Bùng nổ đầu tư điện tái tạo, mối lo quá tải trở lại

Bùng nổ đầu tư điện tái tạo, mối lo quá tải trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời tiếp tục được đầu tư mới hoặc mở rộng công suất thời gian qua khiến nguy cơ quá tải điện lưới quốc gia từng diễn ra giữa năm 2019 quay trở lại.

CTCP Fecon vừa thông báo hoàn thành một dự án điện mặt trời và chuẩn bị tham gia đầu tư thêm một dự án điện gió công suất 120 MW tại tỉnh Sóc Trăng. Hiện Fecon đang đầu tư 5 dự án điện tái tạo, khi đi vào phát điện có tổng công suất đạt 700 MW.

Với sản lượng điện dự kiến cung ứng lên lưới điện quốc gia khoảng 75 triệu kWh/năm, dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh tại tỉnh Ninh Thuận cũng đã đi vào vận hành.

Dự án do CTCP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận (thuộc Tập đoàn T&T) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực điện gió, nhiều dự án nghìn tỷ cũng dự kiến khởi công trong năm nay và phát điện thương mại trong năm 2021, trong đó có dự án Cụm trang trại điện gió B&T tại Quảng Bình dự kiến khởi công trước tháng 10/2020, chủ đầu tư là CTCP Điện gió B&T, tổng mức đầu tư 8.904 tỷ đồng.

Với công suất 252MW, dự án phân thành 2 giai đoạn, bao gồm Trang trại điện gió B&T 1, công suất 100,8 MW với kế hoạch vận hành vào tháng 12/2020 và Trang trại điện gió B&T 2, công suất 151,2 MW vận hành tháng 6/2021.

Tính đến nay, đã có hàng chục dự án năng lượng tái tạo được bổ sung vào quy hoạch điện phát triển điện quốc gia.

Thống kê cập nhật của Bộ Công thương cho biết, vừa có thêm 91 dự án điện gió với tổng công suất gần 7.000 MW được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đã được

Thủ tướng Chính phủ đồng ý, nâng tổng quy mô công suất điện gió được quy hoạch lên 11.630 MW. Đối với điện mặt trời, tổng công suất được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã vận hành trên 90 dự án điện với tổng công suất khoảng 5.000 MW.

Là ngành có nhiều triển vọng nhờ mức giá mua điện ưu đãi và chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, nhưng với điều kiện cơ sở hạ tầng lưới điện chưa đủ khả năng đáp ứng truyền tải lượng lớn nên rủi ro là không nhỏ đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo, cả về khả năng được huy động tối đa công suất mua điện hòa lên lưới quốc gia cũng như mức giá mua điện ưu đãi được hưởng khi cạnh tranh gia tăng, khi mà tình trạng quá tải lưới điện đã xảy ra trong năm qua.

Từng chịu tác động nặng nề từ việc cắt giảm sản lượng mua điện do công suất lưới quá tải hồi giữa năm 2019, đại diện chủ đầu Nhà máy Điện mặt trời Phước Mỹ (Ninh Thuận) cho biết: “Một khi tình trạng quá tải lưới điện diễn ra, tất cả các bên đều chịu tác động và kéo dài càng lâu thì mức độ tác động càng lớn, riêng với nhà đầu tư thì thiệt hại về mặt kinh tế là rất lớn. Bởi trong đầu tư cơ sở hạ tầng, 90% là chi phí, 10% là lợi nhuận. Nếu nhà máy phải giảm phát điện tới trên 10% là coi như lỗ nặng”.

Thừa nhận một thực tế là các dự án đấu nối lưới 110 kV tại Ninh Thuận đã có một năm 2019 hết sức khó khăn do hạn chế về lưới điện truyền tải, khi gia tăng nguồn phát số lượng lớn dẫn đến việc các dự án điện mặt trời phải giảm công suất, đặc biệt là trên lưới 110 kV, ông Nguyễn Hải Vinh, Phó tổng giám đốc CTCP Năng lượng tái tạo BIM (thuộc BIM Group) cho hay, phần lớn các dự án của BIM đều chọn đấu nối vào lưới 220kV.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho rằng, cần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia mạnh hơn nữa vào việc đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải đồng bộ với phát triển nguồn điện, góp phần giải tỏa nguy cơ quá tải cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư lớn trong lĩnh vực này.

Tin bài liên quan