"Cá voi cổ đại" thức giấc

"Cá voi cổ đại" thức giấc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư "cá voi" Bitcoin từ thời Satoshi quẫy đạp thị trường tiền số bằng một trong những giao dịch lớn nhất trong lịch sử.

Vượt qua thử thách

Theo thông tin được xác nhận bởi Galaxy Digital - một trong những công ty dịch vụ tài sản số uy tín nhất Wall Street, một nhà đầu tư Bitcoin đã thực hiện việc bán 80.000 BTC thông qua nền tảng của họ. Galaxy Digital mô tả đây là "một trong những giao dịch có giá trị danh nghĩa lớn nhất trong lịch sử tiền số."

Sau đó, Galaxy Digital đã tiết lộ thông tin này một cách chính thức qua PR Newswire vào ngày 25/7, rồi đăng tải chi tiết trên blog chính thức của công ty.

Mặc dù danh tính của "cá voi" này được giữ bí mật, Galaxy Digital đã tiết lộ rằng "giao dịch này là một phần của chiến lược cơ cấu danh mục đầu tư rộng lớn hơn của nhà đầu tư". Điều này gợi ý rằng đây không phải là một động thái đầu cơ hay hoảng loạn, mà là một quyết định tài chính có tính toán.

Theo dữ liệu từ Lookonchain, nhà đầu tư này đã di chuyển 80.009 BTC từ một ví "ngủ đông" vào ngày 16-17/7. Việc những đồng Bitcoin này được giữ trong ví không hoạt động trong nhiều năm cho thấy đây có thể là một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Bitcoin, có thể từ thời Satoshi Nakamoto còn hoạt động.

Quá trình di chuyển Bitcoin của "cá voi". Nguồn Lookonchain.

Quá trình di chuyển Bitcoin của "cá voi". Nguồn Lookonchain.

Điểm đặc biệt ấn tượng ở đây không chỉ ở quy mô giao dịch, mà là phản ứng của thị trường. Giá Bitcoin có giảm nhẹ sau đó, nhưng chỉ tạm thời xuống dưới 115.000 USD trước khi nhanh chóng phục hồi lên trên 117.300 USD. Đây là một biểu hiện đáng kinh ngạc về sức mạnh và độ trưởng thành của thị trường hiện tại.

Jason Williams, nhà phân tích và tác giả của "Bitcoin Hard Money," đã nhận xét rằng toàn bộ việc bán đã được "hấp thụ hoàn toàn bởi thị trường." Ông dự đoán rằng giá Bitcoin đã sẵn sàng cho những đợt tăng đáng kể trong tương lai.

Sự khác biệt của thị trường hiện tại

Nếu như trước kia, những giao dịch có quy mô lớn như thế này đã từng khiến cộng đồng tiền số "run sợ" và tạo ra những đợt giảm giá thảm khốc.

Điển hình như vụ bán tháo Bitcoin nổi tiếng nhất trong lịch sử là từ sàn giao dịch đã phá sản Mt. Gox. Sau khi sàn giao dịch này sụp đổ năm 2014, người quản lý phá sản đã bán hàng chục nghìn Bitcoin để trả nợ cho các chủ nợ. Mỗi lần có tin đồn về việc bán Bitcoin từ Mt. Gox, thị trường lại rơi vào hoảng loạn.

Năm 2017, khi thị trường đang trong đợt tăng giá mạnh, việc bán 2.000 Bitcoin từ quỹ Mt. Gox đã khiến giá Bitcoin giảm hơn 10% chỉ trong vài giờ. Vào tháng 9/2017, việc bán thêm 2.000 Bitcoin nữa đã góp phần khiến Bitcoin giảm từ 5.000 USD xuống 3.200 USD.

Thậm chí đến năm 2018, khi có tin Mt. Gox sẽ thanh lý nốt 137.000 Bitcoin còn lại, thị trường đã phản ứng dữ dội, tạo ra hàng loạt các đợt bán trong hoảng loạn, góp phần vào việc Bitcoin giảm từ đỉnh 20.000 USD xuống còn khoảng 6.000 USD.

