Căng thẳng thương mại toàn cầu có khả năng sẽ chi phối bối cảnh hàng hóa vào năm 2025 khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng và những chính sách thuế quan mà ông áp dụng.
Đồng đô la mạnh và sức hấp dẫn của vàng như một kênh trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư có khả năng hỗ trợ giá kim loại quý, trong khi nguồn cung dồi dào có thể khiến giá dầu giảm trong năm thứ ba liên tiếp.
Giá ca cao gần như đã tăng gấp ba lần trong năm 2024, vượt xa mức tăng của các hàng hoá khác. Giá ca cao tại New York đã đạt mức cao kỷ lục là 12.931 USD/tấn vào đầu tháng này do dự báo nguồn cung sẽ thấp hơn trong mùa vụ thứ tư liên tiếp ở Tây Phi sau thời tiết khô hạn.
"Các mặt hàng trồng trọt, dẫn đầu là ca cao và cà phê là mặt hàng tăng giá mạnh nhất năm trong bối cảnh thời tiết bất lợi ở các vùng trồng trọt chính, làm nổi bật rủi ro về giá khi các sản phẩm như thế này được sản xuất và có nguồn gốc từ các khu vực địa lý tương đối nhỏ", Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết.
Các nhà sản xuất ca cao hàng đầu là Bờ Biển Ngà và Ghana đã phải chịu mất mùa do thời tiết bất lợi, bệnh đậu, buôn lậu và diện tích đồn điền giảm để khai thác vàng bất hợp pháp.
Tình trạng khô hạn cũng làm căng thẳng nguồn cung cà phê. Giá cà phê Arabica đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 40 năm do lo ngại rằng hạn hán nghiêm trọng vào đầu năm nay đã làm hỏng vụ mùa sắp tới của nhà sản xuất hàng đầu là Brazil.
Trong khi đó, giá dầu thô và kim loại lại phải đối mặt với những trở ngại vào năm 2024 khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước mua hàng hóa hàng đầu Trung Quốc đã gặp khó khăn chủ yếu do cuộc khủng hoảng bất động sản.
Các nhà phân tích cho biết dầu Brent và WTI có thể ghi nhận mức giảm năm thứ ba liên tiếp vào năm 2025 do nguồn cung vượt xa sự phục hồi của nhu cầu, mặc dù các chính sách của ông Trump đối với các nhà sản xuất lớn là Nga và Iran có thể hạn chế nguồn cung.
Các nhà phân tích ước tính rằng công suất dự phòng trong OPEC đã đạt mức cao chưa từng có là 5 triệu thùng/ngày và liên minh này cũng đã kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến hết tháng 3/2025.
"Con đường tồn kho ảm đạm vào năm tới cho thấy OPEC+ sẽ gặp thách thức trong việc đưa dầu trở lại thị trường", Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Onyx Capital Group cho biết.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc đã phục hồi trong những tháng gần đây nhưng vẫn giảm 15% trong năm nay. Các nhà phân tích cho biết giá quặng sắt có thể giảm trở lại vào năm tới khi nguồn cung quặng sắt tăng và nhu cầu thép của Trung Quốc giảm, bất chấp các biện pháp kích thích của nước này.
"Chúng tôi dự kiến nguồn cung quặng sắt từ các công ty khai thác lớn sẽ tăng cao hơn năm 2024, nhưng sản lượng thép tại Trung Quốc có khả năng sẽ giảm", Pei Hao, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới Freight Investor Services cho biết.
Mặt khác, giá vàng và bạc đã tăng hơn 25% vào năm 2024 và có thể tăng cao hơn nữa trong năm tới tùy thuộc vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và chính sách thuế quan, thuế và đối ngoại của chính quyền ông Trump.
"Vàng là mặt hàng nổi bật nhất đối với chúng tôi vào năm 2025", Warren Patterson, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa của ING cho biết.
Đối với các mặt hàng nông nghiệp, giá dầu cọ tương lai của Malaysia đã tăng khoảng 20% vào năm 2024, chấm dứt hai năm giảm giá liên tiếp do ảnh hưởng từ lệnh bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học của Indonesia và thời tiết bất lợi ở nước này và Malaysia.
Thời tiết đe dọa mùa màng cũng thúc đẩy giá cao su tương lai ở Nhật Bản tăng 42%.
Ngược lại, đậu nành, ngô và lúa mì có nguồn cung dồi dào, tất cả đều giảm giá vào năm 2024. Tuy nhiên, giá lúa mì có thể tìm thấy một số động lực hỗ trợ giá vào năm 2025 khi thời tiết ấm hơn ở nước xuất khẩu lớn nhất Nga đe dọa làm giảm sản lượng.
Nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu Brazil đang chuẩn bị cung cấp lượng đậu nành kỷ lục vào năm 2025, nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc nếu chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại diễn ra.