Lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện ở mức cao nhất so với các năm trước đây

Lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện ở mức cao nhất so với các năm trước đây

Bước tiếp theo cần làm gì để chống đô la hóa?

(ĐTCK) Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank nhận định, tỷ giá trong thời gian tới sẽ không có nhiều biến động. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất USD về 0% là một biện pháp hiệu quả để chống tình trạng đô la hóa, hướng mọi giao dịch USD chuyển qua quan hệ mua bán, thay vì quan hệ vay mượn như trước. 

Có những quan ngại nhất định khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất khiến giá trị đồng USD tăng lên, từ đó có thể khiến tỷ giá VND/USD tăng thêm trong thời gian tới. Ông nhận định về điều này thế nào?

Việc Fed tăng lãi suất đồng USD vừa qua đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo trước và đưa vào các quyết định về điều hành tỷ giá. Tỷ giá giữa VND và USD trong vài ngày qua ở mức cao chủ yếu là do yếu tố tâm lý bởi thực tế cho thấy, cung cầu trên thị trường cơ bản là ổn định, nguồn cung ngoại tệ luôn đảm bảo.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 dự kiến đạt 6,7% là mức tăng tốt nhất trong những năm gần đây và là mức tăng tốt trong khu vực. Đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng, đặc biệt sẽ có triển vọng lớn trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ngoài ra, lượng kiều hối về Việt Nam năm nay dự kiến đạt 13 tỷ USD. Bên cạnh đó, lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện ở mức cao nhất so với các năm trước đây.

Công cuộc tái cấu trúc các ngân hàng thương mại trong thời gian qua đã đạt kết quả khả quan, hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay mạnh hơn nhiều so với trước, “khỏe” và thanh khoản tốt. Đặc biệt, chính sách của NHNN về chống đô la hóa đạt hiệu quả cao, do vậy biến động mạnh về tỷ giá trong thời gian tới là khó xảy ra.

Ông Lê Thành Trung
 

Sau khi Fed tăng lãi suất, NHNN đã cam kết sẽ giữ ổn định tỷ giá. Nhưng một cam kết dài hơi hơn tỏ ra không dễ dàng, vì không chỉ Fed tăng lãi suất, mà đồng Việt Nam còn chịu tác động từ nhiều yếu tố khác, chẳng hạn Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Theo ông, yếu tố nào là đáng chú ý trong vấn đề tỷ giá thời gian tới?

Việc điều hành tỷ giá là vấn đề tổng hợp nhiều công cụ điều hành liên quan, căn cứ tình hình quốc tế và trong nước. Dự báo trong năm tới, nếu Fed tăng lãi suất cũng sẽ tăng có lộ trình, không đột biến. Điều này là yếu tố để tỷ giá giữa VND và USD không biến động mạnh.

Thực hiện nhất quán chính sách chống đô la hóa, việc NHNN điều chỉnh lãi suất USD về 0% vừa qua là phù hợp. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, tỷ giá sẽ ổn định. Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Fed tăng lãi suất khiến nhiều người quan ngại sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.

"Ngoại tệ không phải là đồng tiền để thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng người dân vẫn có thể nắm giữ ngoại tệ như là một tài sản".

Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì chúng ta có thể thấy, không chỉ có 2 yếu tố trên tạo áp lực lên tỷ giá, mà quan trọng nhất vẫn là cơ chế kinh tế thị trường và quan hệ cung cầu. Điều này đã được NHNN tính toán để điều hành tỷ giá, chứ không chỉ tác động bởi sức ép từ các yếu tố trên thị trường quốc tế thời gian qua.

Một vấn đề khác, sự tác động của chính sách giảm lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ về 0%/năm sẽ là như thế nào, theo ông?

Ngoại tệ không phải là đồng tiền để thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng người dân vẫn có thể nắm giữ ngoại tệ như là một tài sản. Hiện tại, nắm USD sẽ không được hưởng lãi suất như khi gửi tiết kiệm tiền đồng (khoảng 5,5 - 7%/năm) và khả năng sắp tới có thể phải trả phí cho việc gửi ngoại tệ.

