“Cá mập” gom vàng, nhà đầu tư nhỏ lẻ thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
Giá vàng tăng trở lại trước áp lực lạm phát tại Mỹ gia tăng, song với nhà đầu tư trong nước, mua vàng vẫn không có lợi, bởi sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
“Cá mập” gom vàng, nhà đầu tư nhỏ lẻ thận trọng

Giá vàng tăng trở lại

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ cho biết, hiện nay, dù nhà đầu tư không còn quá tập trung vào việc tìm kiếm “nơi trú ẩn” là vàng, nhưng cũng lo lắng về một giai đoạn lạm phát gia tăng khi các gói hỗ trợ ứng phó với Covid-19 dần phát huy tác dụng.

Diễn biến thị trường cho thấy, dòng tiền bắt đáy đổ vào thị trường vàng gần như ngay lập tức sau mỗi thời điểm lao dốc, cũng như tâm lý đón “sóng”. Vàng luôn được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh lạm phát cao và khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa thể đi qua.

Giá vàng bật tăng trở lại giữa tháng 4/2021, sau khi dữ liệu cho thấy, lạm phát tại Mỹ tăng mạnh đã làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng trong vai trò là hàng rào chống lạm phát và gây áp lực lên giá vàng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2021 tại Mỹ tăng mạnh nhất trong hơn 8 năm rưỡi, khiến các chuyên gia kinh tế dự báo về thời kỳ lạm phát cao.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tháng 3/2021 tăng 0,6% so với tháng 2 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này cao hơn dự kiến là CPI tăng 0,5% so với tháng 2 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát tăng đã thúc đẩy lợi tức trái phiếu Mỹ giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức khoảng 1,68%. Giá USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần, sau khi dữ liệu được công bố. Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, Mỹ đang ở “điểm uốn”, nền kinh tế sẽ bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo không nên mở lại nền kinh tế quá nhanh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp để tránh bùng phát dịch, một yếu tố có thể cản trở quá trình phục hồi.

Thêm một yếu tố khác hỗ trợ giá vàng là lo ngại gia tăng khi quan chức y tế Mỹ khuyến nghị tạm dừng sử dụng vắc-xin Covid-19 của Johnson & Johnson, trong khi số ca nhiễm Covid-19 chưa giảm.

Cơ hội cho vàng tăng giá

Vàng đã liên tục chịu sức ép trong năm 2021 khi các nhà đầu tư rời bỏ khỏi các quỹ ETF vàng, nhưng hoạt động của các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lên sẽ hỗ trợ kim loại quý này trong trung hạn. Hungary đã thông báo mua một lượng lớn vàng, trong khi Ba Lan cho biết họ sẽ còn mua vào trong một thời gian dài.

Với tầm ảnh hưởng của mình, động thái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ có tác động lớn tới giá vàng. Dù PBOC không công bố bất kỳ khoản tích lũy nào kể từ đợt mua vào năm 2018 - 2019, nhưng theo nguồn tin mới nhất của Reuters, các ngân hàng Trung Quốc mua vào một lượng rất lớn vàng thỏi, tới 150 tấn, lượng này trị giá tới 8,5 tỷ USD. Lượng vàng này sẽ được nhập về trong 4 và tháng 5 này. Đây có lẽ chính là lý do giúp giá vàng bật mạnh trở lại từ đầu tư tháng 4 sau khi giảm trong quý I/2021.

Trong khi đó, Nga có thể tiếp tục mua vàng nhờ giá dầu thô hồi phục, sau khi tạm dừng mua một năm trước.

Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, giá vàng đã giảm từ mức cao nhất mọi thời đại là hơn 2.087 USD/ounce vào tháng 8/2020, xuống mức thấp 1.680 USD/ounce thời gian qua. Tuy nhiên, các dự báo cho rằng, mặt hàng kim loại quý này vẫn có khả năng tăng, lan tỏa sức nóng trong thời gian tới khi kinh tế toàn cầu vẫn trong thời kỳ suy thoái và số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng.

Vàng vẫn được xem là hầm trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trên thế giới trong thời gian tới trước bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc. Các đánh giá đưa ra từ giới phân tích lĩnh vực vàng, khả năng mặt hàng kim loại quý này sẽ sớm chạm mốc 2.000 USD/ounce. Goldman Sachs Group nâng dự báo giá vàng lên ngưỡng 2.300 USD/ounce trong trung hạn. Chính điều này đã thôi thúc các nhà đầu tư trên thế giới tiếp tục tìm đến hầm trú ẩn an toàn là vàng, nhất là khi giá mặt hàng kim loại quý này giảm.

Khi vàng thế giới giảm mạnh, giá trong nước cũng giảm theo, nhưng nhỏ giọt hơn, khiến độ vênh giữa vàng quốc tế và Việt Nam lên đến 6,5 - 9 triệu đồng/lượng, làm không ít người mua vàng đầu năm nay đã bị lỗ đến 1-2 triệu đồng/lượng, khi vàng SJC mất mốc 55 triệu đồng/lượng. Việc không liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế đã dẫn đến tình trạng trên.

Đáng chú ý là, mức chênh lệch lên đến 9 triệu đồng/lượng gần đây đã khiến tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng cao, không loại trừ tình trạng gom USD nhập lậu vàng, dù việc kiểm soát biên mậu chống dịch Covid-19 rất chặt chẽ.

“Hiện tại, thị trường vàng trong nước không được liên thông với quốc tế và được kiểm soát theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, nên nguồn cung vàng trên thị trường hạn chế, chỉ có vàng SJC độc quyền, đẩy giá lên cao, người mua vàng chịu thiệt”, ông Trần Thanh Hải lý giải.

Trước hiện tượng vàng trong nước cao hơn giá quốc tế, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, vì nghị định này đã ra đời gần chục năm, nên cần có điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế thị trường.

Tin bài liên quan