Những con cá thân trong suốt, bé tí xíu, mỏng manh của dòng sông Đà đã tặng cho người dân nơi đây một món đặc sản quý giá, thơm ngon, ngọt thịt, khiến ai đã ăn một lần thì muốn ăn mãi, cũng như yêu một lần thì cứ muốn được yêu thêm. Mùa cá ngần tháng 2 trên dòng sông Đà có những nét duyên thầm rất thú vị.
Một ngày tháng 2 Âm lịch, vừa sau Tết Nguyên đán tròn 1 tháng, tôi hăm hở ngược đường tìm về tận vùng Điện Biên xa xôi, nơi dòng thủy điện Sơn La đã “kết trái” và chính thức hòa vào lưới điện quốc gia từ cuối 2012.
Buổi sáng đầu tiên ở miền biên ải yên bình, tĩnh lặng và đẹp hệt như một bức tranh mực tàu. Màn sương trắng quyện vào khói bếp tỏa lên từng nhánh cây, ngọn cỏ trông vừa hư vừa thực. Tiếng chim rừng gọi bạn đâu đó rất xa, vọng vào núi đồi thật êm tai, khác hẳn tiếng còi xe giờ tan tầm nơi phố thị.
Sau khi ăn vội bữa sáng qua loa, tôi cao hứng vác máy ảnh ra chợ. Mới hơn 7 giờ sáng mà chợ miền núi đã tản hết cả rồi, chỉ còn lác đác mấy hàng rau, hàng thịt bán ế cố nán lại vớt vát chút đỉnh mà thôi.
Định bụng quay lại nhà nghỉ ngủ thêm một giấc thì tôi gặp được một cô hàng cá có cái dáng mảnh khảnh, thắt đáy lưng ong, nhưng sức khỏe ăn đứt 2 - 3 thằng như tôi đang khệ nệ vác chiếc bao tải vài chục cân vứt huỵnh xuống nền đất.
Nhìn quanh chợ chẳng còn khách nào, cô vội cất giọng lơ lớ mời chào tôi: “Anh thanh niên có mua giúp mình ít cá ngần sông Đà đầu vụ không, con nào con nấy to ngon phải biết. Thịt cá ngần béo ngậy và thơm phức, ai đã ăn một lần thì nhớ mãi”.
Tò mò về thứ cá chưa từng nghe qua, tôi bảo cô mở bao tải ra xem thế nào. Trong đó là một tập hợp những con cá bé xíu, con dài nhất cũng chỉ bằng ngón tay út, con nhỏ thì trông như sợi bún. Thân chúng trắng muốt như thủy tinh, chỉ điểm một vệt đen duy nhất là mắt.
Lân la chuyện trò thêm đôi câu, cô hàng cá cho biết, từ kinh nghiệm bán cá gia truyền nhà mình, thì cá ngần ngay sau Tết bao giờ cũng là đợt ngon và béo nhất. Bởi chúng vừa trải qua một mùa Đông dài nhịn đói nên khi trời nắng trở lại, chúng sẽ đi thành đàn kiếm ăn bù.
Mà cái giống cá ngần cũng đến lạ. Chúng được sinh ra từ dòng nước, lớn lên từ dòng nước. Chúng kiếm ăn mà như không, bởi thức ăn của chúng chỉ là vi tảo, phù du trôi nổi. Chắc vì đặc tính kén ăn đó đã tạo nên thân hình con cá một màu trắng ngần.
Ngoài ra, chúng chỉ sống được trong tự nhiên, nơi vùng nước sạch chứ không thể nuôi nhốt như các loài cá khác. Chính vì vậy, cá ngần càng có giá trị kinh tế trong mắt người tiêu dùng.
Chị hàng cá cũng bộc bạch thêm rằng, cá ngần mới chỉ xuất hiện ở đoạn sông Đà chảy qua Lai Châu, Điện Biên vài năm gần đây, sau khi sông Đà nắn dòng làm thủy điện. Trước đó, loại cá này chủ yếu sống ở vùng Sơn La, Hòa Bình và cũng chưa được biết đến nhiều.
Mấy năm nay, do du lịch và kinh tế phát triển, nhiều người miền xuôi lên đây thấy loại cá trắng trong này độc lạ nên mua về làm quà. Dần dần, thuyền buôn lên thu mua ngày một đông. Họ gom mua gần như toàn bộ số cá ngần người dân ở đây đánh bắt được.
Chị bán cá cho biết, đầu vụ cá được bán với giá rất cao, giúp mọi người kiếm được một khoản rất khá. Nhưng dần đến giữa vụ thì giá rẻ đi một nửa, có khi là hai phần ba. Khi đó, thương lái mua cá đong bằng dạ như đong lúa, chứ không cân ký, khiến nhiều người dân chán nản.
Quyết không để thương lái ép giá, chị hàng cá đã liên hệ với một người họ hàng dưới xuôi bán giúp loài cá này. Nhờ được các mẹ, các chị ủng hộ, mua về chế biến nhiều món ăn ngon, mà mỗi ngày chị xuất đi cỡ nửa tạ cá.
Tôi tin những lời chị chia sẻ đều là sự thật, bởi chất người miền núi bao giờ cũng thật thà, đôn hậu. Thế nên, tôi quyết định mua cho chị 5 kg cá, gửi 4kg ở khách sạn đem về làm quà, còn 1 kg thì mang vào nhà Hiền, một người bạn cũ tôi từng gặp gỡ ở Hà Nội để thưởng thức.