Về lâu dài, xét trên bình diện lợi ích quốc gia thì việc đưa lãi suất USD về 0%/năm là đúng đắn, mọi giao dịch USD sẽ chuyển qua quan hệ mua bán, chứ không phải quan hệ vay mượn như trước, tình trạng đô la hóa sẽ được giải quyết triệt để hơn.

Vay mượn có nghĩa là khi người dân đem USD tới gửi ngân hàng, ngân hàng vay của người dân và cho DN vay để sản xuất - kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa, máy móc, thiết bị… Nhưng để chống tình trạnh đô la hóa hiệu quả thì dần dần phải bỏ việc vay mượn USD này, mà chuyển qua quan hệ mua bán.

Việc đáp ứng tốt các nhu cầu ngoại tệ chính đáng và hợp pháp của người dân và DN như thanh toán phí chữa bệnh, du học ở nước ngoài, nhập khẩu hàng hóa..., cộng với việc tiền đồng đang ngày càng trở lên có giá trị và việc nắm giữ tiền đồng là có lợi sẽ khuyến khích các cá nhân, tổ chức bán USD cho ngân hàng, nguồn cung hay huy động USD của ngân hàng sẽ không giảm.

Một câu hỏi là nhiều DN hiện vẫn vay ngoại tệ để nhập khẩu, nếu chuyển sang quan hệ mua bán thì có khó khăn gì không?

Nếu một DN nhập khẩu máy móc không vay được ngoại tệ để thanh toán cho đối tác, thì DN đó có thể vay VND, sau đó mua ngoại tệ. Các ngân hàng sẵn sàng bán USD cho những DN có nhu cầu để thanh toán nhập khẩu hàng hóa, nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Có như vậy thì mới chống được tình trạng đô la hóa, khi mọi giao dịch về ngoại tệ được chuyển qua quan hệ mua bán. Trước kia, vay ngoại tệ tăng mạnh chủ yếu là do chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và cho vay USD.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của NHNN, trong thời gian qua, lãi suất VND đã giảm rất nhiều so với 5 năm trước và NHNN tiếp tục yêu cầu các NHTM tăng cường hiệu quả kinh doanh, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm thêm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn, giảm thêm khoảng 0,25 - 0,5%/năm sẽ rất tốt. Thực tế, trong thời gian qua, tín dụng ngoại tệ giảm mạnh .

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá biến động trong thời gian gần đây một phần do tác động bởi cung cầu ngoại tệ của DN, nhất là khi nhu cầu thanh toán tăng trong dịp cuối năm?

Tỷ giá biến động trong thời gian qua chủ yếu là do tâm lý bị ảnh hưởng. Còn thực tế, nhu cầu của thị trường cũng như cung cầu ngoại tệ không chênh lệch nhiều. Nhiều người cho rằng, chênh lệch cung cầu ngoại tệ cuối năm sẽ tác động và tạo áp lực lên tỷ giá, nhưng thực tế không như lo ngại.

Cung ngoại tệ vẫn ổn định, do các tháng cuối năm, xuất khẩu của Việt Nam rất tốt, kiều hối và vốn FDI chảy vào Việt Nam được giữ vững. Trong thời gian tới, Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội trong việc thu hút các nguồn vốn này.

Trong khi đó, cầu ngoại tệ chủ yếu ở lĩnh vực thanh toán hàng nhập khẩu và một phần thanh toán các loại phí liên quan đến ngoại tệ như phí du học, chữa bệnh...

Còn đối với trả nợ nước ngoài, Chính phủ đã có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế, thu hút nguồn ngoại tệ. Chính vì vậy, việc tỷ giá biến động trong thời gian qua chủ yếu là to tác động bởi yếu tố tâm lý, chứ không phải tỷ giá thực sự tăng.

Tin bài liên quan