“Bùng nổ” giao dịch bảo hiểm trực tuyến

“Bùng nổ” giao dịch bảo hiểm trực tuyến

(ĐTCK) Không ai có thể phủ nhận được tiện ích của giao dịch trực tuyến, bởi chỉ bằng vài cái click chuột, khách hàng có thể tìm hiểu mọi thông tin và ra quyết định nhanh chóng.

“Bùng nổ” giao dịch bảo hiểm trực tuyến ảnh 1Hệ thống giao dịch trực tuyến của BIC cho phép khách hàng thực hiện toàn bộ quá trình mua bảo hiểm

 

Một nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, việc sử dụng internet đã trở nên quan trọng đối với tất cả các đối tượng cũng như các khu vực, lượng người truy cập internet tăng 20% mỗi năm. Chính vì những tiện ích này, các công ty bảo hiểm đều nhận thấy rằng, kênh bán hàng này sẽ là xu hướng chung và sẽ sớm bùng nổ.

Trong khối bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp tuyên bố triển khai bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành nhận xét, trong khối phi nhân thọ, mới chỉ có BIC và Liberty là đã triển khai bán bảo hiểm trực tuyến đúng nghĩa, còn một số doanh nghiệp khác chỉ thông qua mạng để lấy thông tin khách hàng, sau đó cử cán bộ đến cấp đơn và thu phí trực tiếp.

Được biết, ngay từ khi mới đưa dịch vụ bán bảo hiểm trực tuyến vào hoạt động, Liberty đã sử dụng chữ ký điện tử, nên việc phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm trực tuyến không gặp trở ngại gì.

Ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc maketing Liberty cho biết, điều dễ nhận thấy sau một thời gian triển khai bảo hiểm trực tuyến là, mỗi ngày, đang có hàng ngàn người sử dụng dịch vụ bảo hiểm trực tuyến. Mặc dù nhiều người trong số họ vẫn còn gọi điện thoại đến Trung tâm Dịch vụ khách hàng để tìm hiểu thêm thông tin trước khi quyết định mua bảo hiểm, ngày càng có nhiều người lựa chọn thanh toán phí bảo hiểm trực tuyến và nhận ngay giấy chứng nhận bảo hiểm qua email. Điều này đặc biệt phổ biến ở những người mua bảo hiểm du lịch và bảo hiểm tai nạn con người.

Tháng 8 này, BIC cũng triển khai áp dụng chữ ký số trong việc cấp đơn bảo hiểm điện tử cho khách hàng mua bảo hiểm qua website. Với việc triển khai chữ ký số và cấp đơn bảo hiểm điện tử, BIC sẽ là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên có kênh bán bảo hiểm trực tuyến, trong đó, toàn bộ quá trình mua bảo hiểm của khách hoàn toàn được thực hiện qua mạng. Được biết, doanh thu qua kênh trực tuyến của BIC tuy còn khá nhỏ trong tổng doanh thu phí bảo hiểm, nhưng rất ổn định và có xu hướng tăng dần.

Trong khi đó, đối với khối nhân thọ, vì đặc thù riêng là hợp đồng dài hạn, nên không thể bán bảo hiểm trực tuyến, tuy nhiên, việc cho phép khách hàng truy cập website công ty để tìm hiểu thông tin về hợp đồng, số dư hợp đồng… thì hầu hết các công ty bảo hiểm khối này đã làm.

Mới đây, một tân binh mới của thị trường là Generali Việt Nam còn tuyên bố, đưa vào sử dụng cổng dịch vụ khách hàng trực tuyến “GVL-Link”. Đây là phần mềm đầu tiên trên thị trường dành cho bảo hiểm nhóm có những tính năng phục vụ các khách hàng là thành viên được bảo hiểm và các cơ sở y tế đối tác. “GVL-Link” còn là một công cụ quản lý hiệu quả và nhanh chóng cho các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhóm. Bất cứ khi nào khách hàng khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế đối tác cũng có thể kiểm tra một cách nhanh chóng hạn mức quyền lợi bảo hiểm và cập nhật chi phí khám, chữa bệnh này. Hệ thống này sau đó sẽ kiểm tra mức chi phí cần thiết nhằm đảm bảo không vượt quá hạn mức quyền lợi bảo hiểm. Các bên có liên quan sẽ được thông báo bằng email ngay khi có phát sinh thanh toán để tiện việc quản lý.

Một chuyên gia trong ngành nói rằng, đối thủ cạnh tranh trên cùng thị trường trực tuyến hiện nay còn rất ít và cũng đang hoạt động ở mức thăm dò. Chính vì thế, cơ hội cho kinh doanh bảo hiểm trực tuyến còn rộng mở. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm muốn phát triển sôi động kênh bán hàng này, cần phải cung cấp các sản phẩm đa dạng và hướng đến từng nhóm đối tượng khách hàng chuyên biệt với những chiến lược cho từng sản phẩm riêng biệt. Không những thế, cùng với việc xem xét khả năng hạ giá hợp lý cho từng sản phẩm cụ thể, trong từng thời điểm cụ thể, để tạo lợi thế cạnh tranh, các công ty này cũng cần cung cấp thêm nhiều tiện ích khác trên trang web như: tư vấn kiến thức, khiếu nại trực tuyến, điều chỉnh hợp đồng trực tuyến…