Chỉ sau 1 giờ nấu nướng lúi húi dưới bếp, Hiền đã bưng lên một bát canh chua cá ngần kèm thêm ít rau sống và cơm trắng. Bát canh có màu vàng của cà chua, màu xanh của rau thơm, màu trắng của những con cá ngần chín tới đệm thêm hương hạt tiêu, mắc khén, hành phi thơm nức mũi.
Cơm nóng đã đơm, tôi vớt lấy vài con cá ngần, kẹp thêm ít rau diếp, rau mùi đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Hiền vội can, cá ngần không dành cho người ăn vội được, bởi nếu ăn nhanh thì không thể cảm nhận được hết cái thanh tao, trong trẻo của bát canh sông núi ban tặng.
Nghe Hiền nói, tôi hơi xấu hổ vì tính “ham ăn” của mình. Nhưng có trách thì trách mùi thơm của những nguyên liệu và gia vị miền đồng rừng, đã làm tôi không thể kiềm chế được chính mình.
Tôi nhón lấy một miếng khác đứa vào miệng nhưng lần này nhai chậm hơn. Mùi thơm, ngọt, dai, săn, không tanh lại lành của thịt cá hòa vào vị chua dịu mát của nước chan. Tất cả mềm tan nơi vòm miệng rồi cứ thế lan tỏa đi khắp các giác quan.
Bổ sung thêm một miếng cơm nóng sẽ tạo thành một hợp khúc dân dã, đậm đà khó quên. Khoái khẩu nhất là húp một thìa nước riêu chua ngọt béo bùi hòa vị. Lúc này, tôi mới cảm nhận được tận cùng hương vị món cá thanh tao mà sâu sắc đến lạ của sông Đà.
Với cá ngần, người ta ăn cơm cũng ngon, nhậu cũng tuyệt, mà ăn như món khai vị trong bữa tiệc cũng rất hợp lý. Mỗi món ăn có một vị riêng, nhưng những người sành ăn thì chẳng thể phủ nhận cái vị độc đáo đến lạ của món cá này.
Ngoài nấu canh, cá ngần còn có thể dùng làm chả. Thêm chút thịt nạc, rau thơm, lòng đỏ trứng gà đánh đều nặn thành miếng rán vàng. Chả cá ngần chấm nước mắm chanh tỏi, ăn nóng kèm bún hoặc cơm đều mang lại cảm giác trên cả tuyệt vời.
Người nào vội thì cho vào xào cùng với nước chua ngọt là có ngay món cá ngầm rim chua. Người nào sáng tạo thì làm ruốc hay kho tiêu cũng rất ngon. Còn tôi, tôi thích nhất món cá ngần trộn đều với bột chiên giòn, rán lên như bánh khoai. Thêm bát tương ớt và ít rượu thì lai rai cả ngày không dừng nổi.
Bảo sao mấy ông bạn đồng nghiệp cứ rảnh ra là đòi đi Tây Bắc. Hóa ra ở đây cất giấu toàn những món ăn khó quên thế này thì sao có thể chối từ cho được.
Buổi chiều ở miền núi đến sớm hơn và cũng lạnh hơn. Chỉ mới 3 rưỡi mà ông mặt trời đã giống như sắp ngủ. Tôi chia tay Hiền tìm xuống bến thuyền - nơi những người dân tộc Thái đang bắt đầu công cuộc mưu sinh bên dòng sông Mẹ. Dọc hai bên sông Đà, người không quá đông, nhưng chỗ nào có thuyền buôn thì chỗ ấy vội vã, tấp nập.
Dưới bến, một nhóm người đang xúc từng mẻ cá ngần mới cho vào những quanh gánh hoặc bao tải. Cá ở khúc nào người đó được. Lộc trời công bằng, chẳng ai tị nạnh ai. Ngay trên bờ là những chiếc xe tải đông lạnh đang chờ lấy hàng rồi đêm nay sẽ đi thẳng về xuôi. Cứ thế, sản vật của sông Đà theo chân du khách mà nức tiếng xa gần.
Vươn mắt nhìn ra xa, tôi bắt gặp những chiếc thuyền nhỏ bé, đơn sơ của người chài lưới đang neo đậu thảnh thơi. Đôi lúc lại gặp một thuyền máy ngược chiều, mái tôn sứt mẻ chất đầy cá chậm chạp về bến.
Đến nay, họ vẫn đánh bắt cá bằng những vật dụng thủ công như lưới, đó, đáy, đăng, giăng câu… Dòng sông Đà nước vẫn còn chảy tràn trong nắng chiều lấp lánh. Khung cảnh yên bình, dân dã của mùa nước nổi khiến ai từng một lần được ngắm nhìn đều phải nhớ thương.
Chỉ là một món ăn mới ở núi rừng, nhưng nó khiến tôi phải nhớ mãi về sông Đà, về một vùng lòng hồ thênh thang nơi dòng sông dừng lại. Lòng lại dặn dòng để dành một ngày tháng 2 nữa lên chơi, để lại được hít hà cái mùi cá sông rán vàng, ngây ngất trong một chiều xuân.
Bởi vậy mới nói, cá ngần giống như món quà dòng sông Đà ban tặng cho người dân các tỉnh Tây Bắc - những người đang bám vào sông nước mênh mông để tìm kế sinh nhai.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com