Nhiều chứng quyền tăng hơn 100%
Thị trường chứng quyền kể từ đầu tháng 12/2020 cho tới 20/1/2021 trải qua 35 phiên, trong đó 70% thời gian này, giá nhiều chứng quyền đóng cửa trong trạng thái tăng điểm mạnh. Thanh khoản thị trường tăng vọt và lập kỷ lục mới, bình quân các phiên trong tháng 1/2021 đạt 126 tỷ đồng, gấp 1,56 lần tháng 12/2020.
Hiện thị trường có 113 mã chứng quyền đang niêm yết, trong đó 100% số mã niêm yết giữa tháng 1 ở trạng thái lãi so với phiên chào sàn. Các mã chứng quyền đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư thường có cổ phiếu cơ sở là HPG, MSN, VPB, STB, TCB...
Đại diện HSC cho biết, thị trường cơ sở tăng điểm và giao dịch sôi động, đặc biệt trong giai đoạn tháng 12/2020 và 2 tuần đầu tháng 1/2021, đã dẫn đến sự bùng nổ của thị trường chứng quyền.
Thanh khoản và giá trị giao dịch chứng quyền liên tục thiết lập kỷ lục mới, dù trước đó có mức tăng trung bình 45%/tháng về giá trị giao dịch kể từ tháng 8/2020. Thanh khoản của thị trường chứng quyền trong tháng 12/2020 đạt 1.900 tỷ đồng, tương đương hơn 82 tỷ đồng/ngày, tăng 53% so với mức 54 tỷ đồng/ngày của tháng 11/2020.
Theo HSC, mức tăng trưởng của thị trường chứng quyền đã tạo động lực cho các nhà phát hành triển khai niêm yết các mã chứng quyền mới đều đặn hơn, với số lượng nhiều hơn, sau khi các mã cũ đáo hạn. Số lượng mã chứng quyền niêm yết tính đến cuối năm 2020 đạt 120 mã, gấp ba lần con số 40 mã thời điểm cuối năm 2019.
Lợi nhuận trung bình một mã chứng quyền là 130% nếu mua vào ngày 1/12/2020 và bán ra ngày 15/1/2021.
Sau một thời gian giao dịch, các nhà đầu tư đã có chiến lược phù hợp với sản phẩm chứng quyền.
Hầu hết nhà đầu tư không tham gia mua chứng quyền từ giai đoạn phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) vì e ngại rủi ro thay đổi giá chứng khoán cơ sở trong thời gian chờ niêm yết. Tuy nhiên, đa số mã chứng quyền đều có giao dịch sôi động ngay từ những ngày đầu niêm yết, thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư đối với sản phẩm này ở mức cao, đặc biệt khi họ đã quen với việc nhận được những tỷ suất lợi nhuận đặc biệt hấp dẫn từ chứng quyền trong thời gian trước đó.
Chứng quyền có mức sinh lời hấp dẫn do tính đòn bẩy cao trong khi chứng khoán cơ sở tăng giá mạnh. Chỉ cần chứng khoán cơ sở có một phiên tăng trần (+7%) là giá chứng quyền tăng 20 - 30%. Theo thống kê của HSC, lợi nhuận trung bình một mã chứng quyền là 130% nếu mua vào ngày 1/12/2020 và bán ra ngày 15/1/2021.
“Hoảng hồn” với phiên 19/1
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán MB, phiên 19/1/2021, thị trường chứng quyền chịu ảnh hưởng lớn từ áp lực bán mạnh ở thị trường cơ sở khi toàn bộ 21 cổ phiếu cơ sở đều giảm giá, khiến phần lớn các mã chứng quyền đều trong trạng thái giảm.
Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận một số nhóm nhà đầu tư từng rủ nhau mua chứng quyền vì thấy giá vốn bỏ ra thấp hơn nhiều so với việc mua chứng khoán cơ sở, cơ hội thu lãi gấp nhiều lần so với chứng khoán cơ sở.
Sau đó, chứng quyền mang lại lợi nhuận lớn, nhưng các nhà đầu tư này có phần hoảng loạn khi thị trường cơ sở đột ngột giảm giá mạnh trong phiên 19/1/2021, bởi giá chứng quyền cũng lao dốc.
Ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh SSI cho biết, chứng quyền không được giao dịch trên tài khoản ký quỹ nên nhà đầu tư không bị lệnh gọi (call margin), tức bổ sung tài sản ký quỹ trong trường hợp thị trường giảm mạnh trong một vài phiên. Đây là lợi điểm của sản phẩm chứng quyền so với vay ký quỹ để giao dịch cổ phiếu.
Mặc dù vậy, khi chứng quyền đáo hạn, nếu điểm hòa vốn của chứng quyền thấp hơn thị giá bình quân trong 5 phiên của chứng khoán cơ sở liền trước đó thì nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ khoản vốn đầu tư, vì chứng quyền không còn giá trị.
Với những nhà đầu tư đã mua chứng quyền từ lâu và có lãi lớn, thì trong phiên điều chỉnh 19/1, họ có xu hướng giữ lại chứng quyền thay vì bán tháo như một số nhà đầu tư ít kinh nghiệm, với hy vọng thị trường sẽ tăng trở lại, bởi thời gian đáo hạn của chứng quyền còn nhiều. Giống như trên thị trường cơ sở, giá giảm mạnh khiến không ít người “bắt đáy” chứng quyền và các mã đang ghi nhận mức tăng lớn trong 2 phiên sau đó là CFPT2016 (25%), CTCB2013 (20%), CVPB2016 (25%)...
Đại diện HSC chia sẻ, đa số các mã chứng quyền đang niêm yết ở trạng thái lãi so với phiên chào sàn và nhiều nhà đầu tư có lãi lớn. Do vậy, phiên điều chỉnh ngày 19/1 chỉ làm giảm lãi, chứ chưa rơi vào trạng thái lỗ, buộc phải bán. Các chứng quyền dựa trên cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, công nghệ… là địa chỉ thu hút dòng tiền.
Lưu ý khi đầu tư
Do thị trường cơ sở có diễn biến tăng trong thời gian dài, kéo theo giá chứng quyền tăng cao, mang lại mức sinh lời lớn, nên một vài phiên điều chỉnh chủ yếu khiến nhà đầu tư giảm lãi, chứ chưa thua lỗ. Không ít mã chứng quyền vẫn đang được nhìn nhận sẽ mang lại cơ hội sinh lời trong thời gian tới, trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam năm 2021 được đánh giá tích cực so với khu vực châu Á cũng như thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Thông, hiện tại, các tổ chức phát hành chỉ được niêm yết chứng quyền mua và nhà đầu tư chỉ có thể có lợi nhuận nếu như thị trường cổ phiếu tiếp tục tăng, đồng nghĩa với chứng khoán cơ sở của chứng quyền tăng. Vì vậy, nhà đầu tư cần phân tích kỹ tình hình thị trường chung và chọn lựa chứng quyền dựa trên chứng khoán cơ sở có nền tảng tài chính tốt và triển vọng tăng trưởng cao.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên cân nhắc yếu tố T+ và trạng thái chứng quyền để quyết định giao dịch.
Giả sử, nhà đầu tư mua chứng quyền khi chứng quyền ở trạng thái ATM (giá thực hiện bằng giá giao dịch của cổ phiếu), sau đó chứng khoán cơ sở đi ngang trong quá trình chứng quyền chờ về tài khoản, đồng thời không ghi nhận sự kiện quan trọng nào liên quan đến doanh nghiệp có chứng khoán cơ sở.
Không tính đến yếu tố giá chứng quyền trên thị trường thay đổi, thì khi chứng quyền về tài khoản và có thể giao dịch, giá trị chứng quyền mà nhà đầu tư thực tế sở hữu thực chất không bằng thời điểm mua vào, do yếu tố hao mòn thời gian.
Do vậy, chứng quyền ở trạng thái ITM (giá cổ phiếu lớn hơn giá thực hiện) là lựa chọn an toàn hơn cho nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, nhà đầu tư khi chọn lựa chứng quyền để giao dịch nên lưu ý 2 điểm sau nhằm tối ưu hóa giá trị danh mục đầu tư: một là, ưu tiên giao dịch chứng quyền trên chứng khoán cơ sở được thị trường nhìn nhận có tiềm năng đột biến về kết quả kinh doanh trong năm 2021; hai là, phân bổ tỷ trọng vốn đầu tư hợp lý cho sản phẩm chứng quyền trong tổng danh mục đầu tư.