Chứng khoán là lĩnh vực hàm chứa rủi ro và kỳ vọng rất lớn.

Chứng khoán là lĩnh vực hàm chứa rủi ro và kỳ vọng rất lớn.

Buồn vui nghề CEO chứng khoán

(ĐTCK) Trong lĩnh vực chứng khoán, con đường dẫn đến những thành công khó có thể trải hoa hồng. Thế nhưng, đam mê và nhiệt huyết đã giúp họ, những CEO của khối công ty chứng khoán bước qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường. 

Nghề của những áp lực

Nghề nào chẳng có áp lực, nhưng với lĩnh vực biến động lên xuống liên tục tính từng phút như chứng khoán, áp lực với người đứng đầu công ty chứng khoán chắc hẳn lớn hơn nhiều nghề khác.

CEO một công ty chứng khoán trực thuộc khối ngân hàng cho rằng, chứng khoán là lĩnh vực hàm chứa rủi ro và kỳ vọng rất lớn, do vậy, áp lực thường xuyên và lớn nhất của vị trí CEO công ty chứng khoán là phải thoả mãn kỳ vọng của các “ông chủ” về mặt hiệu quả kinh doanh, trong khi vẫn phải đảm bảo kiểm soát được rủi ro trong hoạt động của công ty.

“Mỗi người quản lý đều có phương pháp riêng để vượt qua áp lực này. Với cá nhân tôi thì việc nhận diện rủi ro để xây dựng các hệ thống quản lý, ngăn chặn được ưu tiên hàng đầu.

Kinh doanh chứng khoán là luôn phải thay đổi, thậm chí nếu không thay đổi sẽ tự giết mình   

Bởi kiểm soát được rủi ro hoạt động thì mới có khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh được giao. Mỗi lần vượt qua những áp lực đó, chúng tôi lại cảm thấy như sức sáng tạo lại tăng thêm”, vị CEO này nói và cho biết thêm, môi trường cạnh tranh trong ngành chứng khoán luôn khốc liệt, nên để quản lý thành công, các CEO phải tự nâng cấp bản thân, từ trình độ quản lý, nghiên cứu và dự báo xu hướng vận động và phát triển của thị trường để có thể có các định hướng hoạt động chuẩn xác và hiệu quả nhất.

Khối công ty chứng khoán đã trải qua quá trình tái cấu trúc, một số công ty chứng khoán được hình thành dựa trên sự hợp nhất. Trong tình huống này, dù công ty cũ có tuổi đời lâu năm, sau hợp nhất vẫn là một thực thể mới, hầu như phải xây lại từ đầu. MBS là một trường hợp như vậy.

Nhớ lại ngày đầu nhận chiếc ghế CEO MBS, khi Công ty mới được hợp nhất, ông Trần Hải Hà chia sẻ, cảm giác rất áp lực. “Tôi luôn xác định chứng khoán là một nghề khó khăn, đòi hỏi một sự kiên trì và thấu hiểu thị trường mới có thể điều hành tốt”, ông Hà nói.

Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cũng được hình thành từ việc sáp nhập Công ty Chứng khoán VIS với Công ty Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC).

Ông Dương Kỳ Hiệp, Tổng giám đốc VIS bộc bạch: “Những lúc căng thẳng quá độ trong công việc, tôi thường ngồi lại với nhóm công sự của mình, cùng nhau chia sẻ để tìm hướng đi. Thị trường có lúc thăng, lúc trầm, có lúc thuận lợi nhưng cũng có nhiều thời điểm khó khăn. Nhưng quan trọng, dù ở hoàn cảnh nào là chúng tôi thường nhìn nhận vấn đề với thái độ tích cực”. 

Thay đổi hay là chết

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có gần 20 năm phát triển, sau nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường, khối công ty chứng khoán có sự sàng lọc mạnh mẽ. Miếng bánh thị phần môi giới của thị trường đã được định hình bởi những “ông lớn”, khi Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất luôn chiếm trên dưới 70% thị phần.

Những công ty chứng khoán ở Top sau muốn cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường buộc phải đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực quản trị rủi ro, linh hoạt trong kinh doanh. Đội ngũ nhân viên công ty chứng khoán không đơn thuần là môi giới giao dịch, mà được nâng cấp thành chuyên viên tư vấn đầu tư.

“Kinh doanh chứng khoán là luôn phải thay đổi, thậm chí nếu không thay đổi sẽ tự giết mình” là tâm sự của một CEO ngành chứng khoán.

CEO ngành chứng khoán đôi khi phải mang “hai dòng máu”: Nhà điều hành quản trị kết hợp chuyên viên cao cấp phân tích tư vấn đầu tư.

Ông Hiệp chia sẻ, người làm CEO cần hài hòa nhiều yếu tố và luôn giữ lửa trong công ty. Bởi đối với ngành chứng khoán, nếu không có nhiệt huyết và tinh thần học hỏi mỗi ngày sẽ không thể sống được với nghề.

Bà Hoàng Hải Anh, CEO Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), một trong những nữ CEO hiếm hoi trong ngành chứng khoán cho rằng, chứng khoán vốn không dành cho những người “giậm chân tại chỗ”.

Người đứng đầu công ty chứng khoán luôn phải trăn trở, suy tính đường lối, chiến lược hoạt động cho công ty, bởi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của các biến động chỉ số thị trường.

Ngoài ra, công ty chứng khoán hướng tới các sản phẩm tài chính mới, đặc thù tạo lợi thế cạnh tranh bền vững theo phân khúc khách hàng đầu tư, chứ không còn giành giật thị phần thông qua các chính sách margin mang nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tin bài liên quan