó giám đốc khối nguồn vốn TPBank xác nhận, tiền Công ty An Lộc gửi là tiền xuất phát từ TPBank. TPBank và Huyền Như đã thỏa thuận trước rồi thông qua Công ty An Lộc ký hợp đồng. Ngân hàng Nhà nước xác định, giao dịch của TPBank khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.

Chính vì giao dịch thỏa thuận trái pháp luật nên các bên đã nghe theo “đạo diễn” của Huyền Như, mở tài khoản xong bỏ mặc cho Như thao túng, sử dụng tài khoản.

Đối với Công ty Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty SBBS, luật sư Trương Thị Hòa, luật sư Nguyễn Thị Bắc nêu dẫn chứng cho thấy các công ty đã có lỗi để Huyền Như thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài khoản, phát hiện các giao dịch chuyển tiền đi, đến đáng ngờ nhưng vẫn mặc kệ, không có ý kiến.

Cuối giờ sáng, đại diện Viện Kiểm sát đã có ý kiến tranh luận. Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trước đây trong giai đoạn xét xử vụ án Huyền Như giai đoạn 1 và điều tra giai đoạn 2, VKS nhận thấy có dấu hiệu tội tham ô nhưng thế không có nghĩa là khẳng định Huyền Như phạm tội tham ô. Qua điều tra đã làm rõ hành vi của Huyền Như phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đại diện VKS cũng nêu ý kiến cho rằng, rất nhiều khách hàng khác gửi tiền vào Vietinbank đều không mất tiền, chỉ có những khách hàng thỏa thuận ngầm với Huyền Như để hưởng lãi suất cao trái quy định mới rơi vào bẫy, bị Huyền Như chiếm đoạt tiền.

Tin bài liên quan