Bức tranh kinh tế Trung Quốc kém phần tươi sáng

Bức tranh kinh tế Trung Quốc kém phần tươi sáng

Lạm phát phi mã, giá nhân công tăng cao cùng số nợ tại các địa phương ngày một lớn đe dọa tới sức tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc.

 

Bức tranh kinh tế Trung Quốc kém phần tươi sáng ảnh 1 

Doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn

khi những biện pháp thắt chặt được thi hành. Ảnh: NYT

 

Gần đây, một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay và năm sau từ 9 – 10% xuống khoảng 8,5%. Vicent Chan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của ngân hàng Credit Suisse, cho biết nền kinh tế nước này có thể tránh được một cú “hạ cánh cứng” nhưng tăng trưởng trong năm tới có thể sẽ kém khởi sắc.

 

Hôm thứ hai vừa qua, Credit Suisse cho biết theo số liệu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố mới đây, tín dụng tại Trung Quốc đã gia tăng ở mức đáng báo động, cao hơn nhiều so với ước tính của Chính phủ. Hãng này cũng hạ dự báo lợi nhuận của các ngân hàng nhà nước và doanh nghiệp nước này, cảnh báo nền kinh tế chung sẽ tăng trưởng chậm lại.

 

Số liệu của Ngân hàng Trung ương cho thấy tỷ lệ cho vay mới của ngân hàng tương đương với 31% GDP năm 2009 và 21% GDP năm 2010. Nếu tính cả cho vay ngoại bảng thì con số này sẽ lên tới 39% và 34% GDP năm 2009 và 2010. Bùng nổ cho vay khiến tín dụng Trung Quốc tăng 71% trong vòng 2 năm, tương đương tăng 26.700 tỷ nhân dân tệ (4.120 tỷ USD). Tính đến tháng 3/2011, tỷ lệ tín dụng trên GDP nước này đã tăng lên 166% từ mức 120% hồi cuối năm 2008.

 

Theo Credit Suisse, cho vay ngoại bảng, mà đa phần diễn ra ngoài hệ thống ngân hàng, đã bơm thêm một lượng tín dụng đáng kể vào hệ thống tài chính trong năm ngoái. Vì vậy, hãng đã hạ đánh giá các ngân hàng nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời cảnh báo nguy cơ nợ xấu gia tăng.

 

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới nhờ việc dùng các ngân hàng nhà nước để vực dậy tăng trưởng. Giờ đây, Chính phủ nước này lại đang yêu cầu họ hành động để hãm lại đà phát triển kinh tế Trong những năm qua, Trung Quốc đã ra sức hạn chế các khoản nợ xấu ngân hàng như là cách để kiềm chế lạm phát và giá bất động sản tăng chóng mặt.

 

Theo giới phân tích, các biện pháp thắt chặt đó không chỉ kéo đà tăng trưởng chậm lại mà còn gây ra hàng loạt vấn đề về hệ thống tài chính khác. Chúng có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân và công ty xây dựng, vốn là những động lực tăng trưởng lớn của Trung Quốc. Trong khi đó, họ còn phải vật lộn để đối phó với giá nhân công tăng, thiếu hụt năng lượng và chi phí đi vay cao.

 

Một động lực tăng trưởng khác là đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng địa phương cũng bị giới chức xem xét kỹ lưỡng do lo ngại việc chi quá mức vào xây dựng đường xá, cầu, hầm và tàu điện ngầm … có thể dẫn đến một làn sóng nợ xấu. Đầu tháng này, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng UBS tại Trung Quốc Wang Tao đã cảnh báo những khoản vay của các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương có thể tạo ra 460 tỷ USD nợ xấu.

 

Bên cạnh việc hạ dự báo tăng trưởng năm tới xuống dưới 8%, một số chuyên gia còn đưa ra bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình kinh tế nước này. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã lún vào tình trạng trì trệ hầu như suốt 2 năm gần đây, thị trường bất động sản yếu đi, còn lạm phát thì ở mức cao nhất trong vòng gần 3 năm qua.

 

Tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor đã hạ thấp triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc, dự đoán doanh số bán nhà đất tại một số nơi sẽ sụt giảm mạnh do tín dụng thắt chặt và các biện pháp kiềm chế của Chính phủ.

 

Ngoài ra, xuất khẩu đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu trong vài tuần trở lại đây. Credit Suisse cho rằng có khả năng ngành xuất khẩu của nước này sẽ tăng trưởng èo uột trong những tháng tới, một phần bởi nhu cầu tại Mỹ và châu Âu đi xuống.

 

Những vấn đề trên có thể được giải quyết nếu Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ và đẩy nhanh tăng trưởng như đã làm hồi đầu năm 2009. Song, ông Chan cho rằng quy mô nợ của Trung Quốc có thể cản trở giới chức nước này và kéo dài thời kỳ tăng trưởng chậm lại.