Thế giới hiện có trên 60 quốc gia áp dụng ICLS-19.

Thế giới hiện có trên 60 quốc gia áp dụng ICLS-19.

Bức tranh lao động, việc làm chân thực hơn

0:00 / 0:00
0:00
Bức tranh thị trường lao động, việc làm của Việt Nam đã chân thực hơn khi Tổng cục Thống kê công bố các chỉ tiêu thống kê về lao động, việc làm áp dụng Khung khái niệm mới (ICLS-19).

Bức tranh thị trường lao động, việc làm của Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi, chân thực hơn kể từ quý I/2021, khi Tổng cục Thống kê thu thập, tính toán và mới đây đã chính thức công bố các chỉ tiêu thống kê về lao động, việc làm áp dụng Khung khái niệm mới (ICLS-19).

ICLS-19 (thay thế ICLS-13, áp dụng từ năm 1982 theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO) được Hội nghị Quốc tế về thống kê lao động và việc làm thông qua vào tháng 10/2013. Sự khác biệt giữa ICLS-19 và ICLS-13 có thể hiểu đơn giản là không tính những người làm việc với mục đích sản xuất sản phẩm tự cung, tự cấp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (nông nghiệp) vào khu vực lao động có việc làm như trước đây.

Mặc dù được đánh giá là quốc gia có hệ thống thống kê tiên tiến, tiệm cận với thông lệ thống kê hiện đại nhất của thế giới, nhưng Việt Nam đã muộn mất 6 năm so với thế giới và đi sau hơn 60 quốc gia trong việc áp dụng ICLS-19.

Lý do là Việt Nam thận trọng vì các nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam phụ thuộc rất ít vào khu vực nông nghiệp, đặc biệt phụ thuộc vào các sản phẩm tự sản, tự tiêu hầu như không đáng kể, số lượng người làm việc trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất ít trong tổng số lao động, nhất là lao động tự sản, tự tiêu rất ít.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có trên 14,1 triệu người làm việc trong khu vực nông nghiệp, chiếm 28,2% tổng số lao động có việc làm, trong đó có tới 3,5 triệu người làm việc trong khu vực tự cung, tự cấp. Chính vì vậy, sự thận trọng khi áp dụng ICLS-19 là điều dễ hiểu, bởi khi không coi 3,5 triệu người là có việc làm sẽ đồng nghĩa với việc loại từng ấy người ra khỏi lực lượng lao động. Điều này sẽ làm thay đổi các chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm cho người lao động.

Cũng như các nền kinh tế mới nổi khác, số lượng người lao động trong khu vực nông nghiệp của Việt Nam rất đông đảo, trong đó có một lực lượng không nhỏ đang làm những công việc theo kiểu “tay làm, hàm nhai” đúng nghĩa đen, bởi vậy, việc loại đối tượng này ra khỏi lực lượng lao động theo khuyến cáo của ILO vô cùng phức tạp. Hơn thế, nếu không tính toán cẩn trọng, không đưa ra các dữ liệu khoa học thuyết phục, thì Việt Nam sẽ bị đánh giá là cố tình làm đẹp bức tranh về thị trường lao động, về tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm.

Trên thực tế, khi không tính 3,5 triệu người vào lực lượng lao động, thì dù nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như quy mô nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP, bội chi, nợ công… không bị tác động, nhưng một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác sẽ có sự thay đổi. Chẳng hạn,tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm sẽ giảm xuống; ngược lại thu nhập của người lao động và đặc biệt là năng suất lao động sẽ tăng lên, trong khi năng suất lao động của tất cả người dân trong độ tuổi lao động đang có công việc, cũng như thu nhập của họ không hề thay đổi.

Không thể phủ nhận tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam và tốc độ tăng thu nhập của lao động Việt Nam trong một thập kỷ vừa qua luôn dẫn đầu khu vực ASEAN. Song cũng không thể phủ nhận thu nhập thực tế và năng suất lao động thực tế của Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với các nước ASEAN-5, hiện chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar với khoảng cách khá hẹp.

Thế giới hiện có trên 60 quốc gia áp dụng ICLS-19. Khi áp dụng ICLS-19, chắc chắn, “bản đồ” về năng suất lao động và thu nhập của người lao động trong khu vực ASEAN sẽ có sự thay đổi vì 6 nước ASEAN, trong đó có Lào và Campuchia đã áp dụng ICLS-19. Tương tự như cách tính GDP mới đây, việc này cũng không quá khó hiểu, vì sau khi tính lại GDP, quy mô kinh tế Việt Nam tăng thêm 25,4% và năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam chính thức vượt qua Singapore, Malaysia. Điều này đã được các tổ chức tài chính quốc tế thừa nhận.

Quan trọng hơn, áp dụng ICLS-19 là nhằm phân tách những người có công việc, nhưng thực tế là không có việc làm (không có thu nhập, không tạo ra sản phẩm cho xã hội) - đối tượng yếu thế nhất trong xã hội (không tính người tàn tật) - để Quốc hội, Chính phủ đưa ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, đủ liều lượng về tài chính, tín dụng, đào tạo, tạo việc làm phù hợp với từng nhóm đối tượng, giúp họ tăng thu nhập và nhằm thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Việc này không phải để làm đẹp bức tranh về thị trường lao động Việt Nam, càng không phải để cố khẳng định với thế giới rằng, năng suất lao động, thu nhập của lao động Việt Nam dần sánh ngang với nhiều nước trên thế giới.

Tin bài liên quan