Bùng phát bẫy vay tiền ngân hàng qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
Tin vào những lời mời chào vay vốn qua mạng Zalo, Facebook của các “nhân viên ngân hàng rởm”, nhiều người đã bị chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.
Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với mọi lời mời chào vay vốn qua mạng từ những người lạ và cần gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng để ký, nộp hồ sơ vay vốn. Ảnh: Đức Thanh

Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với mọi lời mời chào vay vốn qua mạng từ những người lạ và cần gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng để ký, nộp hồ sơ vay vốn. Ảnh: Đức Thanh

Ngây thơ chuyển tiền phí cho người lạ để được vay vốn

Bà Hoàng Thị Th. (Hải Phòng) cho biết, đầu tháng 10/2020, thấy một quảng cáo trên mạng, bà liên hệ với số điện thoại 0973928708 để được tư vấn vay vốn. Người nhận điện thoại tự nhận là nhân viên tín dụng của Ngân hàng Techcombank, mời chào bà Th. vay 100 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng, trả lãi mỗi tháng là hơn 3,9 triệu đồng. Thấy lãi suất hợp lý, thủ tục vay đơn giản, tất cả chỉ phải tiến hành qua điện thoại, bà Th. đồng ý vay.

Ngay sau đó, bà nhận được một tin nhắn thông báo hồ sơ đã được giải ngân và yêu cầu bà phải đóng phí hồ sơ, phí bảo hiểm cộng với 1 tháng tiền lãi trước để ngân hàng hoàn tất thủ tục giải ngân. Tin lời người này, bà Th. chuyển khoản tiền phí, bảo hiểm gần 20 triệu đồng cho đối tượng. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, bà không thể liên lạc được với số điện thoại trên.

Liên hệ với địa chỉ ghi trên hợp đồng được đối tượng gửi vào tin nhắn Zalo trước đó, bà Th. mới bàng hoàng phát hiện ra đây là địa chỉ và số điện thoại “ma”. Ngay cả tên ngân hàng viết trong hợp đồng cũng bị viết sai thành Ngân hàng TMCF Techcombank, điều khoản vô cùng sơ sài.

“Tôi biết mình rất ngu nên mới bị lừa, nhưng những kẻ lừa đảo này vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tôi mong báo chí vào cuộc để những nạn nhân như tôi cùng tố cáo công an, đưa những kẻ lừa đảo ra pháp luật”, bà Th. bức xúc.

Tương tự, chị Trần Thị Vân, một chủ shop bán hàng online tại Hà Nam cho hay, do cần vốn để kinh doanh, nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng, chị tìm đến các hình thức vay vốn online. Thấy có nick facebook quảng cáo cho vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, chị kết bạn nhờ tư vấn và được một người tên Cường, tự nhận là nhân viên thanh lý hồ sơ của BIDV, cam kết sẽ hỗ trợ chị vay 200 triệu đồng chỉ cần chứng minh thư, sổ hộ khẩu.

Cường còn gửi cả thẻ nhân viên ngân hàng để chứng minh. Sau cuộc nói chuyện, chị nhận được một tin nhắn mạo danh BIDV, thông báo hồ sơ của chị đã được Ngân hàng chấp nhận giải ngân 200 triệu đồng và đề nghị chị nộp phí để hoàn tất thủ tục.

Tin nhắn vừa tới thì Cường lập tức gọi điện, thông báo phí hồ sơ là 10,5 triệu đồng, yêu cầu chị Vân đặt cọc 5,25 triệu (50%), đồng thời ứng trước 1 tháng tiền lãi là 6,65 triệu đồng vào tài khoản Techcombank của Nhữ Quỳnh Trang. Vì quá cần tiền, lại tin Cường là nhân viên ngân hàng, chị lập tức chuyển ngay gần 12 triệu đồng mà không nghĩ ngợi gì.

Ngay sau đó, một nhân viên khác tự xưng là Nam, công tác tại Phòng Giải ngân của BIDV gọi điện tới, đề nghị chị Vân đóng thêm 6,85 triệu đồng tiền bảo hiểm thì thủ tục giải ngân mới hoàn tất.

“Mặc dù rất bức xúc vì phải đóng quá nhiều loại phí, nhưng do đâm lao thì phải theo lao, nên tôi chuyển thêm. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển khoản, tôi gọi điện thúc giục giải ngân thì cả số điện thoại của Nam lẫn Cường đều không liên lạc được. Khi đó tôi mới biết mình bị lừa”, chị Vân bức xúc cho hay.

Cũng theo chị Vân, sau khi tìm hiểu, trao đổi với hội nhóm chị em buôn bán online, chị được biết, đối tượng Cường này sử dụng rất nhiều số điện thoại với danh tính khác nhau và vẫn đang tiếp tục đi lừa người khác. Đến giờ, chị Vân vẫn chưa tố cáo công an vì không biết danh tính nào là danh tính thực của Cường và Nam để trình báo.

Tuyệt đối không chuyển tiền, không cung cấp thông tin cho người lạ

Khi được hỏi, nhiều người dân cho hay, do cả tin cộng với tình cảnh quá túng quẫn, khát vay tiền, nên khi nghe quảng cáo, họ như người chết đuối vớ được cọc, nhất thời không còn lý trí để cảnh giác. Thực tế, tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo cho vay vốn không phải là chuyện mới, đã bị báo chí và các ngân hàng cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn liên tiếp có thêm người dân sập bẫy.

Hành vi chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù và phải hoàn trả cho bị hại toàn bộ số tiền mà mình đã chiếm đoạt.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, dùng thủ đoạn xảo quyệt, chiếm đoạt tài sản từ 50 đến dưới 200 triệu đồng…, thì bị phạt tù 2-7 năm.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội

Đại diện BIDV khẳng định, thời gian qua, có hiện tượng giả danh cán bộ BIDV để lừa đảo khách hàng. Theo đó, đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung có logo BIDV gửi cho khách hàng qua Zalo, Facebook… để giả danh là cán bộ BIDV.

Khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho vay vốn và yêu cầu khách nộp khoản tiền là “phí bảo hiểm rủi ro”. Ngay sau khi chuyển số tiền trên, khách hàng không thể liên lạc với đối tượng giả mạo này nữa. Vì vậy, BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ những người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi.

Tương tự, Techcombank khẳng định, ngân hàng này không có dịch vụ thanh lý hồ sơ cho vay. Quy trình vay vốn luôn được Ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với Ngân hàng để ký, nộp hồ sơ vay vốn và được giải ngân theo quy định.

Ngoài BIDV, rất nhiều ngân hàng khác như Techcombank, MBBank, VPBank, BacABank… cũng đưa ra các khuyến cáo cho khách hàng. Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho “con mồi” để chứng minh họ đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Sau đó, yêu cầu nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên, kèm tiền phí và bảo hiểm vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Cuối cùng là chặn toàn bộ liên lạc với người bị hại sau khi đã nhận tiền…

Đáng nói, tình trạng giả mạo cán bộ ngân hàng lừa đảo bùng lên rất mạnh vài năm nay, nhưng số trường hợp bị phát hiện, bắt giữ và xử lý rất ít. Một phần do các đối tượng thường sử dụng điện thoại “rác”, sử dụng tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ giả… khiến việc truy tìm khó khăn. Hơn nữa, do số tiền lừa đảo thường không quá lớn (2 - 20 triệu đồng), nên người dân có tâm lý ngại trình báo công an.

Tin bài liên quan