C.P được gì khi trở thành cổ đông lớn tại Sao Ta (FMC)?

0:00 / 0:00
0:00
Với tham vọng chi phối toàn bộ thị trường thực phẩm tại Việt Nam và xuất khẩu, nước cờ của CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam khi mua lượng lớn cổ phần của Thực phẩm Sao Ta không đơn giản.
Nhà máy thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam

Nhà máy thức ăn chăn nuôi C.P Việt Nam

Bất ngờ “sang tay”

Từ chỗ không nắm giữ cổ phần nào, CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã trở thành cổ đông nắm 16,56% cổ phần của CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC - HOSE), đơn vị thành viên CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group).

Cụ thể, chỉ trong 2 ngày 11-12/10, C.P Việt Nam đã chi 487 tỷ đồng, mua lần lượt 4,35 triệu và 5,4 triệu cổ phiếu FMC. Trong đó, 4,35 triệu cổ phiếu FMC do C.P Việt Nam mua gom từ các cổ đông, 5,4 triệu cổ phiếu còn lại mua từ The PAN Group.

Đáng chú ý, hồi tháng 6, The PAN Group đăng ký mua gần 6 triệu cổ phiếu FMC. Khi đó, cổ đông này lý giải việc gia tăng sở hữu tại Sao Ta được thực hiện theo phương án tái cấu trúc sở hữu mảng kinh doanh thực phẩm của PAN.

Cùng với việc tái cơ cấu mảng kinh doanh thực phẩm, PAN cũng thông qua phương án đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Thực phẩm An Khang. PAN đầu tư 100 tỷ đồng tiền mặt vào công ty này và sở hữu trực tiếp 28,57% cổ phần. Công ty Thực phẩm An Khang sẽ tăng vốn lên 350 tỷ đồng để đầu tư nhà máy chế biến sâu cho tôm và đầu tư vùng nuôi tôm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.

Đáng chú ý, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng ngành tôm vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 3,7 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019. Xuất khẩu tôm của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 296.800 tấn, trị giá 2,72 tỷ USD, tăng 1,15% về lượng và tăng 2,42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020

Liên quan đến động thái thay đổi các cổ đông nói trên, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho hay, việc các nhà đầu tư chọn đối tác là điều bình thường trong kinh doanh.

“Riêng C.P Việt Nam đầu tư vào Sao Ta, tôi nghĩ là một ý định hợp tác nhằm chia sẻ thế mạnh của các bên”, ông Lực nói.

Thế mạnh của Sao Ta là nuôi tôm và chế biến tiêu thụ tôm. Trong khi C.P Việt Nam đầu tư nhiều mảng trong chăn nuôi, riêng mảng tôm, C.P Việt Nam đang dẫn đầu thị phần về con giống và thức ăn tôm.

Theo ông Lực, thời gian qua, C.P Việt Nam và Sao Ta không phải là đối thủ của nhau. Ngược lại, Sao Ta là khách hàng mua nhiều tôm giống và thức ăn tôm từ C.P Việt Nam. Chưa biết C.P Việt Nam sẽ mua gom thêm cổ phần của Sao Ta hay không, nhưng ông Lực cho rằng, nếu C.P Việt Nam là cổ đông chiến lược, chắc chắn sẽ hỗ trợ tôm giống tốt và thức ăn cho Sao Ta mạnh mẽ hơn trước.

“C.P sẽ tác động tích cực tới Sao Ta, chủ yếu ở tầm chiến lược”, ông Lực khẳng định.

Cần phải nhắc lại rằng, Sao Ta đã rất khởi sắc sau giai đoạn The PAN Group trở thành cổ đông chi phối từ năm 2017, sau khi mua phần vốn từ Công ty Hùng Vương (HVG).

Cụ thể, doanh thu Sao Ta tăng trưởng từ mức 3.262 tỷ đồng năm 2017, lên 4.433 tỷ đồng năm 2020, lợi nhuận gần gấp đôi sau 4 năm, từ 122 tỷ đồng lên 226 tỷ đồng. 9 tháng của năm 2021, Sao Ta đạt doanh thu gần 152 triệu USD.

Đầu năm 2021, Sao Ta có thêm Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An cùng 2 nhà máy mới. Sao Ta đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ tăng gấp đôi diện tích nuôi tôm, lên 270 ha để tăng cạnh tranh và chủ động nguồn nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc. Điều này sẽ giúp đơn vị có lợi thế hơn, nhằm tranh thủ mọi cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng quy mô kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động.

Mảnh ghép chiến lược hoàn thiện chuỗi sản xuất

Cuối năm 2018, C.P Việt Nam tuyên bố sẽ đầu tư mạnh tay hơn vào mảng gia cầm và tôm, nhằm mục tiêu công suất 1 triệu tấn tôm, xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Anh, Australia, Trung Quốc và châu Âu...

Năm 2019, Charoen Pokphand Foods (CP Foods) công bố sẽ đầu tư 30 tỷ baht (977 triệu USD) cho các nhà máy ở nước ngoài nghiên cứu và phát triển. Đây là một trong những nỗ lực của CP Foods nhằm đẩy mạnh sản xuất ở thị trường nước ngoài.

Khi đó, ông Prasit Boondoungprasert, CEO CP Foods chia sẻ về chiến lược kinh doanh mới. CP Foods đặt mục tiêu nâng doanh thu hàng năm lên 800 tỷ baht trong vòng 5 năm, từ mức 555,5 tỷ baht của năm 2018. Doanh thu tại các thị trường nước ngoài dự kiến chiếm tỷ trọng 75% vào năm 2024.

Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ 3 của CP Foods. Việc trở thành cổ đông chiến lược của Sao Ta là bước đi trong chiến lược hoàn thiện chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi heo, gia cầm và sản xuất thực phẩm của C.P Việt Nam.

Thông qua M&A, CP Foods ngày càng bành trướng quy mô tại thị trường Việt Nam. Với 16 nhà máy, trong đó có 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, tổng công suất 4,2 triệu tấn/năm, C.P Việt Nam đã nắm giữ 20% thị phần thức ăn chăn nuôi và 15% sản lượng thịt từ các trang trại Việt Nam.

Với mô hình từ nông trại đến bàn ăn của CP Group giúp doanh nghiệp này thu về hàng tỷ USD doanh thu tại Việt Nam. Theo báo cáo của CP Group công bố tháng 3/2021, trong năm 2020, Việt Nam mang về hơn 3,45 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng doanh thu của Tập đoàn. Trong đó, riêng mảng chăn nuôi mang về cho C.P Việt Nam số tiền khoảng 2,4 tỷ USD.

Tin bài liên quan