Một nguồn Bitcoin "đáng sợ" khác trong quá khứ là từ việc tịch thu tài sản của Silk Road - thị trường web tối nổi tiếng. FBI đã tịch thu khoảng 144.000 Bitcoin từ Silk Road và việc bán đấu giá những Bitcoin này luôn tạo ra áp lực lên thị trường.

Năm 2014, khi chính phủ Mỹ bán đấu giá 30.000 Bitcoin từ Silk Road, giá Bitcoin đã giảm từ 650 USD xuống 350 USD chỉ trong vài tuần. Mỗi lần có thông báo về việc bán đấu giá Bitcoin tiếp theo, thị trường lại hoảng loạn.

Gần đây hơn, việc Tesla bán 75% số Bitcoin nắm giữ (khoảng 32.000 BTC) vào quý II/2022 cũng đã khiến thị trường tiền số rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực. Mặc dù Tesla giải thích việc bán này là để tăng thanh khoản do đại dịch Covid-19 nhưng thị trường đã phản ứng mạnh mẽ với đợt giảm giá kéo dài.

Một trong những vụ bán tháo gần đây nhất và có tác động đáng kể là việc chính phủ Đức bán khoảng 50.000 Bitcoin vào tháng 6-7/2024. Những Bitcoin này được tịch thu từ các hoạt động bất hợp pháp và việc bán chúng đã tạo ra áp lực giảm giá đáng kể, khiến Bitcoin giảm từ khoảng 71.000 USD xuống 54.000 USD.

Khi so sánh giao dịch 80.000 Bitcoin vừa qua với những lần bán tháo trong quá khứ, sự khác biệt là rất rõ ràng. Về quy mô, 80.000 Bitcoin trị giá 9 tỷ USD là một trong những giao dịch lớn nhất từng được ghi nhận, lớn hơn hầu hết các vụ bán tháo lịch sử. Nếu như các đợt bán tháo trước đây gây ra tâm lý hoảng loạn và khiến giá Bitcoin ngay lập tức điều chỉnh từ 20 - 50% thì giờ đây, giá Bitcoin chỉ giảm tạm thời khoảng 4% trước khi phục hồi nhanh chóng.

Sự khác biệt này đến từ nhiều yếu tố quan trọng đã thay đổi thị trường tiền số trong những năm gần đây. Yếu tố quan trọng nhất có lẽ đến từ việc nhiều quốc gia lớn trên thế giới bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc và xây dựng một khung pháp lý rõ ràng như Mỹ với Đạo luật GENIUS vừa thông qua, Liên minh châu Âu đã bắt đầu xây dựng quy định MiCA (Markets in Crypto-Assets), trong khi các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, và Anh cũng đang đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tiền số.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào sự ổn định của thị trường là sự ra đời của các ETF Bitcoin spot được SEC phê duyệt vào đầu năm 2024. Các quỹ ETF như BlackRock IBIT, Fidelity FBTC đã thu hút hàng chục tỷ USD trong những tháng đầu hoạt động.

Sự hiện diện của các ETF này tạo ra một nguồn cầu ổn định và dài hạn cho Bitcoin. Khi có áp lực bán, các quỹ ETF có thể tăng mua để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức, giúp cân bằng thị trường.

Cùng với đó, việc các tổ chức như MicroStrategy, Tesla, các quỹ ETF Bitcoin gia nhập thị trường đã tạo ra một lớp nhà đầu tư có khả năng tài chính mạnh và tầm nhìn dài hạn.

Từ đó, thị trường tiền số đã trở nên trưởng thành hơn, có thanh khoản gấp hàng chục lần so với 5-10 năm trước. Các sàn giao dịch lớn như Binance, Coinbase, Kraken có khối lượng giao dịch hàng ngày lên tới hàng tỷ USD, đủ để xử lý những giao dịch lớn mà không gây chấn động.

Tin bài liên quan