Bước tiến mới của M&A 2011

Bước tiến mới của M&A 2011

(ĐTCK-online) M&A Vietnam là diễn đàn thường niên duy nhất về mua bán và sáp nhập DN tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư và Avalue Vietnam đồng phối hợp tổ chức, bắt đầu từ năm 2009. Qua hai lần tổ chức, Diễn đàn thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách cũng như cộng đồng DN. Tiếp nối những thành công, sáng 9/6 Diễn đàn M&A Vietnam 2011 đã khai mạc tại TP. HCM. Hơn 400 ghế ngồi tại khán phòng chính Trung tâm hội nghị WhitePlace đã không còn chỗ trống.

Nhận diện thêm các rào cản

Trong hai cuộc hội thảo trước đây, một số thủ tục pháp lý được nhận diện là rào cản cho hoạt động M&A đã được đem ra thảo luận, mổ xẻ. Năm nay, đứng trên góc độ nhà tư vấn nội địa tư vấn nhiều thương vụ M&A thành công nhất, ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) tiếp tục nêu thêm một số bất cập, ngăn cản sự mở rộng của hoạt động này. Chẳng hạn, hiện nay vẫn có sự phân biệt đối xử giữa DN tư nhân và khối DNNN. Sự phân biệt này gây ra các khó khăn đáng kể cho việc luân chuyển và chuyển nhượng vốn ở khối kinh tế tư nhân vốn năng động nhất hiện nay. Thời gian qua hầu hết thương vụ chào mua công khai đã được âm thầm thu xếp giữa các cổ đông lớn. Việc công bố thông tin sau đó chỉ mang tính hình thức, đối phó với cơ quan quản lý. Vì vậy, các cơ quan ban hành chính sách cần lưu ý về thực tế này để có thể bảo vệ quyền lợi các NĐT nhỏ.

Trên góc độ cơ quan quản lý, ông Hồ Sỹ Hùng (Cục trưởng Cục Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu quan điểm, xét trên khía cạnh pháp lý, các thương vụ M&A hiện nay đã đủ “đất” để tiến hành. Việc hoàn thiện thêm về luật lệ chỉ thúc đẩy các thương vụ M&A được tiến hành nhanh hơn. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK nhận xét, so với các lĩnh vực khác, hoạt động M&A qua TTCK thuận lợi hơn do được điều chỉnh, quy định phần lớn trong Luật Chứng khoán. 

Đại diện của Bloomberg, ông Nitil Jaiswal nhận xét, hoạt động M&A ở Việt Nam đang phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, có một số tồn tại cần giải quyết để thu hút NĐT quốc tế. Chẳng hạn, Việt Nam không có các DN đủ lớn để thu hút các định chế tài chính lớn. Vì vậy, các DN nhỏ ở Việt Nam cần liên kết thành công ty lớn để thu hút sự quan tâm hơn của giới đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam cần minh bạch hơn trong các báo cáo tài chính và báo cáo thường niên để các NĐT bên ngoài quan tâm có đủ thông tin tổng quan, hình thành các ý tưởng hoạt động M&A.

 

Dự báo và triển vọng hoạt động M&A

Dù vậy, ông Mayooran Elalingam đánh giá, gần đây các NĐT quốc tế đã bày tỏ mối quan tâm hơn đến Việt Nam so với 2 năm trước qua một loạt câu hỏi nêu lên qua các cuộc tiếp xúc: Cách thức thâm nhập thị trường Việt Nam như thế nào? Đâu là công ty tốt, lĩnh vực nào hấp dẫn để đầu tư? Các giao dịch sẽ được tiến hành như thế nào? Theo ông Mayooran Elalingam, con số giá trị giao dịch M&A năm qua ở Việt Nam vào khoảng 2 tỷ USD là khá khiêm tốn so với khu vực. Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố thời gian, giá trị các thương vụ đang tăng lên cho thấy hoạt động M&A được quan tâm hơn.

Theo quan điểm của ông Tô Hải, hoạt động M&A trong năm 2011 sẽ tiếp tục có các bước tiến mới. Về mặt hình thức, theo ông Hải, hình thức chào mua công khai sẽ nở rộ. Chuyên gia của VCSC đưa ra dự báo, hoạt động M&A trong nước thời gian tới vẫn tập trung vào việc tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty, hoạt động chào mua công khai, các công ty nhỏ có tài sản lớn nhưng hiệu quả kinh doanh thấp sẽ là đối tượng bị thâu tóm. Xu hướng M&A phổ biến là sáp nhập mở rộng (tăng thị phần, quy mô và danh mục sản phẩm) thay vì sáp nhập chiều dọc (hướng tới tiết giảm chi phí). Nét mới trong năm 2010 tiếp tục diễn tiến trong năm 2011 là việc nhiều DN Việt Nam thực hiện các thương vụ M&A ở bên ngoài lãnh thổ.

Một chủ đề được quan tâm thảo luận tại hội nghị năm nay là hoạt động M&A trên TTCK. Về số phận các CTCK nhỏ - chủ đề nóng hiện nay, ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc CTCK VPBank đánh giá, trái với các dự báo lạc quan, hoạt động M&A các CTCK nhỏ không diễn ra nhiều. Thứ nhất, xét về thị phần môi giới, hơn 80% CTCK hiện nay chiếm thị phần không đáng kể, nên việc sáp nhập gia tăng giá trị không đáng kể với các CTCK lớn. Thứ hai, công nghệ của các CTCK nhỏ khá lạc hậu nên hoàn toàn không tương thích với các CTCK lớn. Thứ ba, khách hàng và nhân sự chứng khoán có sự gắn kết và biến động rất nhạy  cảm với sự thay đổi của CTCK. Ông Dũng dự báo, hoạt động M&A các CTCK sẽ chỉ diễn ra theo hai xu hướng: thứ nhất, các ngân hàng thâu tóm CTCK phục vụ cho chính khách hàng của mình. Thứ hai, các định chế tài chính quốc tế mua lại các CTCK trong nước để làm bàn đạp tiến vào thị trường Việt Nam.

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực Sở GDCK TP. HCM đã nêu một nhận xét đáng tham khảo. Theo ông Trà, không có công thức màu nhiệm nào cho một giao dịch M&A. Cũng như bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác, mỗi giao dịch M&A có những logic, chiến lược riêng. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới phân nửa thương vụ M&A phá hủy giá trị DN thay vì tạo ra các giá trị mới. Những thương vụ M&A dựa trên các ý tưởng và mục tiêu mơ hồ là nguyên nhân cốt lõi của các giao dịch thất bại.